Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các địa phương thực hiện nghiêm công tác cấm biển

Sáng nay (27/10), tại Trung tâm thông tin, Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống bão lũ để nắm tình hình diễn biến và tác động của cơn Bão số 6 (tên quốc tế gọi là TRAMI) đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các địa phương miền Trung.

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trưa nay (27/10) bão sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị - Bắc Quảng Nam, cường độ mạnh nhất gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Sau đó suy yếu dần và đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Đông Nam. Dự báo đến 4h sáng mai ngày 28/10 bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ven bờ Trung Trung bộ với cường độ cấp 6-7 giật cấp 9. Khu vực từ Quảng Bình - Quảng Nam tiếp tục có mưa to 200-400mm có nơi trên 600mm, các địa phương khác của khu vực miền trung có lượng mưa từ 150-250mm.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác ứng phó bão lũ

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy Văn Quốc gia Mai Văn Khiêm lưu ý: "Cơn bão này khác cơn bão thông thường. Tuy nhiên, cơn bão này trong đất liền lại khả năng quay ra khu vực biển Đông, mạnh nhất có thể lên đến cấp 8 cấp 9 cấp 10, 11 sáng đến chiều nay. Từ chiều nay đến đêm nay có thể cơn bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đêm nay bắt đầu quay ra biển động khu vực vùng biển Quảng Nam và Đà Nẵng và như vậy khác với cơn bão thông thường gió mạnh tác động ngắn trong khoảng 6-8 tiếng mà còn lâu dài có thể tác động đến tận đêm nay. Chính vì thế nên cơ quan khí tượng thủy văn kiến nghị cần phải lưu ý khi có bản tin báo tin về gió mạnh".

Thông tin về các giải pháp ứng phó kịp thời về diễn biến và tác động của cơn Bão số 6 có thể ảnh hưởng tới địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đến thời điểm này địa phương đã di dời hơn 800 hộ dân ở vùng ảnh hưởng của bão lũ: "Ngoài đường đã cấm, nhưng vẫn lác đác có người dân đi, chúng tôi đã có lực lượng công an, quân sự, biên phòng có thể ra dường được để khi cần cứu hộ. Phương tiện và các lực lượng rải đều khắp để kịp thời cứu hộ. Chúng tôi có đường dây tổng đài để tiếp nhận thông tin đến tận phương xã để kịp thời cứu hộ".

Cập nhật đến sáng nay mực nước các hồ chứa khu vực miền Trung đều ở mức thấp, từ 40 đến 71,9 % hồ chứa, nên mưa bão không gây lo ngại đáng kể. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, có thể có đợt mưa lớn khoảng 4-5/11, đây mới là thời điểm đáng lo ngại với các hồ chứa sau khi tích nước từ cơn bão lần này: "Lo ngại nhất là các đợt mưa tiếp theo. theo thông báo dài hạn thì khi lưu bão đợt mưa tiếp theo có thể đến vào khoảng ngày 4 – 5/11 kéo rong biển cảnh báo áp thấp, đợt mưa tiếp theo sẽ rất nguy hiểm khu vực này, bởi lúc đó hồ chứa đã đầy, lúc đó mới là là bài toán vận hành của các hồ chứa các địa phương lưu ý".

Đánh giá cao sự chủ động của các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác nắm tình hình và chuẩn bị, ứng phó với cơn bão số 6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là cơn bão phức tạp và kéo dài, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công tác cấm biển và liên tục cập nhật thông tin với các cơ quan dự báo; cơ quan truyền thông cập nhật sát diễn biến của bão số 6 để thông tin sát sao hơn tới người dân: "Chúng ta cần phải có dự báo theo đúng thời điểm vùng xung yếu, để tập trung lực lượng chống những việc như hệ thống đê biển xung yếu có thể bị vỡ. Đối với dự báo khu vực ảnh hưởng do mưa mưa lớn, vừa rồi đã dự báo được các vùng nào là mưa lớn, mưa trong thời hạn bao lâu, liên quan đến sạt lở…tôi đề nghị các đài khí tượng thủy văn của các địa phương tiếp tục cập nhật thêm số liệu đo mưa để đưa ra cảnh báo một cách cụ thể hơn cho người dân".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ GT-VT Bộ TT-TT, các Tập đoàn viễn thông, tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương, lưu ý kết nối để giữ công tác điều hành thông suốt tại các địa phương bão đi qua và ngập lụt sau bão.

Tác giả: Phương Thoa

Nguồn tin: vov.vn