Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


‘Ông nội’ của trẻ mồ côi làng Nủ và những hành động lan tỏa yêu thương

“Những việc thầy làm khiến cuộc sống của mình thêm giàu có - giàu về tình yêu thương”, đó là chia sẻ của một cựu học sinh trường THPT Marie Curie (Hà Nội), người vốn luôn gắn bó với các hoạt động của trường. Thầy Nguyễn Xuân Khang từ nay chính thức trở thành “ông nội” của 22 đứa trẻ mồ côi ở làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) sau trận lũ quét kinh hoàng ngày 10-9-2024.

Dự án đặc biệt

Làng Nủ nằm gần chân núi Voi có 167 hộ với 760 đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Trận lũ quét rạng sáng 10-9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 55 người chết, 12 người mất tích, 14 người bị thương. Cuộc trò chuyện giữa thầy Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) và học sinh đầu tiên của làng Nủ mà thầy nhận nuôi đã được nhiều học sinh trường Phổ thông liên cấp Marie Curie biết đến và chia sẻ:

- Vậy ông nội sẽ cho Hành mỗi tháng 3 triệu. Khi nào có việc đột xuất cần thêm thì nói với ông. Ngày mai cô Hồng (Phó Hiệu trưởng trường THPT số 1 Bảo Yên - PV) sẽ đi mở tài khoản ngân hàng cho con, hàng tháng ông gửi tiền vào tài khoản đó. Hành hứa với ông như thế nào?

- Con hứa với ông sẽ chăm học để tốt nghiệp. Còn học gì nữa cho con suy nghĩ thêm, cuối năm học con nói.

- Con hứa rồi nhé. Cố gắng lên con nhé!

Cuộc truyện trò ngắn nhưng thực sự thân tình này đã chính thức đánh dấu việc em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12A9 trường THPT số 1 Bảo Yên trở thành học sinh đầu tiên của “Dự án nuôi trẻ em và học sinh làng Nủ sau lũ quét”. Trong thảm họa tại làng Nủ vừa qua, Hành trở thành trẻ mồ côi khi vừa mới mất cha thì trận lũ quét cũng cướp đi nốt của em người mẹ. Được biết, bố mẹ Hành bằng tuổi con trai thầy Khang, còn Hành chỉ hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng trường THPT số 1 Bảo Yên, để đủ tiền ăn học tại địa phương thì “các cháu được khoảng 3 triệu đồng/tháng thì thoải mái”. Vậy là thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định sẽ cho Hành mỗi tháng 3 triệu đồng. Cô Hồng cũng đã giúp Hành mở tài khoản ngân hàng. Hàng tháng, thầy Khang sẽ gửi tiền vào tài khoản đó. Như vậy, “dự án làng Nủ” đã được thầy Khang và trường Phổ thông liên cấp Marie Curie đã chính thức khởi động. Dự án sẽ chu cấp cho mỗi học sinh 3 triệu đồng/tháng đến hết năm 18 tuổi và hỗ trợ thêm các nhu cầu thiết yếu khác trong quá trình học tập. Danh sách 22 học sinh được trường Phổ thông liên cấp Marie Curie lập ra đầu tháng 10, sau khi nhóm công tác đặc biệt của trường đến làng Nủ thăm gia đình những em còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng.

Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản sẽ khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính chi phí phát sinh. Thầy Khang cho hay, đến năm 2039 dự án mới kết thúc vì đó là thời điểm những em nhỏ nhất trong danh sách tròn 18 tuổi.

Tình yêu thương sẽ chạm tới mọi trái tim

Ở tuổi 75, thầy Nguyễn Xuân Khang ước mình sống được ít nhất 15 năm nữa để “chứng kiến tất cả các con ở làng Nủ trưởng thành. “Ông nội” Khang đau đáu tâm nguyện thấy “các con vẫn được ấm no và học hành tử tế”. Tấm lòng của thầy đã chạm tới trái tim của mọi người, đặc biệt là các giáo viên, phụ huynh, học sinh, cựu học sinh của trường Marie Curie.

