Nhận định về nội dung của bài Rap mới nhất của Bình Gold ở Facebook, một tài khoản tên Lâm nhận định: “Mấy Rapper bắt chước Rapper nước ngoài, nhưng không hiểu đây là Việt Nam, phong tục tập quán cũng khác rất nhiều”.
Bên cạnh đó, tài khoản Dương Trọng Hiếu bình luận: "Bối cảnh của nhiều quốc gia phương Tây vốn khác Việt Nam. Nên đừng ướm văn hóa đó vào toàn bộ nền âm nhạc Rap của Việt Nam, cái tạo nên Việt Nam là bản sắc văn hoá. Hiện nay, có nhiều Rapper tôn trọng và hiểu sự khác biệt ấy, nhưng vẫn có những người đòi cái sự ‘tự do’ gây phản cảm".
Hầu hết các bình luận hiện vẫn lên án việc các Rapper hiện nay sử dụng những lời lẽ dung tục, không đúng với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt. Trước đó, nam Rapper Bình Gold từng gỡ toàn bộ MV trên YouTube vì làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Những bản rap có nội dung tệ nạn, ăn chơi, khoe mẽ của nam rapper như "Bốc bát họ", "Ông bà già tao lo hết", "Bật chế độ bay lên"... được nhận định là có thể để lại hệ lụy lớn.
Đáng chú ý, nam Rapper này thậm chí bị chỉ trích trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia. Hai năm vừa qua, các khán giả nhận định, Bình Gold đã thay đổi phong cách âm nhạc và chuyển mình sang hướng tích cực hơn nhưng tới sản phẩm mới nhất lại tiếp tục gây tranh cãi.
Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam, có rất nhiều định nghĩa về nhạc Rap, thậm chí nhiều lần gây tranh cãi. Không ai biết chính xác về sự ra đời của nhạc Rap. Tuy nhiên, có một nguồn gốc về nhạc Rap được khá nhiều người công nhận, đó là Rap được khai sinh từ nhiều thế kỉ trước tại vùng đất ở Tây Phi. Trong lịch sử của người Tây Phi, tồn tại những nhà lịch sử học kể câu chuyện của vùng đất họ với những nhịp trống đơn giản. Phong cách này gần giống như nhạc Rap như chúng ta biết ngày nay. Nhạc Rap được biết đến thể hiện khát vọng tự do, phóng khoáng của người nghệ sĩ.
Đồng thời, nội dung của nhạc Rap cũng có nhiều loại hình khác nhau như Rap về năng lượng tích cực (quê hương, bản sắc dân tộc), tình yêu đôi lứa, bao gồm cả thể loại nhạc Rap đang bị lên án nhiều nhất là Rap có nội dung tiêu cực, phản ánh những góc khuất của xã hội. Một số đánh giá nêu rằng, cũng nhờ sự đa dạng về phát triển nhạc Rap tại Việt Nam, đã tạo dựng được nhiều Rapper nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng như Đen Vâu, Suboi (người từng đặt câu hỏi trực tiếp và Rap cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nghe khi vị lãnh đạo này có chuyến thăm tới Việt Nam).
Về khách quan, có rất nhiều góc nhìn về những tác phẩm của nam Rapper Bình Gold đang gây tranh cãi. Cũng có nhận định cho rằng, nam Rapper này đang muốn sử dụng nhạc Rap để phản ánh, phê phán, lên án lối sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Điển hình như bài hát “Bốc bát họ”, nam Rapper này dường như cũng nhấn mạnh lối sống buông thả, sa ngã vào các tệ nạn sẽ dẫn đến cuộc sống bi đát, không có tương lai. Thực tế cho thấy, nam ca sĩ này là người kín tiếng, không có phát ngôn gây tranh cãi, khoe mẽ về lối sống tha hóa trên mạng xã hội, ngoại trừ các hình ảnh khi thực hiện video âm nhạc cùng đội ngũ sản xuất. Tuy nhiên, nam Rapper này được đánh giá vẫn cần tiết chế về ngôn ngữ trong các bài nhạc.
Bên cạnh đó, một số nhận định cũng cho rằng, không phải những tác phẩm nghệ thuật nào nói về tiêu cực xã hội cũng là cổ súy cho người xem nên bắt chước. Ví dụ, gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang phát sóng bộ phim "Độc Đạo" được nhiều khán giả quan tâm. Đặc biệt, bộ phim này cũng phản ánh về lối sống bạo lực, "ăn chơi" sa đọa, tệ nạn xã hội của những tên tội phạm ma túy. Qua đó cũng bộc bạch về khó khăn, nguy hiểm của lực lượng cảnh sát khi phải đối mặt với những tổ chức tội phạm mạnh động tại các điểm nóng ma túy tại Việt Nam. Nhưng nếu không có giới hạn về độ tuổi về người xem bộ phim này, nguy cơ những bạn trẻ chưa đủ nhận thức có thể bắt chước các hành vi liên quan đến các hành vi về bạo lực, văn hóa thô tục vẫn có thể diễn ra.
Do đó, đối với thị trường sản phẩm nghệ thuật hiện nay, việc cảnh báo người xem là rất quan trọng. Các cá nhân, tổ chức khi phát hành các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng cần có những cảnh báo liên quan đến nội dung, độ tuổi chính xác vì có thể thể gây phản tác dụng dụng ý của tác giả. Đồng thời cũng cần tiết chế các nội dung quá bạo lực hoặc gây phản cảm. Bởi hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Youtube cũng có những quy định nếu sản phẩm truyền thông có hình ảnh, nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng sẽ bị gỡ bỏ.
Đồng thời, bộ phận những người tiếp cận những sản phẩm nghệ thuật thông qua mạng xã hội, các nền tảng đại chúng cần phải trang bị kiến thức, nhận thức để không bị những hình ảnh mang nội dung phản ánh sự tiêu cực trong xã hội ảnh hưởng tới tư tưởng, lối sống. Đặc biệt, người lớn tuổi, các bậc phụ huynh và người giám hộ cần kiểm soát chặt chẽ nội dung mà lứa tuổi trẻ em có thể tiếp cận và giáo dục về tính đúng, sai thật cẩn trọng về các vấn đề xã hội hiện nay.
Tác giả: Trần Đình
Nguồn tin: congthuong.vn