Con học can thiệp 10 triệu/tháng vẫn không biết gọi “Mẹ”, tôi tức điên nhưng chồng cảm ơn cô giáo rối rít
- 16:44 28-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều mẹ sinh con ra mong muốn con xinh trai, đẹp gái, thông minh, học giỏi nhưng tôi chỉ mong con khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác là được. Bởi vợ chồng tôi chỉ có mỗi một bé trai sau gần 10 năm hiếm muộn.
Có lẽ tôi sinh con ở tuổi khá lớn nên vất vả cho con. Em bé gần 4 tuổi nhưng vẫn không chịu nói. Mặc dù con nghe và hiểu tất cả những điều bố mẹ và người thân nói, con làm theo và có những việc con không làm theo nhưng con nhất quyết không chịu nói. Nếu con đồng ý thì chỉ gật đầu, không đồng ý thì xua tay, quay người bỏ đi hoặc phản kháng bằng cách khóc, thậm chí gay gắt hơn mà không nói cho mọi người biết lý do là vì sao. Vợ chồng tôi cũng rất buồn vì con.
Ảnh minh họa |
Chúng tôi ở chung với hai thế hệ trước là bà nội và bố mẹ chồng nên nhiều cái cũng khó tự mình quyết định được. Tôi đã định cho con đi học can thiệp từ khi con hơn 2 tuổi mà chưa chịu nói bất kì một từ gì nhưng bố mẹ chồng đều khuyên tôi không nên nóng vội, cứ theo dõi thêm vì "Lớn dần rồi nó cũng chịu nói thôi" - mẹ chồng tôi nói. Bởi vốn dĩ cho con đi khám bác sĩ thì mọi kết quả đều bình thường.
Về nhà chờ đợi con từng ngày, nghe con nói một từ thôi cũng quá mệt mỏi đối với tôi. Vì thế tôi bàn với chồng quyết đưa con đi học can thiệp khi con được hơn 3 tuổi. Mất vài tháng đầu tiên đi học ở một trung tâm với mức phí khá bình thường nhưng không đạt được hiệu quả nên tôi tìm hiểu tới những chỗ giá thành cao hơn với hy vọng “đắt xắt ra miếng”.
Cuối cùng vợ chồng tôi đồng ý gửi con học can thiệp 1-1 tại nhà một cô giáo có thâm niên, kinh nghiệm nhiều năm với mức phí khá cao, 10 triệu/tháng, 3 buổi/tuần. Số tiền đó bằng tiền lương tôi kiếm cả tháng trời nhưng có một chút hy vọng tôi cũng không bỏ cuộc.
Trời không phụ lòng, ngay trong tháng đầu tiên con tôi theo học cô đều có cải thiện rõ rệt. Con đã bắt đầu chịu tương tác và trò chuyện nhiều hơn nhưng vẫn chưa bật thành tiếng rõ ràng. Đến tháng thứ 3 thì thực sự hạnh phúc khi về nhà con đã bắt đầu gọi “ông” “bà” “bố” “cụ” “có” “không”... Tuy nhiên có một điều là nhất quyết không chịu gọi 1 tiếng “Mẹ”.
Ban đầu tôi cho rằng cứ nhẩn nha chờ đợi, nhất định sẽ có ngày tôi nghe được tiếng con gọi “Mẹ”. Vậy nhưng sau 5 tháng học tại nhà cô thì kết quả lại cứ dậm chân tại chỗ, con bắt đầu nói những câu có 2 từ, gọi tên người thân và đồ vật trong nhà nhưng tuyệt nhiên nhất quyết không chịu gọi “Mẹ”. Mặc dù người tiếp xúc với con, đưa đón con đi học, cho con ăn, tắm cho con, chơi với con… chủ yếu vẫn là tôi. Chỉ có những ai đang trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu được cảm xúc của tôi là như thế nào.
Ảnh minh họa |
Tôi cáu giận với chồng:
- Em không thể chờ đợi thêm được nữa rồi. Tại sao con nhất quyết không gọi một tiếng “Mẹ”. Chắc chắn cô giáo đã không dạy con gọi mẹ chăng. Em sẽ đổi cô giáo cho con chứ em không thể để con dậm chân tại chỗ mãi như thế này được.
- Em nói vậy là không phải rồi, chẳng có cô giáo nào như thế đâu. Chẳng qua là do con mình chưa chịu hợp tác thôi. Anh nghĩ con học cô vậy là quá đạt hiệu quả rồi, chúng ta phải cảm ơn cô nhiều chứ. Sau 5 tháng học với cô con tiến bộ rõ rệt như thế, anh nghĩ rằng sẽ đóng tiền 2 tháng liên tiếp nữa giữ chỗ cho con học thêm với cô. Anh nghĩ chắc chắn con sẽ chuyển biến tích cực.
- Em không muốn tốn tiền thêm cho con học tại chỗ này nữa. Chẳng qua là con đã gọi bố nên anh không hiểu được cảm giác của em mà thôi. Em thực sự không giận con mà em giận cô giáo chắc chắn dạy con chưa tới nơi tới chốn.
- Cái gì cũng cần phải có quá trình và chờ đợi chứ em. Em bình tĩnh thêm đi.
