Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ trúng thầu mỏ cát 370 tỉ ở Quảng Nam, đại biểu khẳng định: 'Nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn'

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) dẫn lại vụ đấu giá trúng thầu mỏ cát 370 tỉ đồng ở địa phương và nêu rõ "nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn, chúng tôi có thể khẳng định như vậy".

 Đại biểu Dương Văn Phước - Ảnh: Gia Hân

Sáng 28-10, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đã nêu ý kiến tranh luận với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về việc không tăng giá đặt cọc trong đấu giá.

Nguy cơ trả giá cao rồi "bỏ cọc rất cao"

Theo ông Phước, đại biểu Cường cho rằng trước hết cần đánh giá năng lực của người đấu giá, nhưng thực tế trong từng phiên đấu giá không thể đánh giá kịp.

Ông dẫn chứng, tại Quảng Nam có phiên đấu giá mỏ cát, giá ban đầu đưa ra chỉ 1,4 tỉ đồng và trải qua 200 vòng đấu giá, từ 8h sáng hôm nay đến 8h sáng hôm sau.

Kết quả phiên đấu giá này, mỏ cát lên tới 375 tỉ đồng, có nghĩa là cát theo quy định của Nhà nước là 150.000 đồng/m3, kết quả đấu giá lên 2,3 triệu đồng/m3. "Nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn, chúng tôi có thể khẳng định như vậy", ông Phước nói.

Ông Phước cho rằng mục tiêu của người đấu giá ở đây là muốn thắng bằng được, sau đó bỏ cọc để doanh nghiệp lũng đoạn, độc quyền và đẩy giá lên cao.

Theo quy định của pháp luật, họ chỉ phải đặt cọc bằng 20% giá khởi điểm, tức là chỉ đặt khoảng 200 triệu thôi, nếu bỏ cọc mà đạt được mục đích họ sẵn sàng bỏ. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc để đạt được ý đồ độc quyền, lũng đoạn, đưa giá lên cao.

"Giá cát cao ngất ngưởng, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các công trình đầu tư công ở Quảng Nam cũng như các nơi khác. Người dân cũng gặp nhiều khó khăn khi mua các vật liệu xây dựng thông thường này", ông Phước nêu.

Ngay tại Hà Nội, ông Phước dẫn thông tin báo chí nêu về các phiên đấu giá thâu đêm suốt sáng, cụ thể ở Hà Đông ghi nhận mức đấu giá 262 triệu đồng/m2. Rõ ràng có dấu hiệu bất thường và nguy cơ trả giá cao rồi bỏ cọc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) thấy có tới 56/68 lô đất trúng đấu giá rất cao, người trúng không nộp tiền và có dấu hiệu bỏ cọc.

"Đấu giá không thực chất trở thành công cụ để lũng đoạn, thị trường mua bán là nơi để trục lợi, chúng ta cần nghiêm trị", ông Phước nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, ông đề xuất phải tăng giá đặt cọc để tránh "thầu tặc" và tăng tiền đặt cọc lũy tiến sau từng vòng đấu để người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.

Đồng thời cần có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên lĩnh vực họ đã vi phạm như vật liệu xây dựng...

 Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ảnh: Gia Hân

Vì sao không nên tăng phí đặt cọc?

Tranh luận lại, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói phí đặt cọc hiện nay quy định từ 5-20%, nghĩa là một bất động sản có giá 10 tỉ đồng thì đặt cọc phải 2 tỉ. Đồng thời, không phải ai tham gia đặt cọc cũng có thể mua, mà 10 người tham gia chỉ có 1 người mua.

"Như vậy, nhiều người sẽ thấy phải bỏ vào đó đặt cọc lượng tiền khá lớn mà chưa chắc đã được mua. Nên chi phí dồn tiền đặt cọc tạo nên tâm lý cản trở nên rất ít người tham gia.

Khi càng tăng phí đặt cọc sẽ càng ít người tham gia đấu giá. Do đó, không nên tăng phí đặt cọc", ông Cường nêu.

Theo ông Cường, cần tăng các điều kiện với người tham gia đấu giá. Ví dụ, người tham gia đấu giá mua biển ô tô, nếu quy định đặt cọc tối đa 40 triệu thì không mua chỉ mất 40 triệu đồng và "chả là cái gì cả".

Nhưng nếu minh chứng mua tài sản đó phải có tiền - có thể ở trong ngân hàng như sao kê tài khoản hoặc tiền thông qua tài sản, bất động sản (chứng minh bằng sổ đỏ).

Cùng với đó, pháp luật quy định nếu đã bỏ giá mà sau này bỏ cọc sẽ bị xử lý bằng tài sản có, tương đương với giá trị đấu giá. Lúc đó, trả giá cao bao nhiêu cũng được nhưng bỏ cọc thì tài khoản ngân hàng, sổ đỏ sẽ bị đưa ra tòa phong tỏa, xử lý.

Như vậy, người không có tiền tham gia đấu giá với mục tiêu mua rồi bán lại sẽ không đủ điều kiện minh chứng, không tham gia được. Những người thực sự mong muốn mua để dùng sẽ chứng minh được ngay.

"Khi đó sẽ lọc được người đấu giá thực chất muốn mua. Đặc biệt những người trả giá cao rồi bỏ cọc chắc chắn sẽ bị xử lý tài sản rất lớn. Khi đó chắc chắn sẽ không còn bỏ cọc như thời gian vừa qua.

Việc này phải làm trước khi nộp hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện, thời gian để cơ quan quản lý kiểm soát", ông Cường nêu rõ.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