Tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét Làng Nủ
- 14:04 08-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sáng 8-10, thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cho biết cơ quan chức năng đã tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) rạng sáng 10-9.
Hai thi thể nạn nhân được tìm thấy là anh Hoàng Văn G. (sinh năm 1985) và em Hoàng Quỳnh L. (sinh năm 2014). Việc xác định danh tính 2 nạn nhân được thực hiện thông qua xét nghiệm ADN.
Như vậy, tính đến nay, cơ quan chức năng xác định vụ lũ quét Làng Nủ đã làm 60 người tử vong, còn 7 người vẫn đang mất tích. Cơ quan chức năng cũng xác định đến nay có 87 người an toàn.
Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên vẫn đang huy động lực lượng, máy móc tập trung tìm kiếm nạn nhân còn mất tích.
Trước đó, theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Châu Lân (Trường đại học Giao thông vận tải) và nhóm cộng sự cho thấy nơi phát sinh trượt lở vùi lấp thôn Làng Nủ thuộc hệ tầng núi Con Voi. Ở đó đá bị ép phiến mạnh cắm dốc 40 - 50 độ.
Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774m, vùng ảnh hưởng dưới cùng có cao độ 160-200m.
Căn cứ vào dữ liệu lượng mưa/h ngày 9-9 (57mm/h) cho thấy việc trượt lở đất đá có thể xảy ra từ ngày 9-9. Nhưng dòng chảy của nó bị co hẹp lại ở cách điểm phát sinh trượt khoảng 2km, tạo đập dâng tạm thời.
Sáng sớm 10-9, lượng mưa tích lũy ở đây (vị trí đập tạm) đạt 633mm (mức rất cao, bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai).
Do áp lực của nước dâng lên nên đập tạm bị vỡ, lũ bùn, đá tràn ra và lan rộng xuống phía dưới do địa hình phẳng bên dưới (thôn Làng Nủ) lúc 5h sáng 10-9.
Theo tính toán, đỉnh núi Con Voi có lớp vỏ phong hóa dày tới 40m, nên vụ sạt lở tạo nên một vùng trượt lở khối lớn với thể tích lên đến 1,6 triệu m3.
Sau thảm họa sạt lở ở thôn Làng Nủ, các nhà khoa học khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần chủ động rà soát các khe nứt trên sườn dốc và đoạn nghẽn dòng ở dọc các suối nhánh, dòng chảy...
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