Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều cảng cá, cửa lạch ở Nghệ An bị bồi lắng nghiêm trọng

Tỉnh Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền khai thác hải sản. Kinh tế biển, trong đó có khai thác hải sản đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hạ tầng nghề cá đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc các luồng lạch ra vào cảng cá và âu tránh trú bão bị bồi lắng nghiêm trọng…

 Tàu thuyền khó khăn khi ra vào cảng Lạch Quèn do tình trạng bồi lắng nghiêm trọng.

Nỗi lo mắc cạn

Đang cùng với bạn thuyền sửa sang lại ngư cụ ở cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu), anh Hoàng Văn Minh (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu), chủ tàu cá NA 93198 TS và NA 9254 TS hành nghề lưới chụp cho biết: “Muốn vào cảng Lạch Quèn phải tính con nước. Một tháng tàu từ 500 CV trở lên chỉ ra vào được khoảng 10 ngày, còn lại phải đậu ở ngoài, không dám, mà cũng không thể vào”. Anh Minh cho biết thêm, năm 2019, tàu cá công suất 500 CV của anh bị mắc cạn khi vào cửa lạch. Sóng lớn đập khiến tàu xoay ngang, va vào đá bị vỡ rồi chìm, thiệt hại cả con tàu.

Không chỉ tàu cá công suất lớn, các tàu nhỏ cũng bị ảnh hưởng. “Mới đây thôi, thuyền của ông Nam ở xã Tiến Thủy, thuyền ông Lành ở xã An Hòa, thuyền ông Hoàng ở xã Quỳnh Nghĩa… bị mắc cạn, sóng đánh chìm khi đang vào lạch”, ông Hồ Bá Hiệp, chủ tàu cá NA 73115 TS công suất 45 CV cho biết. Nhà gần cửa lạch, anh Trần Văn Hoạt (xóm Sơn Hải, xã Quỳnh Tiến) thường xuyên chứng kiến tàu thuyền của ngư dân bị mắc cạn, nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, khoảng thời gian con nước kiệt. Ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, cả xã có 42 tàu cá, chủ yếu neo đậu ở cảng Lạch Quèn. Việc cửa lạch bị bồi lắng tác động rất lớn đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Nhiều khi làm thủ tục xuất cảng xong thì cửa lạch cũng cạn, phải chờ đến hôm sau tàu mới xuất cảng được. Cũng có lúc, vừa ra khỏi cảng thì gặp áp thấp nhiệt đới, biển động tàu không thể ra khơi, nhưng cửa lạch bị cạn, không thể vào được. Gặp tình huống này đành phải neo ở ngoài chờ, hoặc phải chạy đi tìm chỗ neo đậu ở địa phương khác.

Cũng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi (xã Sơn Hải), nơi neo đậu của hơn 300 tàu thuyền của ngư dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải, cửa lạch ngày càng bị bồi lắng, dòng chảy luồng lạch thay đổi khiến số tàu cá mắc cạn ngày càng nhiều. Điểm tàu thuyền thường bị mắc cạn, gãy trục chân vịt, bị chìm nằm ở ngoài khu vực Đồn Biên phòng Lạch Thơi ra đến cửa biển, kéo dài khoảng 800m.

Theo ông Bùi Xuân Trúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện hiện có hơn 900 tàu thuyền, trong đó 450 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Huyện có hai khu neo đậu tránh trú bão gồm: Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn thuộc hai xã Tiến Thủy và Quỳnh Thuận và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi thuộc hai xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ. Những năm gần đây, các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tuy đã được đầu tư để cải tạo, nâng cấp, nhưng vấn đề bồi lắng vẫn là thách thức đối với cả hai cảng cá này.

Ở cảng cá Quỳnh Phương, mức độ bồi lắng khá phức tạp. Ngư dân Trần Văn Hồng, thuyền viên tàu cá NA 90145 TS, công suất 400 CV cho biết, không ít lần biển động, sóng to, nhưng tàu không vào được cửa lạch cho nên phải chạy ra neo ngoài đảo Mê ở Thanh Hóa…

Đại úy Hồ Trọng Hưng, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương nhấn mạnh: Theo quy định, tất cả phương tiện xuất, nhập lạch đều được quản lý, đăng ký theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, do phải chờ con nước cho nên xảy ra tình trạng lúc thì rất vắng, nhưng lúc thì số phương tiện ra vào rất đông, điều này gây áp lực không nhỏ đến công tác kiểm tra, kiểm soát.

Còn tại cảng cá Lạch Vạn - nơi neo đậu hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thành (huyện Diễn Châu), tình trạng bồi lắng càng nghiêm trọng hơn. Thay vì vào cảng, hàng chục tàu công suất lớn phải neo đậu ngoài cửa biển.

Ngư dân Trần Văn Được, chủ tàu cá NA 94585 TS chia sẻ: Chiều dài lòng cạn gần 1 km. Mỗi chuyến đi biển về cảng Lạch Vạn là phải tập trung cao độ để lái, chứ lơ là chút là tàu mắc cạn ngay. Mấy năm gần đây, các tàu to, có công suất lớn, thường xuyên bị mắc cạn. Có tàu may mắn thì trục vớt, kéo về sửa chữa được, nhưng chi phí cũng hết vài trăm triệu đồng. Bởi vậy, hầu hết tàu cá lớn phải neo đậu ở ngoài cửa biển và thuê thuyền nhỏ tăng bo (vận chuyển) thủy sản vào bán. Việc này vừa mất thời gian, vừa phát sinh chi phí.

Đòi hỏi giải pháp căn cơ

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có bốn cảng cá do Nhà nước đầu tư và đơn vị quản lý, gồm Quỳnh Phương, Lạch Quèn, Lạch Vạn và Cửa Hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có năm khu neo đậu, tránh trú bão, gồm Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Lạch Thơi, Lạch Lò. Địa phương hiện có hơn 3.400 tàu thuyền khai thác hải sản, thế nhưng hiện tượng bồi lắng xảy ra ở các cảng cá, cửa lạch khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2020 đến nay, nhiều cảng cá, khu neo đậu được Nhà nước bố trí kinh phí nâng cấp xây dựng, mở rộng. Việc đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân. Tuy nhiên, các luồng lạch thường nạo vét được một thời gian thì bị bồi lắng trở lại, điển hình là Lạch Thơi. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2012, điều chỉnh lại hạng mục vào năm 2017.

Dự án do Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 96 tỷ đồng (gồm các hạng mục: Nạo vét, xây dựng, lắp đặt biển báo tín hiệu, đê bao bãi thải và sửa chữa bến neo đậu tàu. Riêng việc nạo vét lạch được thực hiện với chiều dài lạch hơn 4,3 km, chiều rộng từ 15-45m và đáy luồng sâu từ 3,5-4m. Đến cuối năm 2017, hạng mục nạo vét và lắp biển báo tín hiệu dẫn đường được hoàn thành, tàu thuyền ra vào cảng dễ dàng, ngư dân rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ khoảng tám tháng sau, cửa lạch tái bồi lắng, mức độ lại càng nghiêm trọng hơn.

Đồng chí Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Việc các cảng cá, luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân mà còn ảnh hưởng lớn đến công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Đây là nhiệm vụ hàng đầu đang được Trung ương hết sức quan tâm, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện. Rõ nhất là việc các phương tiện tập trung ra lúc thủy triều lên cho nên lực lượng kiểm tra, kiểm soát sẽ gặp khó khăn, không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ, nhất là lực lượng biên phòng. Khi tàu về một lúc thì cảng cá sẽ gặp áp lực bốc dỡ. Ngoài ra, việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng là thách thức.

Đồng chí Trần Xuân Học nhấn mạnh “Nạo vét cần kết hợp với giải pháp kỹ thuật như: Tiến hành kè hai bên bờ lạch, xây dựng các tuyến mỏ hàn… Nếu chỉ nạo vét thì chỉ được một vài năm là lại bồi lắng, do đó cần phải có giải pháp căn cơ, tuy nhiên cần chi phí rất lớn. Chúng tôi cũng đề nghị ngành giao thông quan tâm hơn nữa đến công tác nạo vét luồng lạch; đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp các cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Tác giả: Trần Trung Hiếu

Nguồn tin: nhandan.vn