Cô Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Marie Curie - Long Biên chia sẻ: “Khi xây dựng kế hoạch nuôi trẻ sống sót ở làng Nủ cũng là lúc thầy Khang đang bộn bề với việc thực hiện cùng lúc 4 dự án nhân văn lớn tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Dự án đầu chưa kết thúc thì thầy đã khẩn trương bắt tay thực hiện dự án sau, mà dự án nào cũng đòi hỏi rất nhiều tâm sức. Học gì thì học nhưng trước tiên phải học làm người tử tế. Giáo dục từ tâm là như vậy”.

Là một trong những cựu học sinh của trường Phổ thông liên cấp Marie Curie, chị Liên Anh (dịch giả cuốn sách “Học tập suốt đời”) cũng vô cùng xúc động khi vượt hơn 10 giờ bay từ nước ngoài để về trường trong dịp này. Chị nói: “Nhiều thế hệ học sinh gọi thầy Khang là “ông nội” và trong sâu thẳm trái tim của mỗi học trò đều coi thầy là người cha, người ông của gia đình. Giờ thầy có thêm những đứa con và mình có thêm những người em. Dù chưa gặp mặt, nhưng dường như có sợi dây liên kết khi chúng mình cùng chung người thân là thầy Khang. Những việc thầy làm khiến cuộc sống của mình thêm giàu có - giàu về tình yêu thương.

Hôm nay trở về trường, mình được gặp 33 sinh viên người dân tộc của huyện Mèo Vạc mà thầy nhận làm con nuôi, cấp học bổng cho tới khi tốt nghiệp đại học để sau này trở về quê hương giảng dạy tiếng Anh. Thầy nói: “Liên Anh là chị cả. Các con chào chị cả đi, vào đây để “đại gia đình” mình chụp với nhau”. Mình hạnh phúc vì có thêm những người em ở Mèo Vạc, làng Nủ và được tặng các em những cuốn sách mà mình dịch. Mình muốn gửi gắm tình yêu thương tới các em. Việc có thêm những đứa em khiến mình cảm thấy sống trách nhiệm hơn và muốn trao đi nhiều hơn”.

Chị Thu Hương, mẹ của 3 học sinh đang theo học ở hệ thống trường Phổ thông liên cấp Marie Curie chia sẻ: “Đầu năm 2019, khi con trai lớn chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng tôi đã trao đổi với nhau về việc chọn trường cho con. Từng là giáo viên mầm non, được nghe nhiều nhận xét tích cực về trường Marie Curie từ các phụ huynh, đồng thời là người gần gũi con nên tôi biết con cần gì và đâu là ngôi trường phù hợp với con.

Với tôi, trường Marie Curie không chỉ đứng đầu về cơ sở vật chất, triết lý giáo dục, chất lượng đào tạo... mà còn là trường học đầy nhân văn, nhân ái. Ở đây, con sẽ không chỉ học kiến thức, kỹ năng sống mà còn được học làm người tử tế và phát triển toàn diện”. Chị Hương cho biết, các con đã hình thành và phát triển ý thức trách nhiệm cao với môi trường và đặc biệt biết chia sẻ, bảo vệ cộng đồng qua hoạt động đầy tính nhân văn của thầy trò nhà trường và qua vai trò dẫn dắt của thầy Nguyễn Xuân Khang từ dự án trồng cây tại Mèo Vạc đến ủng hộ, nhận bảo trợ cho trẻ mồ côi làng Nủ.

Như một hoạt động truyền thống của trường, từ đầu tháng 10, thầy trò trường Marie Curie đến thăm và trao tận tay học sinh làng Nủ những bức thư hình trái tim ghi lời yêu thương, cổ vũ từ nhiều học sinh ở Hà Nội. Những lá thư nhỏ đem đến vô vàn lời động viên chân thành tới các bạn làng Nủ để các em sớm vượt qua sóng gió. “Tớ chúc các cậu mạnh khỏe, vượt qua nỗi sợ bão lũ. Tớ rất mong các cậu được đi học trở lại” - Linh Anh, học sinh trường Marie Curie viết.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: anninhthudo.vn