Xôn xao chuyện phụ huynh TP.HCM đóng học phí gần 140 triệu đồng/năm, sau 3 năm con "không biết gì"
- 07:28 27-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau 3 năm cho con theo học ở một trường mầm non song ngữ, bà mẹ ở TP. Thủ Đức, TP.HCM "tá hỏa" vì nhận ra con chưa biết một chữ gì, cả tiếng Việt và tiếng Anh. Chị cho biết đã phản hồi nhiều nhưng nhà trường lơ là.
Với mức học phí khá cao, lên đến 139 triệu đồng mỗi năm (sau khi được trừ ưu đãi 5%), bà mẹ này chia sẻ, chị cảm thấy hối hận và mong muốn "sửa sai" bằng cách tìm cho con 1 trường tốt hơn. Mục tiêu của chị là giúp con biết đọc biết viết để kịp năm sau vào lớp 1. Hiện con chị 5 tuổi.
Câu chuyện của chị nhận về nhiều tranh luận.
Mức học phí khá cao, lên đến 139 triệu đồng mỗi năm (sau khi được trừ ưu đãi 5%). |
Một số phụ huynh cũng tỏ ra bất ngờ bởi con mình học trường có chi phí thấp nhưng đến lớp Lá đã biết viết chữ, viết số. Có bé mới lớp nhà trẻ đã làm quen với Toán, chữ cái, khoa học đời sống. Với một bé học trường song ngữ đã 3 năm, hoàn toàn không có kiến thức gì về chữ viết, không biết tiếng Anh cơ bản rõ ràng là có vấn đề.
Những người này gợi ý, bà mẹ này nên tìm lớp tiền tiểu học cho con học thêm ngoài giờ hoặc cuối tuần. Chỉ còn không lâu nữa đã ra trường, nếu giai đoạn này đổi môi trường học có thể khiến con ảnh hưởng tâm lý.
Tuy nhiên, cũng có không ít bố mẹ có con theo học tại chính ngôi trường này cho rằng, con mình cũng học tại đây, lớp bình thường không phải song ngữ, tuy nhiên con đã được học viết hàng ngày. Con cũng nhận biết được mặt chữ Anh - Việt. Những người này cho biết, ở trường, lớp bình thường ngày nào cũng có 45 phút học tiếng Anh, còn lớp song ngữ thời gian học và giao tiếp tiếng Anh còn dài hơn.
Hơn nữa, phụ huynh để con học 3 năm mới phát hiện ra là quá muộn. Thông thường khi con đi học về, cha mẹ phải hỏi han xem con có những hoạt động gì ở lớp, con tiến bộ ra sao, các kỹ năng có cải thiện.
Một số đặt câu hỏi, bà mẹ nên xem lại nguyên nhân có phải xuất phát từ khả năng tiếp thu của con mình không? Có trẻ cô giáo nói là nhớ liền, có trẻ thì tới nghỉ hè lớp Lá mới tiếp thu được. Điều này hoàn toàn bình thường vì sự tiếp nhận của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. Hơn nữa, con của bà mẹ này mới học đầu năm lớp Lá, tức là vẫn còn nhiều tháng nữa mới kết thúc việc học ở trường mầm non, việc học chữ lúc này vẫn khá sớm.
Ảnh minh hoạ |
Phản hồi những thắc mắc này, người mẹ cho biết, mình mới cho con học thêm ra ngoài 1 tháng, và kiến thức của cô giáo dạy bé nắm được hoàn toàn. Mới 1 tháng đã ghép chữ được. Cô giáo hàng tuần báo bài cũng khen bé nhớ tiếng Anh rất tốt.
Giải thích nguyên nhân vì sao đến năm thứ 3 mới phát hiện ra vấn đề, phụ huynh này cho rằng: 2 năm đầu mình muốn con phát triển bình thường, năm cuối mới theo sát. "Lần đầu cứ nghĩ do con mình học kém không nhớ, sau đó trao đổi, nhà trường bảo đóng thêm tiền học thêm buổi tối nhưng học 1 tháng về cũng không biết gì. Phụ huynh quyết định tự cho ra ngoài học 1 tháng thì Toán, tiếng Việt bé đã học được chữ ghép, viết rất nhanh, tiếng Anh cũng nhớ kĩ", người này nói.
Luồng ý kiến khác nhận định, trường tư sẽ thiên về phát triển kĩ năng, tư duy. Các cô sẽ cho con làm quen chữ cái, chữ số chứ không học như ở lớp 1. Muốn con đọc vanh vách thì cho đi học thêm lớp tiền tiểu học.
Trẻ mầm non không phải được dạy chữ mà là làm quen chữ
Trên thực tế, Bộ GD-ĐT không chỉ đạo việc trường mầm non vẫn dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Bộ nghiêm cấm các trường không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Đối với những trường hợp các trường bắt học sinh đọc trước khi vào lớp 1 là sai quy chế.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1. Dạy trước chương trình khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm – sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.
Việc cho trẻ làm quen chữ trong độ tuổi mầm non khác với học chữ ở tiểu học, việc này sẽ thông qua các trò chơi, tập trung vào 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Trong môi trường vui chơi, học tập, trẻ sẽ làm quen được chữ.
Theo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (cuối năm lớp lá), trẻ nhận dạng được 29 chữ cái trong bảng chữ cái, biết được mối liên hệ giữa chữ viết và lời nói, biết viết chữ viết theo thứ tự từ trái qua phải, bắt chước hành vi viết và sao chép chữ cái. Chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi không phải là đọc thông viết thạo. Việc tập viết chữ nên để các cô giáo tiểu học dạy trẻ một cách bài bản, đúng ngay từ đầu, việc của cô giáo mầm non là cho trẻ làm quen.
Tác giả: Hiểu Đan
Nguồn tin: Phụ nữ Mới