Chồng cứ nói tôi bình tĩnh nhưng tôi không thể bình tĩnh thêm được nữa khi mà tiền trong túi mỗi ngày một cạn dần còn con thì không có chuyển biến tích cực thêm nữa. Tôi khát khao một ngày được nghe tiếng con gọi "Mẹ", đơn giản thế thôi mà sao lại không được cơ chứ?
Tâm sự từ độc giả namthuong...
Trẻ chậm nói là khi ngôn ngữ của bé phát triển có thể theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ được coi là dạng chậm phát triển phổ biến nhất, thường gặp hơn so với các dạng chậm phát triển khác. Bằng những hành động cụ thể của mình, cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện phần nào tình trạng này.
1. Xác định xem trẻ có thật sự chậm nói không
Trong giai đoạn trẻ tập đi, cha mẹ có thể căn cứ vào một số biểu hiện như sau để xác định xem bé có chậm nói hay không:
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác (trong khi những em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó.
- Bé không biết nói bất kì một từ nào, ví dụ: “mẹ” hoặc “ba”.
- Không bi bô, không phát ra các phụ âm như p hoặc b.
- Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay vào đồ vật bé muốn.
- Khi được gọi đúng tên, bé không có phản ứng.
- Không hiểu và không có hành động phản ứng với các từ đơn giản như: “không”, “chào bé” và “bai bai”.
- Bé có biểu hiện không quan tâm đến thế giới xung quanh.
2. Kiểm tra thính giác của con
Kể cả khi cha mẹ nghĩ rằng bé có thể nghe thấy tất cả mọi thứ thì vẫn có khả năng thính giác của trẻ không đạt 100%. Nguyên nhân gây giảm thính lực ở trẻ có thể là do nhiễm trùng tai. Nếu bé đã từng có tiền sử bị nhiễm trùng tai thì cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra với chuyên gia. Điều này đảm bảo cho việc bé sẽ nghe mọi thứ được rõ ràng và hiểu, sử dụng ngôn ngữ được tốt hơn.
3. Nói chậm với trẻ
Điều này là đặc biệt cần thiết đối với trẻ khi đang học một thứ ngôn ngữ mới. Lúc nói chuyện với bé, cha mẹ hãy nói chậm lại, dành thời gian kiên nhẫn với bé.
4. Giao tiếp bằng ánh mắt
Cha mẹ phải chắc chắn rằng đang nhìn con khi đang nói chuyện với bé. Trẻ em có thể học được rất nhiều bằng cách nhìn vào miệng của người lớn khi đang nói chuyện. Trong hầu hết các nền văn hóa, giao tiếp bằng ánh mắt là một phần vô cùng thiết yếu. Đó cũng là một kỹ năng tự nhiên đối với trẻ em.
5. Phát âm rõ ràng
Thông thường, những âm thanh đầu tiên mà trẻ mới biết đi có thể tạo ra là: / p /, / b /, / m /, / n /, / h / và / w /. Trong trường hợp thấy trẻ đang khó khăn với những âm thanh đầu tiên này thì cha mẹ cần phải chắc chắn rằng mình phát âm thực sự rõ ràng.
6. Không để trẻ nói lặp lại theo cha mẹ
Rất nhiều cha mẹ nói các từ và mong muốn con nói lặp lại điều đó. Tuy nhiên có trường hợp trẻ lại không thể nói giống hệt như thế. Điều này sẽ làm bé thất vọng với những gì mình nói ra.
7. Mở rộng thêm ngôn ngữ cho trẻ
Nếu trẻ mới biết đi đang bắt đầu sử dụng một số từ đơn lẻ thì cha mẹ hãy mở rộng thêm những gì bé nói. Ví dụ, nếu bé mang cho bạn một chiếc xe tải đồ chơi thì cha mẹ có thể nói với trẻ thêm nhiều ngôn ngữ xung quanh chữ “xe tải” như xe tải có bánh xe hoặc xe tải có màu sắc như thế nào...
8. Đứng đằng sau quan sát
Khi này, cha mẹ không nên chi phối thời gian chơi của trẻ. Điều cần làm là nên lùi lại phía sau và xem những gì bé làm, lắng nghe xem bé có nói gì không. Hoặc nếu trẻ không sử dụng bất kỳ từ nào thì rất có thể bé đang ra hiệu hoặc nhìn chăm chú vào một vật gì đó. Bằng cách này, cha mẹ có thể tìm thấy nhiều cơ hội để giao tiếp với trẻ hơn.
9. Đặt câu hỏi cho trẻ (nhưng không quá nhiều)
Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, cha mẹ có thể đặt câu hỏi cho trẻ nhưng đừng hỏi quá nhiều. Có thể hỏi những câu đơn giản để giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ và củng cố các từ vựng.
10. Sử dụng bài hát và chơi ngón tay
Đây cũng là một cách tuyệt vời để giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trong khi hát cùng với bé, cha mẹ có nhiều cơ hội tương tác với con, giúp trẻ vui vẻ và thư giãn. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ thích những con rối ngón tay. Đây là trò chơi cho phép phát triển vốn từ vựng nhiều hơn cho bé. Cha mẹ cũng có thể sử dụng đây như là một cách để kể chuyện thu hút hơn.
Cách tốt nhất đối với trẻ chậm nói là phát hiện và điều trị sớm, kịp thời. Bằng tình yêu thương và sự nỗ lực của cha mẹ, bé sẽ có thể giao tiếp tốt hơn trong những giai đoạn phát triển về sau.
Tác giả: CHI CHI
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn