Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm
- 16:23 04-11-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội nghị là cơ hội đánh giá tổng quan lợi thế, tiềm năng và chỉ ra những hạn chế, tồn tại của ngành tôm Việt Nam lúc này. Ảnh: Ngọc Linh. |
Ngày 4/11, tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Thủy sản và Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết, nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm.
Tạo cú hích liên kết sản xuất trong ngành tôm
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”, xác định tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD hàng năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 8,4 tỷ USD.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Phát triển ngành tôm theo hướng quy mô, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng, đạt chứng nhận tôm sinh thái, hữu cơ, GAP; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp...
Kế hoạch đặt ra những mục tiêu thực sự cấp thiết khi ngành tôm bấy giờ chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế sẵn có. Bên cạnh hạn chế về nguồn lực, tài chính, biến đổi khí hậu... thì mối liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành tôm cũng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định ngành tôm Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua. Ảnh: Ngọc Linh. |
Bám vào Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đề xuất của Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản), Bộ NN-PTNT đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm thuộc đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể là điều tra, đánh giá các mối liên kết ngang, dọc theo các phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau (tôm - lúa, tôm - rừng, tôm trên cát, tôm công nghiệp quy mô nhỏ). Quá trình triển khai sẽ xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất và đào tạo tấp huấn, nâng cao năng lực cho hàng trăm cán bộ hợp tác xã/tổ hợp tác (HTX/THT) và người sản xuất…
Theo đó, giai đoạn 2022 – 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng một số mô hình thí điểm gồm: Mô hình liên kết "6 nhà" tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau thu hút 4 THT/HTX tha gia; mô hình liên kết "5 nhà" tại 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Tĩnh thu hút 4 THT/HTX tham gia, áp dụng 1 vụ/năm.
Mô hình liên kết trong nuôi tôm mang lại khác biệt so với cách thức mạnh ai nấy làm. Ảnh: VK. |
Song song đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với trung tâm khuyến nông các tỉnh, các công ty cung cấp vật tư đầu vào cùng tham gia chuỗi liên kết thông qua hàng loạt lớp tập huấn hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm – lúa, tôm – rừng tại Sóc Trăng và Cà Mau; nuôi tôm trên cát, tôm công nghiệp tại Hà Tĩnh, Quảng Ninh; hướng dẫn cách thuần hóa tôm giống ở môi trường có độ mặn thấp, cách thả giống đúng quy trình nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao; sử dụng chế phẩm đúng cách, phù hợp với từng vùng, từng tiểu khí hậu; sử dụng thiết bị quan trắc môi trường, ghi chép sổ nhật ký…; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới, áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ tư vấn các cơ sở thực hiện theo GAP; cán bộ khuyến nông thực hiện hỗ trợ, giám sát…
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục xây dựng mô hình liên kết "6 nhà" với đầu tàu là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Hải (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) trên quy mô 30ha; mô hình liên kết "5 nhà" tại các tỉnh Nghệ An, Nam Định.
Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung đã xây dựng được nhiều vùng nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Linh. |
Tại Nghệ An, trong khuôn khổ chương trình, tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) đã thành lập tổ liên kết nuôi tôm thương phẩm trên quy mô 8ha. Đơn vị tham gia chuỗi liên kết đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản Bắc Trung bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) và các đơn vị liên quan nhằm tăng cường liên kết dọc "5 nhà" (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà bao tiêu sản phẩm) để giảm giá thành sản xuất tôm nguyên liệu, củng cố mối liên kết ngang trong cộng đồng, tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho cơ sở chế biến.
Nhìn rõ thực trạng để tháo gỡ nút thắt
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định, tôm nuôi là một trong 7 nhóm chủ lực ưu tiên đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy phát triển toàn diện. Đây là điều dễ hiểu bởi Nghệ An sở hữu tiềm năng, lợi thế lớn về nuôi tôm với chiều dài bờ biển trên 82km, dọc bờ biển có 6 cửa lạch.
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An nêu tổng quan về bức tranh thủy sản của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh. |
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản mặn - lợ trên địa bàn đạt tỉnh trên 2.600ha, trong đó diện tích nuôi tôm (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) là 1.320ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. Sản lượng năm 2023 đạt 9.964 tấn, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha/vụ. Nghề nuôi tôm tại Nghệ An có nhiều thuận lợi song cũng đối mặt với nhiều khó khăn, hiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư xứng tầm, bên cạnh đó là lo ngại về môi trường, dịch bệnh, về liên kết sản xuất.
Từ những ý kiến phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định Việt Nam có bờ biển trải dài, có dư địa lớn để phát triển lớn mạnh nghề nuôi tôm. Đan xen với đó là hệ thống cơ sở pháp lý, chiến lược, định hướng, công nghệ chế biến, thị trường ổn định, bao gồm cả trong nước lẫn xuất khẩu, đây là những yếu tố cốt lõi để vươn tầm ra biển lớn.
Nếu tháo gỡ được các nút thắt, ngành tôm sẽ mang lại giá trị rất lớn. Ảnh: Việt Khánh. |
Ông Thanh nhấn mạnh ngành tôm đã đạt được một số thành tựu nhất định, thể hiện qua nhiều quy trình công nghệ, nhiều sáng tạo đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Đơn cử như bà con miền Tây nuôi tôm từng giai đoạn rất nhuần nhuyễn, hay nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi đã kiểm soát tốt về môi trường, giảm thiểu được rủi o dịch bệnh... Bên cạnh những mặt đã đạt được, ngành tôm còn gặp thách thức trong quá trình quy hoạch vùng nuôi, phụ thuộc về chất lượng vật tư đầu vào, thị trường bấp bênh, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững…
“Nuôi tôm nếu thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu liên kết, phụ thuộc vào thị trường thì không thể phát triển bền vững. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, bắt buộc người nuôi phải tiếp cận theo lối tư duy công nghiệp, sáng tạo, phải hoàn thiện đầy đủ hành trang, kiến thức khi bắt tay vào sản xuất quy mô lớn, áp dụng chuỗi liên kết” - ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh. |
Tác giả: Ngọc Linh - Việt Khánh
Nguồn tin: nongnghiep.vn