Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng nhiều gói thầu ở Bình Phước như thế nào?

Theo UBND tỉnh Bình Phước, nhiều sở ngành đã vi phạm trong việc chỉ định thầu đối với các công ty của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ngày 12-10, UBND tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đối với các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện trên địa bàn.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị truy nã

Theo kết luận thanh tra, từ năm 2011 đến năm 2018, Công ty AIC trúng 7 dự án, gói thầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước với tổng dự toán hơn 110 tỉ đồng.

Trong đó, 2 dự án, gói thầu mua sắm trang thiết bị quan trắc năm 2017, 2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (TN-MT) làm chủ đầu tư. Với vai trò là chủ đầu tư, Sở TN-MT không kiểm tra thẩm định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các nhà thầu được chỉ định thầu; không có báo cáo thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật khi tổ chức chấm thầu; không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả chỉ định thầu đối với các gói tư vấn là vi phạm.

 Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Phước đối với dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC

Đối với gói đấu thầu rộng rãi, Sở TN-MT khi sửa đổi hồ sơ mời thầu, không gửi quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu là không đúng quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu.

Việc Sở TN-MT đăng tải thiếu thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong quá trình lựa chọn nhà thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 8, Luật Đấu thầu 2023.

Riêng đối với gói thầu năm 2017, kết luận thanh tra nêu rõ Công ty Cổ phần Mopha do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty AIC thành lập nhờ người nhà đứng tên cổ đông sáng lập; Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ cao do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập và nhờ ông Tạ Hải Anh, Trưởng ban Xuất khẩu lao động của Công ty AIC đứng tên đại diện theo pháp luật.

Việc các công ty trên cùng tham gia dự thầu gói thầu trên có dấu hiệu thông thầu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013.

Đối với 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế năm 2011, 2017 do Sở Y tế làm chủ đầu tư thì với trách nhiệm của mình, Sở Y tế không kiểm tra thẩm định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các nhà thầu được chỉ định thầu, không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả chỉ định thầu đối với các gói tư vấn là vi phạm quy định.

Riêng 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông năm 2014, 2015, 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư kết luận thanh tra xác định đã không thực hiện việc thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 13, Điều 105 và Điều 106 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo đăng tải thiếu thông tin về đấu thầu các gói thầu khác trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong quá trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận cụ thể các vi phạm, khuyết điểm và đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.

Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp thực hiện khi có chỉ đạo của Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền.

Tác giả: Sỹ Hưng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động