Cận cảnh động vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
- 16:01 05-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm trên sườn Bắc của dãy Trường Sơn về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, có độ cao từ 200m đến 2.457m, trên địa bàn huyện Quế Phong. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Ảnh: Pù Hoạt. |
Để gìn giữ và phát huy những giá trị về thiên nhiên của trên 90.000 ha đất rừng Pù Hoạt, ngày 2/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được đánh giá là khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Hiện nay, tại khu bảo tồn đã xác định được 2.425 loài và dưới loài thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Cán bộ khu bảo tồn giải cứu động vật quý hiếm, thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Pù Hoạt. |
Trong khu bảo tồn có một số loài thú lớn quý hiếm được ghi nhận bao gồm: Hổ; Gấu ngựa; Gấu chó; Cầy giông; Cầy giông sọc; Cầy mực; Chà vá chân nâu; Beo lửa; Báo gấm; Lợn rừng; Hoẵng; Bò tót; Sơn Dương; Thỏ vằn; Mang lớn, Mang Pù Hoạt; Sao la,...
Một số loài Chim đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế được ghi nhận ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt so với kết quả điều tra năm 1997 bao gồm: Trĩ sao; Gà lôi vằn; Gà tiền mặt vàng; Công; Hồng hoàng; Niệc nâu; Niệc cổ hung; Niệc mỏ vằn; Bói cá lớn; Chích chòe lửa,...
Tập huấn, tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ động vật quý hiếm. Ảnh: Pù Hoạt. |
Khu bảo tồn đã thống kê được 130 loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 112 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam; 1.315 loài thuộc 221 họ, 56 bộ.
Giám sát sinh học tại khu bảo tồn qua việc đặt bẫy ảnh
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, thời gian qua, khu bảo tồn đã kết nối, làm việc và phối hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu đa dạng sinh học tại đây. Ví dụ: Phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học; Phối hợp với Dự án Rừng và Đồng Bằng tổ chức điều tra giám sát đa dạng sinh học làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật…
Cán bộ khu bảo tồn tiến hành đặt bẫy ảnh để điều tra đa dạng sinh học. Ảnh: Pù Hoạt. |
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, để ghi lại hình ảnh các loài động vật hoạt động vào ban đêm hoặc rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người, đơn vị đã tiến hành đặt các bẫy ảnh ở một số nơi trong khu bảo tồn.
Việc ứng dụng bẫy ảnh trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học đã giúp ghi nhận và khẳng định sự có mặt của nhiều loài thú, trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN.
Cũng từ đó, xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách hiệu quả nhất.
Voọc xám được chụp ở TK6, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Ảnh: Pù Hoạt. |
Cầy vòi mốc được chụp tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Ảnh: Pù Hoạt. |
Khỉ mặt đỏ được chụp tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Ảnh: Pù Hoạt. |
"Kết quả thu được từ bẫy ảnh là những tư liệu quý giúp cho khu bảo tồn quảng bá, tuyên truyền về những loài động vật quý hiếm, cần được bảo vệ và cấm săn bắt", đại diện khu bảo tồn thông tin.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn