Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khoáng sản tại Nghệ An - Bài 1: Lắm “tài”… nhiều “tật”!

Nghệ An vận dụng rất tốt lợi thế nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình khai thác, chế biến vẫn còn tồn đọng một số bất cập…

Các vụ việc vi phạm về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục xảy ra trong những năm trở lại đây. Nguyên nhân chính rõ ràng là thuộc về phía doanh nghiệp, nhưng một phần đáng trách khác cũng đến từ việc chính quyền địa phương và sở, ban, ngành có liên quan chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản.

 Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn nhất cả nước.

Nguồn tài nguyên dồi dào

Theo đánh giá chung, Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, bao gồm các địa hình từ đồng bằng ven biển, trung du và miền núi. Chính đặc điểm địa hình như vậy đã mang lại cho Nghệ An giàu tiềm năng về nguồn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, có một số loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: Quặng thiếc, đá hoa trắng, vàng, đá quý. Bên cạnh đó, địa phương còn sở hữu nhiều loại khoáng sản có khối lượng lớn để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, cát, sỏi…

Nắm rõ lợi thế trên, những năm qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã thực hiện cấp các giấy phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu. Hiện, trên địa bàn Nghệ An có 281 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, tỉnh cấp 223 giấy phép và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 58 giấy phép.

Đáng chú ý trong đó, chính quyền tỉnh Nghệ An đã chủ động cấp phép khai thác các loại khoáng sản cần thiết cho sự phát triển, nhất là đất làm vật liệu san lấp để cung cấp kịp thời cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, các dự án trọng điểm của địa phương như: Khu công nghiệp VSIP 1, Khu công nghiệp WHA, Thọ Lộc, Hoàng Mai 1, tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An)….

 Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua các hoạt động khai thác, chế biến trên lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước khá lớn cho tỉnh nhà. Không những vậy, các hoạt động khai thác khoáng sản còn tạo nguồn nguyên liệu khoáng dồi dào cho các ngành công nghiệp khác phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong công tác quản lý Nhà nước, mặc dù chính quyền tỉnh Nghệ An đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản. Song, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng một số bất cập nhất định như: Khai thác gây ô nhiễm môi trường, khai thác vượt công suất, khai thác ra ngoài phạm vi ranh giới khu vực mỏ, khai thác có nguy cơ mất an toàn lao động.

Nhiều bất cập nảy sinh

Ví dụ điển hình nhất là vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đá và khoáng sản Phủ Quỳ ở huyện Quỳ Hợp, với tổng số tiền 355 triệu đồng do có hàng loạt vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã sử dụng 1,8ha đất rừng sản xuất để làm bãi thải, xây dựng lán trại chưa được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thời gian vi phạm từ năm 2020 đến nay. Với vi phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã phạt Công ty Cổ phần Đá và khoáng sản Phủ Quỳ 210 triệu đồng; áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất chính đã thu được từ hành vi vi phạm 72 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp buộc thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định.

Ngoài ra, Công ty CP Đá và khoáng sản Phủ Quỳ còn có các sai phạm khác, gồm: Không gửi báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác nếu tạm ngừng khai thác từ 1 năm trở lên; Lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác mà không đầy đủ thông tin theo quy định; Lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm.

 Những năm trở lại đây, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Tương tự, cùng ngày, Lãnh đạo tỉnh tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP thiết bị Thiên Hoàng, trụ sở tại TX Cửa Lò vì đã khai thác lấn đất rừng sản xuất tại địa bàn xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, với diện tích hơn 2,3ha. Cụ thể, từ ngày 5/6 đến 30/7, Công ty CP thiết bị Thiên Hoàng đã khai thác đất với diện tích hơn 2,3ha vượt ra ngoài ranh giới diện tích thuê đất đợt 1, nhưng trong phạm vi ranh giới cấp phép khai thác theo giấy phép.

Do vậy, doanh nghiệp này bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính số tiền 210 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính hơn 88 triệu đồng. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu doanh nghiệp trên phải nộp đủ số tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt hành chính.

Trước đó, chỉ cách đây hơn 1 tháng, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp chuyên về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đó là Công ty TNHH Thương Mại Kiều Phát bị phạt 448 triệu đồng và Công ty TNHH Hợp Thịnh bị phạt 355 triệu đồng cũng vì hàng loạt vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản…

Bài 2: Ngăn ngừa vi phạm, cần siết từ “gốc”

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn