Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào thương mại biên giới
- 08:06 19-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khung cảnh đìu hiu, vắng lặng tại Cửa khẩu Thanh Thủy trước đây sẽ sớm được “thay da đổi thịt”, trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn khi vừa đón nhận “tin vui” từ phía chính quyền địa phương.
Cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chính thức được phép mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. |
“Làn gió mát” sau bao năm dang dở
Mới đây, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Quyết định số 2618/QĐ-UBND ngày 4/10/2024, với nội dung Cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Động thái này được kỳ vọng sẽ thổi “làn gió mát” vào hoạt động thương mại biên giới nơi cửa khẩu Thanh Thủy sau bao năm dang dở, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và hơn cả là tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trở lại hơn một thập kỷ trước, nhằm mở rộng, thúc đẩy giao thương kinh tế giữa 2 nước Việt Nam - Lào, Cửa khẩu Thanh Thủy được nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính theo Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 19/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy, với tổng diện tích 21,97 ha để xây dựng các khu chức năng tại đây.
Tại Quyết định 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On là cặp cửa khẩu chính, nằm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, được nâng lên cửa khẩu quốc tế giai đoạn 2023 - 2030.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, Cửa khẩu Thanh Thủy có ý nghĩa vượt tầm, gắn với bước đi, cách làm nhằm hiện thực hóa sự phát triển kinh tế vùng này và tạo ra động lực phát triển cho Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bức tranh thương mại biên giới tại khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy vẫn chưa thể hoàn thiện. Khi nhắc đến Cửa khẩu Thanh Thủy, doanh nghiệp và người dân địa phương không khỏi ngán ngẩm bởi khung cảnh đìu hiu, vắng lặng nơi đây. Họ cho rằng, cửa khẩu này dường như đang bị lãng quên, bỏ phí một tiềm năng thông thương, phát triển kinh tế hiếm có của tỉnh Nghệ An.
Một dự án "đi tắt đón đầu" ở khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy bị hoang hóa suốt nhiều năm. |
Điểm đáng nói, đó là hiện nay phía nước bạn Lào chưa có quyết định nâng cấp cửa khẩu Nậm On lên cửa khẩu chính. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Bolykhamxay đã hoàn thiện thủ tục, công bố cặp Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On là cặp cửa khẩu phụ được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.
Tập trung đầu tư, nâng cấp toàn diện
Theo UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay, hệ thống giao thông đến Cửa khẩu Thanh Thủy đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A.
Cơ sở, trang thiết bị, nhà làm việc của lực lượng Biên phòng đã được đầu tư xây dựng kiên cố, nhà làm việc của lực lượng Hải quan đang được xây dựng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2024. Các kho bãi kiểm hóa, thiết bị cần thiết cơ bản đáp ứng yêu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới và từng bước nâng cấp đáp ứng tiêu chí của cửa khẩu chính theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu đường bộ có vị trí địa lý rất thuận lợi khi chỉ cách TP Vinh khoảng 60km, cách cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ khoảng hơn 80km. |
Còn theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc phát triển thuận lợi về giao thông tại Cửa khẩu Thanh Thủy sẽ mở ra nhiều triển vọng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế không chỉ cho 2 nước Việt Nam – Lào mà cả các nước trong khu vực.
Trong công tác quản lý nhà nước về hải quan tại Cửa khẩu Thanh Thủy, trong giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) dự kiến bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác giám sát quản lý về hải quan gồm: Máy soi container; hệ thống camera giám sát, máy phát hiện ma túy, cân điện tử, máy soi hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.
Để đảm bảo đúng quy định, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng quy hoạch, nâng cấp, đầu tư, mở rộng khu vực kho bãi phục vụ cho công tác tập kết, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, bố trí các vị trí lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật của cơ quan Hải quan tại khu vực cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan, tạo điều kiện hiện đại hóa công tác quản lý chuyên ngành và các hoạt động thương mại, logistics tại cửa khẩu.
Thống nhất các nội dung của Bộ Tài chính, tại quyết định công bố, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua Cửa khẩu Thanh Thủy theo quy định.
Giao Cục Hải quan Nghệ An, Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng VI, Chi cục Thú ý Vùng II và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua Cửa khẩu Thanh Thủy được thực hiện thuận lợi và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn