Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều thay đổi quan trọng trong phương án tuyển sinh đại học 2025

Từ năm 2025, các trường đại học sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong phương án tuyển sinh...

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: Thái Khang

Những thay đổi theo xu hướng giảm bớt phương thức xét tuyển, điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, các kỳ thi riêng để phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Giảm bớt phương thức

Ngày 6/10, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 và phương hướng từ năm 2025 tại Trường Đại học An Giang. Theo đó, từ năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM giảm bớt các phương thức tuyển sinh đại học.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, đại học này thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, đơn vị khuyến khích các trường thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Đại học Quốc gia TPHCM xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung trong toàn hệ thống, các đơn vị tự chủ trong việc xác định, lựa chọn các tiêu chí xét tuyển và phương thức triển khai phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Theo số liệu báo cáo, năm 2024, số lượng thí sinh xác nhận nhập học thực tế của toàn Đại học Quốc gia TPHCM là 23.184, đạt tỷ lệ 95,79% so với tổng chỉ tiêu, giảm nhẹ so với năm 2023 (96,72%).

Trong đó, tỷ lệ tuyển sinh ở từng phương thức như sau: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM (1,58%); Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM (8,95%); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức (38,11%); Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT (42,71%); Phương thức xét tuyển khác tại đơn vị (4,45%).

Toán và thống kê, Máy tính và Công nghệ thông tin là những lĩnh vực có điểm chuẩn đầu vào cao nhất tại Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

ĐH Quốc gia TPHCM hiện có 10 cơ sở đào tạo, gồm 8 trường đại học thành viên (Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công nghệ thông tin, Quốc tế, Kinh tế – Luật, Khoa học Sức khỏe, An Giang), Viện Môi trường và Tài nguyên và Phân hiệu Đại học Quốc gia TPHCM tại tỉnh Bến Tre.

Trong những năm qua, hầu hết đơn vị thành viên sử dụng 5 - 7 phương thức tuyển sinh, trong đó chủ yếu xoay quanh 3 phương thức chính: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ngoài ra, một số đơn vị có các phương thức xét tuyển kết hợp riêng.

 Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điều chỉnh kỳ thi đánh giá năng lực

Cũng tại hội nghị tuyển sinh của Đại học Quốc gia TPHCM, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sâu về kỳ thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Đại học Quốc gia TPHCM có sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, trách nhiệm xã hội, tư duy khởi nghiệp, năng lực lãnh đạo. Do đó, về cơ bản Đại học Quốc gia TPHCM giữ ổn định đề thi đánh giá năng lực năm 2025 như những năm trước.

Theo thông tin từ Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), đại học này đang chuẩn bị để có thể công bố sớm nhất thông tin chính thức về kỳ thi và đề minh họa đánh giá năng lực từ năm 2025. Đề thi minh họa sẽ được công bố trên tinh thần định hướng những điểm mới được công bố trước đó.

Về cơ bản, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Trong đó, phần 1 và phần 2, thí sinh bắt buộc trả lời các câu hỏi. Phần 3 có sự điều chỉnh khi thí sinh có thể lựa chọn ngẫu nhiên 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực kiến thức gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực học THPT (HSA) năm 2025 cũng được điều chỉnh phù hợp với việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Phần 1 - Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Phần 2 - Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Phần 3 - Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).

Về hình thức, bài thi đánh giá năng lực năm 2025 điều chỉnh chủ yếu ở phần 3 và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành hai phần thi đầu, phần thi thứ3 thí sinh được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút (không kể thời gian bù thêm cho câu hỏi thử nghiệm). Riêng phần lựa chọn liên quan đến Ngoại ngữ sẽ được xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần Khoa học để đánh giá năng lực chuyên biệt.

Các trường đại học sư phạm hiện lên phương án tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh từ năm 2025. ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường này vẫn tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh với quy mô mở rộng.

Kết quả kỳ thi không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm, mà còn dùng cho các trường đại học khác như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Huế…

Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.

Bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với dạng thức câu hỏi áp dụng cho bài thi gồm dạng câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở và thời gian làm bài là 90 phút.

 Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thêm nhiều trường dùng V-SAT

Kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (kỳ thi V-SAT) khởi đầu từ 4 trường đại học (Ngân hàng TPHCM, Tài chính - Marketing, Sài Gòn, Mở TPHCM) và Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức vào năm 2023. Năm 2024, có 10 trường đại học hợp tác triển khai tổ chức thi và sử dụng chung kết quả của kỳ thi này.

Dự kiến, trong kỳ tuyển sinh năm 2025, trên 30 trường đại học tham gia vào hệ sinh thái này nhằm tạo nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học. Đây là điều kiện thuận lợi để thí sinh ở tất cả khu vực tham gia xét tuyển nhưng không nhất thiết phải đến tận trường mình dự kiến xét tuyển vào để dự thi.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, năm 2024 - lần thứ hai tổ chức thi V-SAT, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi tăng hơn 300% so với năm 2023. Theo dự thảo của Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, môn Ngữ văn có thể được đưa vào trong tổ hợp môn thi và đảm bảo thí sinh xét tuyển vào khối C. Đây là cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học hiệu quả hơn bởi các trường đại học dành tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức này ngày càng tăng.

“Năm 2024, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dành từ 10% - 15% chỉ tiêu xét tuyển vào chương trình tiếng Anh bán phần và 35% - 40% đối với chương trình đại học chính quy chuẩn. Kết quả cho thấy tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi V-SAT tại trường thực hiện đăng ký xét tuyển chiếm tỷ lệ rất cao trong chỉ tiêu nhập học, phương thức này có số thí sinh đăng ký ảo khá thấp.

Năm 2025, nhà trường tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển với 5 phương thức và sẽ dành cho phương thức xét tuyển V-SAT một tỷ lệ tích cực, giúp thí sinh có thể dự thi tại các trường tổ chức thi V-SAT trên toàn quốc và lấy kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Ngân hàng TPHCM”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung thông tin.

Tại Trường Đại học Việt - Đức (Bình Dương), thi tuyển TestAS là một trong những phương thức quan trọng của nhà trường trong các năm qua. Đây là bài kiểm tra giải quyết vấn đề được phát triển bởi một viện khảo thí có uy tín tại Đức. Bài thi này đánh giá khả năng trí tuệ và nhận thức. Bài thi được thiết kế theo hình thức các câu hỏi nhiều lựa chọn với hai phần chính: Bài kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề phần cơ bản (Core Test) và Bài kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề (Subject-Specific Test).

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn