Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện người mẹ ở Hà Nội nuốt nước mắt ký giấy hiến tạng con trai, 8 năm sau, bà có 5 người con nuôi

Chính chữ ký nhân từ năm ấy của bà Nguyễn Thị Ngần đã đem lại cuộc sống mới cho 5 người khác. Thế nhưng, có khoảng thời gian bà bị người đời chỉ trích, mắng chửi, cho rằng bà bán nội tạng con lấy tiền.

Một buổi sáng mùa thu tháng 10, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ ở xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) hỏi về nơi ở của bà Cấn Thị Ngần – người phụ nữ dũng cảm ký giấy hiến tạng con trai để cứu sống 5 người vào 8 năm trước, ai nấy cũng đều biết đến.

Căn nhà của bà Ngần nằm ở trong một con ngõ nhỏ, cách Nhà văn hóa thôn Độ Lân (xã Tuyết Nghĩa) khoảng chừng 100m. Nghe thấy tiếng chúng tôi gọi ngoài cổng, bà Ngần từ trong nhà bước ra nói "mời cô chú vào trong nhà uống nước".

Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngần mỉm cười cho biết, bà vừa về đến nhà 2 hôm sau chuyến đi chơi một tháng tại nhà con gái nuôi ở Lạng Sơn.

 Bà Cấn Thị Ngần

Vừa dứt câu, tiếng chuông điện thoại của bà Ngần reo lên, trên màn hình điện thoại hiện lên người gọi đến tên "Tiến con". Thấy vậy, bà bắt máy thì đầu dây bên kia vang lên "con chào mẹ". Trò chuyện qua điện thoại, bà Ngần liên tục hỏi thăm sức khỏe của người gọi đến.

Sau cuộc gọi, bà Ngần bảo người gọi đến là anh Nguyễn Nam Tiến (quê Quảng Bình), con nuôi của bà. Anh Tiến là một trong năm người nhờ nhận tạng của anh Trịnh Đình Vàng (con trai bà Ngần) mà được cứu sống.

"Nay Tiến xuống Hà Nội khám sức khỏe nên ngỏ ý sau khi khám xong, muốn mời tôi cùng về Quảng Bình chơi. Từ chối nhiều sợ con lại buồn nên lần này tôi đồng ý, chút nữa tôi sẽ sắp xếp đồ đạc vào đó ở ít ngày", bà Ngần nói.

Nói về những người con nuôi của mình, bà Ngần cho biết, ngoài anh Tiến, bà còn 4 người con nuôi khác là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn), anh Vũ Xuân Cường (Sơn La), chị Nguyễn Thị Thùy (Chương Mỹ) và anh Nguyễn Xuân Hưng (Hoài Đức).

Theo đó, tất cả đều là những người nhận tạng của anh Vàng mà được cứu sống. Trước ân tình đó, họ nhận bà Ngần làm mẹ nuôi.

Bị mắng chửi "bán nội tạng con trai để lấy tiền"

Ngồi trong căn nhà nhỏ, bà Ngần bảo vẫn nhớ như in câu chuyện của 8 năm trước, từ thời điểm nhận tin cậu con trai gặp nạn.

Bà Ngần kể lại, trước đây, chồng mất sớm do bị điện giật năm 30 tuổi, một mình bà nuôi 3 con nhỏ (hai trai, một gái). Cuộc sống vẫn cứ êm đềm cho đến khoảng 5h00 ngày 27/7/2016, bà vừa tỉnh giấc thì nhận được cuộc gọi từ người con trai cả báo anh Vàng ngã từ trên sân thượng xuống gãy tay.

Cúp máy, bà vội vã đến ngay bệnh viện để xem tình hình sức khỏe của con thế nào. Đến nơi, thấy con trai không bị trầy xước, lòng bà đỡ lo lắng và nghĩ con chắc không sao.

Sau đó, bà được bác sĩ báo anh Vàng bị chấn thương não nặng không thể cứu khiến bà chết lặng, ngã quỵ xuống đất. Rồi bà đứng dậy với hai hàng nước mắt, ôm lấy bác sĩ và cầu xin bằng mọi giá cứu lấy con trai của bà.

 Bà Ngần trực trào nước mắt kể lại giây phút được các bác sĩ báo con không thể cứu chữa

Khoảng thời gian ngồi ngoài hành lang bệnh viện chờ đợi kết quả buổi hôm đó dài một cách lạ kỳ, ánh mắt bà luôn hướng về nơi con trai đang nằm với hy vọng sẽ có một phép màu xảy ra. Thế nhưng, mọi hi vọng của bà đều tan biến sau khi bác sĩ kết luận anh Vàng chết não, ngỏ ý với gia đình về việc hiến tạng để cứu người.

Trước câu nói của bác sĩ, bà Ngần im lặng. Sau đó, bà lặng lẽ đứng nhìn người con trai tội nghiệp nằm trên giường bệnh chỉ còn 1% sự sống qua cửa kính.

Lúc này, nội tâm của bà Ngần vừa giằng xé vừa tranh đấu giữa việc giữ thân thể con trai còn nguyên vẹn hay hiến tạng để cứu người.

Cuối cùng, bà Ngần vội gạt những giọt nước mắt, kìm nén nỗi đau đi đến gõ cửa phòng bác sĩ, đồng ý ký tên lên tờ giấy hiến tạng con.

