Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao doanh nghiệp 17 ngày tuổi quyết chi 200 tỷ đồng đấu giá 3 mỏ khoáng sản?

Đại diện Công ty Trọng Tín khẳng định, giá doanh nghiệp này trúng vẫn thấp hơn 50% đơn giá Nhà nước và đơn vị đã tính toán rất kỹ khi đưa ra giá đấu như vậy.

 

Liên quan đến phiên đấu giá 04 mỏ khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh, hơn 1 ngày trôi qua nhưng dư luận địa phương vẫn chưa hết xôn xao khi Công ty CP đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín (Công ty Trọng Tín) đấu trúng 03/04 mỏ với giá trúng hơn 200 tỷ đồng. Nhiều luồng dư luận cho rằng, với giá như vậy, tỉ lệ công ty trúng đấu giá bỏ cọc rất cao vì tính toán chi phí là sẽ lỗ.

Để rộng đường dư luận, Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Lê Duy Trung, Phó Giám đốc Công ty Trọng Tín. Ông Trung khẳng định với PV, công ty ông đấu giá mỏ vật liệu là để làm và đủ nguồn lực tài chính thực hiện khai thác.

 Toàn cảnh phiên đấu giá 04 mỏ khoáng sản.

Theo Phó Giám đốc Công ty Trọng Tín, công ty đã tính toán rất kỹ khi đưa ra bước giá đấu như vậy. Nếu so với đơn giá Nhà nước thì giá mà doanh nghiệp ông trúng vẫn thấp hơn 50%.

"Đất san lấp theo giá Nhà nước là 38.000 đồng/m3 - PV), thương mại là 56.000 đồng; Gạch ngói đơn giá thấp nhất là 63.000 đồng, thương mại 90.000 đồng; Cát san lấp 56.000 đồng. Đơn giá của chúng tôi sau khi đấu trúng tính ra cũng mới chỉ có 16.000 - 17.000 đồng thì công ty được lợi nhiều chứ. Còn chi phí giải phóng mặt bằng theo cơ chế của tỉnh cũng không đáng bao nhiêu", ông Trung nói.

Ông Trung cũng chia sẻ thêm nguyên nhân quyết tâm đấu trúng 03 mỏ khoáng sản còn là để công ty chủ động về nguồn vật liệu và pháp lý để chuẩn bị thi công một số dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh như Cao tốc Bắc – Nam, khu công nghiệp Vsip… để không phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp địa phương.

"Cùng lắm bằng đơn giá Nhà nước thì chúng tôi cũng rất được lợi rồi. Chúng tôi tính toán đấu thấp hơn đơn giá Nhà nước, với phạm vi đấy thì các doanh nghiệp địa phương ở huyện có bỏ giá bằng chúng tôi thì Trọng Tín cũng sẵn sàng đấu giá thêm để đạt được nguyện vọng, ít nhất bằng đơn giá Nhà nước", ông Trung nhấn mạnh.

Như Người Đưa Tin đã đăng tải, trước đó, vào ngày 21/10, Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (Tp.Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 04 quyền khai thác khoáng sản làm vật vật liệu xây dựng thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đợt 1/2024.

Kết quả, Công ty Trọng Tín (phường Thạch Quý, Tp.Hà Tĩnh) đã trúng 3/4 mỏ đưa ra đấu giá lần này với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Cụ thể: Mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1 (huyện Thạch Hà) giá khởi điểm hơn 1,8 tỷ đồng (R=3%), được Công ty Trọng Tín đấu lên 112 bước, vượt giá 33,6% với số tiền trúng đấu giá hơn 23 tỷ đồng; Mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh (huyện Hương Khê), giá khởi điểm hơn 7,5 tỷ đồng (R=5%) được Công ty Trọng Tín đấu lên 63 bước giá, vượt giá 32,5% với số tiền trúng đấu giá hơn 73 tỷ đồng; Mỏ cát Cụp Bàu (Tx.Kỳ Anh), giá khởi điểm hơn 9,5 tỷ đồng (R=5%) được Công ty Trọng Tín đấu lên 117 bước, vượt giá 58,5% với số tiền trúng đấu giá gần 122 tỷ đồng.

 Kết thúc phiên đấu giá, nhiều doanh nghiệp tham gia sửng sốt vì cho rằng giá mà Công ty Trọng Tín đấu trúng khó có lợi nhuận.

Mỏ khoáng sản thứ 04 còn lại trong phiên đấu giá là Mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1 (huyện Thạch Hà) đã được Công ty TNHH Xây dựng và thương mại An Bình đấu lên 125 bước giá (R=3%), vượt giá 37,5% với số tiền trúng đấu giá hơn 49,4 tỷ đồng.

Sau kết quả trúng đấu giá, dư luận tại Hà Tĩnh xôn xao bởi nhiều người trong ngành khoáng sản cho rằng số tiền trúng đấu giá cao ngất ngưỡng so với giá trị thực tế các mỏ khoáng sản. Đặc biệt, theo giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh thì Công ty Trọng Tín vừa chỉ mới thành lập vào ngày 4/10/2024, tức là cách thời điểm tham gia đấu giá 17 ngày với tổng vốn điều lệ 5 tỷ đồng, khiến dư luận không khỏi đặt nhiều câu hỏi xung quanh.

Nguồn tin: nguoiduatin.vn