Đà Nẵng: Người dân hạn chế ra khỏi nhà từ 10h ngày 27/10 để đảm bảo an toàn
- 19:48 26-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công điện nêu: Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, bão số 6 có khả năng di chuyển áp sát đất liền thành phố Đà Nẵng, sau đó khả năng di chuyển ngược lại ra biển. Thời gian tâm bão sát bờ vào khoảng 16h - 24h ngày 27/10.
Do ảnh hưởng của bão, trên đất liền ven biển thành phố từ cấp 6 trở lên bắt đầu từ sáng mai 27/10 (khoảng từ 7h); từ chiều và đêm 27/10, các quận trên đất liền gió sẽ mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 10-11, huyện Hòa Vang có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ ngày 28/10, gió trên thành phố có khả năng giảm dần.
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 6. |
Từ đêm 26- 28/10, tại các quận huyện của thành phố có mưa to, mưa rất to và dông với tổng lượng phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Từ đêm nay (ngày 26/10), thành phố bắt đầu có mưa vừa, mưa to, sau đó tăng dần cường độ. Mưa cường độ cấp tập và lớn nhất khả năng tập trung trong ngày và đêm 27/10 (khả năng mưa có thể đạt 150-300mm/24h, có nơi trên 400mm/24h), cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn 150mm/3h.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 25/10/2024 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về ứng phó với Bão số 6 (Bão TRAMI). Lưu ý nguy cơ cao mưa lớn sẽ gây ngập úng tại đô thị và vùng thấp trũng.
Chủ tịch UBND các quận, huyện theo địa bàn quản lý; thủ trưởng các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 6.
Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 6, mưa lũ; triển khai ngay phương án sơ tán dân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn, tổ chức di dời dân hoàn thành trước 22h ngày 26/10, trong đó ưu tiên sơ tán trước tại các khu vực nguy cơ cao do mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; đề nghị người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) hạn chế ra khỏi nhà bắt đầu từ 10h ngày 27/10.
UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; tổ chức kéo tàu thuyền công suất nhỏ lên bờ, hoàn thành trước 10h ngày 27/10.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ tàu du lịch neo đậu an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các thuyền viên rời khỏi tàu thuyền lên bờ trú ẩn an toàn trước 10h ngày 27/10.
Đến trưa ngày 25/10, đã có 1.155 tàu thuyền đánh bắt hải sản của Đà Nẵng và của các địa phương miền Trung di chuyển vào Âu thuyền Thọ Quang để tránh bão số 6 cùng với 8.276 lao động. |
Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 344/QĐ-UBND ngày 21/01/2019 của Chủ tịch UBND thành phố về thành lập các Đội Cứu hộ - Cứu nạn để thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có phương án đảm bảo an toàn tại khu vực (tạm dừng việc khai thác khoáng sản bắt đầu từ 17h ngày 26/10).
Sở Xây dựng chủ trì, cùng với các sở chuyên ngành xây dựng phối hợp với các UBND các quận huyện chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư yêu cầu tất cả các nhà thầu thi công xây dựng dừng thi công, khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, đảm bảo an toàn tại khu vực hoàn thành trước 17h ngày 26/10.
UBMTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các Hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố trước 6h và 15h hằng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND thành phố và cơ quan Trung ương.
Cùng với đó, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.
Tác giả: Trang Trần
Nguồn tin: congly.vn