Bốc thăm chọn môn thi, may rủi hay phù hợp với chương trình mới?
- 08:47 10-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên khuyên phụ huynh và học sinh nên bình tĩnh trước thông tin bốc thăm chọn môn thi. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Nhiều ngày trôi qua, dự thảo bốc thăm chọn môn thi thứ ba vào lớp 10 vẫn là chủ đề nóng được thảo luận trên các trang mạng xã hội. Trong khi phụ huynh lo lắng như ngồi trên đống lửa, giáo viên chỉ ra loạt ưu, nhược điểm, đồng thời ủng hộ phương án mới của Bộ GD&ĐT.
Bốc thăm môn thi thứ ba có cả ưu và nhược điểm
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Cao Cường (Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 với môn bắt buộc là Ngữ Văn và Toán, cùng một môn bốc thăm là việc được thầy cô trong trường dự đoán từ trước.
Đồng tình với phương án tuyển sinh này, thầy Cường lý giải thứ nhất, dự thảo này có sự thống nhất với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (môn Toán và Ngữ văn bắt buộc, cùng với hai môn tự chọn).
Điều này tạo tính xuyên suốt trong dạy và học, với tinh thần không coi nhẹ hay đặt nặng môn nào, trong đó Văn và Toán là hai môn “xương sống”. Thầy cũng đánh giá với lứa tuổi ở bậc THCS, ba môn thi lớp 10 là phù hợp, không nhất thiết thi 4 môn như THPT.
Thứ hai, phương án này tạo sự tương đồng nhất định trong cả nước. Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục mới lần đầu được tổ chức, thầy Cường cho rằng việc có một khung thống nhất về số lượng môn sẽ tạo thuận lợi trong định hướng giáo dục.
Cô Nguyễn Lam, giáo viên tại Hà Nội, cũng ủng hộ phương án của bộ vì nhiều lý do.
Thứ nhất, cô giáo tin rằng việc bốc thăm chọn môn thi cho từng năm sẽ tránh được việc học tủ, học lệch. Trước khi có dự thảo này, hầu hết địa phương đều cho học sinh thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nên trẻ sẽ chỉ đầu tư học 3 môn này mà quên đi những môn học khác cũng quan trọng không kém như Hóa học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý…
Nhiều năm làm giáo viên bậc THCS, cô Lam thấy rõ tình trạng học lệch của học sinh khi lên lớp 9. Các em sẽ chỉ tập trung 3 môn thi, giáo viên các bộ môn khác cũng sẽ “mắt nhắm mắt mở”, tạo điều kiện để trẻ được ôn tập các môn phục vụ cho kỳ thi vào lớp 10.
Thứ hai, cô Lam nêu quan điểm rằng trước đây, kỳ thi lớp 10 do các địa phương tự quyết, có nơi cố định 3 môn thi, có nơi 2 môn thi hoặc có nơi lại thay đổi môn thi thứ ba theo từng năm. Cá nhân cô giáo thấy việc này không tạo ra sự đồng bộ về chất lượng đầu ra và đôi khi có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học ở bậc THPT.
TS Đỗ Viết Tuân (giáo viên môn Toán tại Hà Nội) lại đánh giá phương án cố định hai môn Toán, Ngữ văn và bốc thăm môn thi thứ 3 có cả ưu và nhược điểm.
Về ưu điểm, thầy giáo đồng ý với quan điểm việc bốc thăm môn thi sẽ hạn chế tình trạng học lệch, học tủ, đảm mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc bốc thăm và công bố môn thi thứ 3 muộn có thể sẽ tạo ra tâm lý chạy đua dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đánh giá quá trình người học. Vì vậy, kỳ thi cũng chỉ mang tính chất tương đối, đánh giá những môn học căn bản nhất để làm căn cứ tuyển sinh.
Giáo viên kỳ vọng một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp, nhưng điều này vẫn khó thực hiện. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Phương án nào mới là hợp lý?