"Khi tôi ký giấy, con cái, người thân họ hàng đều phản đối. Họ bảo tôi không xót con hay sao để người ta mổ phanh con ra như thế, nhưng đâu ai có hiểu nỗi lòng của mình" , bà Ngần nghẹn ngào nói.

Trước những lời trách móc, bà vẫn quyết đồng ý ký hiến tạng con để cứu người. Bởi, bà nghĩ rằng, khi con chết đi, mọi thứ đều sẽ trở về với cát bụi. Nhưng nếu những bệnh nhân được nhận một phần tạng của con, họ sẽ có thể tiếp tục sống.

 

 Những bức ảnh kỷ niệm của bà chụp cùng những người con nuôi được treo ngay ngắn trên tường

"Ký đơn, tôi chẳng mong bất cứ điều gì. Lúc đó, tôi chỉ mong phần nào của con tôi có thể đem lại sự sống cho người khác", bà Ngần chia sẻ.

Chữ ký của bà Ngần đã giúp 5 người xa lạ có được cuộc sống mới. Ngay sau khi được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, hai quả thận của anh Vàng để cứu sống 3 người. Một thời gian sau giác mạc cũng được trao cho 2 bệnh nhân khác để giúp họ nhìn thấy lại ánh sáng.

Sau khi hoàn tất thủ tục, gia đình đưa thi thể anh Vàng về quê án táng tại nghĩa trang quê nhà. Đám tang của anh được Bệnh viện Quân Y 103 tổ chức trang nghiêm như tổ chức cho một liệt sĩ.

Trong không khí tang thương, ai nấy cũng đều xót xa trước sự ra đi của anh Vàng. Bên cạnh đó, câu chuyện về bà Ngần hiến tạng con được một vài người đem ra bàn tán. Họ cho rằng bà bán tạng con lấy tiền, thậm chí có người còn từng hỏi bà bán tạng con được mấy tỷ.

Cũng trong suốt một năm ấy, bà vừa phải chịu nỗi đau mất đi người con, vừa phải chịu những lời bàn tán, mắng chửi của người đời.

Nỗi đau được xoa dịu

Đến ngày giỗ đầu của anh Vàng 27/7/2017, bất ngờ có 5 người lạ đến nhà bà Ngần và giới thiệu họ là những người nhận tạng của anh Vàng.

 Hình ảnh bà Ngần chụp cùng 5 người con nuôi

Thấy sự sống của con trong một hình hài khác, lúc này, bao nhiêu ấm ức, tủi hờn từ những lời nói của người đời bà đều bỏ qua hết. Bà bật khóc vì những gì con cho đi đã đem lại sự sống cho người khác và giờ tất cả họ đều đang đứng ở đây.

"Trước đó, tôi chỉ nghe tin phần tạng của con đã đem lại cuộc sống mới cho 5 người, chứ không nghĩ một ngày có thể gặp lại.

Khi các con tìm tới đây, tôi đã khóc vì không dám tin mình có thể nghe lại tiếng tim Vàng đập lần nữa, có thể gặp lại sự sống của con trong cơ thể của người khác", bà Ngần kể.

 Bà Ngần cho biết, đây là bức tranh "bóng cả" mà 5 người con nuôi gửi tặng bà để tri ân công tái sinh mình. Nằm ở dưới cùng của bức tranh là dòng dữ "Chúng con Hậu - Cường - Tiến - Thủy - Hưng"

Trong cuộc gặp mặt đó, 5 người nhận được phần tạng của anh Vàng xin được làm con nuôi của bà Ngần.

Cũng kể từ ngày ấy, những người con nuôi thường xuyên gọi điện hỏi thăm, trò chuyện với bà Ngần. Vào ngày giỗ của anh Vàng hoặc ngày Tết, dù xa hay gần, bận rộn đến mấy cũng về căn nhà nhỏ nơi bà sinh sống cùng nhau quây quần, không để bà phải chịu cô đơn. Bên cạnh đó, ai nấy cũng đòi đón bà Ngần lên nhà ở để tiện chăm sóc.

"Ngày lễ Vu Lan vừa rồi, các con lại về thăm tôi, chơi ít bữa rồi đi. Các con ai cũng bảo tôi lên ở cùng để chăm sóc" , bà Ngần mỉm cười nói.

 

 Những lời động viên, quan tâm an ủi của những người con nuôi trong những năm qua giúp bà xoa dịu một phần nào của nỗi đau

Cuối buổi trò chuyện, một lần nữa tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Người gọi đến là chị Trần Thị Hậu. Thấy con gái nuôi gọi, bà Ngần vui mừng bắt máy. Cả hai nói chuyện ríu rít.

"Tôi vừa mới từ nhà con gái nuôi trở về được 2 hôm, giờ con lại đòi mẹ lên chơi tiếp" , bà Ngần mỉm cười nói. Cúp máy, tiếng chuông điện thoại của bà tiếp lại tục vang, người gọi đến là anh Tiến. Anh gọi đến để báo tình hình đã khám xong ở bệnh viện, chuẩn bị đón bà Ngần về nhà mình ở Quảng Bình.

Đã 8 năm trôi qua, khi nghĩ lại quyết định năm ấy, bà Ngần cảm thấy đó là quyết định rất đúng đắn. Bởi, nếu ngày đó bà nghe theo người thân, từ chối hiến tạng thì những người bệnh mất đi một cơ hội được sống. Và hơn hết, bà không còn được lắng nghe trái tim của con đập thêm lần nào nữa.

Tác giả: Vân Đức

Nguồn tin: Thanh niên Việt