Nói thêm về việc phụ huynh phản đối dự thảo bốc thăm môn thi của Bộ GD&ĐT, cô Nguyễn Lam cho biết thực ra, bản thân cô hiểu tâm lý này của các cha mẹ. Phụ huynh ai cũng thương con, sợ con học hành áp lực, vất vả nên mới mong công tác thi cử diễn ra thuận lợi, nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, cô nói tâm lý này của cha mẹ cũng vô hình trung gây áp lực cho con. Lý do là khi mong con được thi nhẹ nhàng để đạt điểm cao, họ cũng đang gửi đi một thông điệp là “con phải đạt điểm cao bằng mọi giá”. Khi đó, đứa trẻ sẽ bắt đầu học với tâm lý học để điểm cao, học để đậu trường xịn, thay vì học để có thêm kiến thức có ích cho bản thân.
“Áp lực thi cử của đứa trẻ không đơn giản là đến từ ngành giáo dục, mà đôi khi đến từ gia đình. Do đó, thay vì làm ầm ĩ, đòi Bộ GD&ĐT phải cố định thi 3 môn, tôi nghĩ phụ huynh nên cổ vũ con học hành đồng đều các môn. Khi các con học đều, dù là môn thi nào, các con cũng có thể dễ dàng vượt qua”, cô giáo khuyên.
Ngoài phương án bốc thăm chọn môn thi, cô Nguyễn Lam đề xuất thêm một phương án là cho học sinh chọn môn giống như thi tốt nghiệp THPT. Phương án này vừa giúp học sinh chủ động, tự tin trong việc học, đồng thời tạo tiền đề để các em xác định tổ hợp môn khi lên bậc THPT.
“Tôi không ngại đổi mới thi cử, quan trọng là phải đổi mới như thế nào để học trò cảm thấy thỏa đáng nhất. Ngoài ra, tôi cũng có đề xuất là nếu bốc thăm chọn môn, Bộ GD&ĐT nên đẩy thời gian lên sớm hơn để học sinh ôn tập kịp thời”, cô Lam nêu quan điểm.
Tuy nhiên, thầy Tuân không đồng ý với phương án cho học sinh tự lựa chọn môn thi thứ 3. Thầy cho rằng phương án này không phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh bậc THCS cần trang bị kiến thức căn bản, toàn diện ở các lĩnh vực để phục vụ cho việc phân luồng, hướng nghiệp ở bậc THPT.
Nếu để học sinh tự lựa chọn môn thi, chắc chắn phần lớn học sinh sẽ chọn các môn thuộc khoa học xã hội. Điều này khiến các em thiếu hụt kiến thức khoa học tự nhiên, sâu hơn là những lo ngại về nhân lực để phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Theo thầy Tuân, năm nay là năm đầu tiên các kỳ thi được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu có thay đổi phương án, thầy Tuân đề xuất việc bốc thăm và công bố môn thi thứ ba cần được thực hiện sớm, có thể là tháng 12. Điều này nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt, đồng thời vẫn đảm bảo giáo dục toàn diện.
“Nếu theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta cần một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp. Tuy nhiên, việc này khó khả thi. Tôi cho rằng thi ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vẫn là phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, thầy Tuân nói.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường lại đồng tình với việc môn thi thứ 3 sẽ được công bố vào tháng 3. Điều này nhằm đảm bảo hoàn thành việc dạy và học theo đúng chương trình, tránh việc “chỉ tập trung dạy và học những môn sẽ thi", dẫn đến nhiều hệ lụy khi học sinh tiến đến học THPT.
“Nhiều phụ huynh cho rằng nếu công bố vào tháng 3, học sinh còn ít thời gian ôn tập, tôi cho rằng lo lắng này hơi quá”, thầy Cường nói.
Lý giải về điều này, theo thầy, hai môn Toán và Ngữ văn cố định, học sinh đã có sự chuẩn bị từ lớp 6. Với các môn còn lại, nếu việc dạy và học nghiêm túc, hiệu quả cho tới khi công bố môn thi thứ 3, việc ôn tập môn học này sẽ không khó, bởi các yêu cầu thực hiện môn học đã cơ bản hoàn tất. Tính từ lúc công bố đến thời điểm thi, các em còn tới hơn 2 tháng để ôn tập.
“Cha mẹ học sinh hãy cứ yên tâm. Thay vì lo lắng, phụ huynh hãy đồng hành, động viên các con và phối hợp với nhà trường. Nếu có sự thay đổi, các địa phương, nhà trường sẽ có định hướng, kế hoạch để học sinh hoàn thành kỳ thi tốt nhất”, thầy Cường nói.
Tác giả: Thái An - Ngọc Bích
Nguồn tin: znews.vn