Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bão Kirk 'mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024' đang hoành hành, tâm điểm đổ bộ nơi nào?

Bão Kirk - cơn bão số 11 trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 - đã đạt đến cường độ bão cấp 4 vào ngày 3/10.

 

Nhà dự báo bão Philip Klotzbach của Đại học Bang Colorado, Mỹ cho hay, bão Kirk là cơn bão mạnh nhất vào thời điểm này (đầu tháng 10) của mùa bão Đại Tây Dương, kể từ cơn bão Iota năm 2020.

Ngoài ra, Kirk là cơn bão Đại Tây Dương cấp 4 đến cấp 5 thứ 3 tính đến thời điểm này trong năm nay, sau siêu bão Beryl và bão Helene.

Trong kỷ nguyên vệ tinh kể từ năm 1966, có 6 năm có hơn 3 cơn bão cuồng phong từ cấp 4 đến cấp 5 ở Đại Tây Dương tính tới ngày 3/10 gồm: 1999, 2004, 2005, 2010, 2017, 2023.

 Bão Kirk đã mạnh lên ngang cấp với bão Helene từ ngày 3/10. Ảnh: Fox Weather/báo Lao Động

Bão Kirk dự kiến gây ảnh hưởng tới các khu vực như Vương quốc Anh và Pháp, gây mưa lớn, biển động và gió giật nguy hiểm.

Theo các mô hình dự báo bão, tác động của bão Kirk tới đất liền dự kiến diễn ra trong tuần tới khi cơn bão mất nguồn nhiệt từ Đại Tây Dương nóng ấm và trở thành áp thấp nhiệt đới.

Các chuyên gia dự báo thời tiết của Fox Weather nhấn mạnh, bão Kirk sẽ không quét qua Bắc Mỹ nhưng vẫn có một số tác động tới thời tiết ở đây.

Bão Kirk bắt đầu xuất hiện ở trung tâm Đại Tây Dương vào ngày 29/9 và nhanh chóng mạnh lên thành bão cuồng phong cấp 3 vài ngày sau đó.

Theo Trung tâm Dự báo bão Fox Weather, do hướng của dải áp thấp cận nhiệt đới và một rãnh áp thấp lớn, đường đi của bão Kirk sẽ không đi qua các khu vực như Bermuda, Bahamas và Mỹ.

Tuy nhiên, do bão Kirk có kích thước lớn, sức gió trong bão gây ảnh hưởng trong phạm vi lên tới trên 320km. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cảnh báo, sóng lớn do ảnh hưởng của cơn bão mới nhất tại Đại Tây Dương có thể tác động tới bờ Đông của Mỹ dù cơn bão cách Bắc Mỹ hàng trăm kilomet.

Theo bản tin bão của Fox News, ảnh hưởng của bão Kirk dự kiến chỉ giới hạn ở châu Âu khi cơn bão đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới.

Theo các mô hình dự báo, lượng mưa do tàn dư của bão Kirk có thể lên tới 130mm khi lõi của hệ thống này tiến gần đến châu Âu vào tuần tới. Tàn dư của Kirk có thể thách thức một số kỷ lục do các hệ thống có nguồn gốc từ bão cuồng phong gây ra trước đây, các chuyên gia về bão, áp thấp lưu ý.

Tuần trước, bão Helene đã tàn phá phần lớn miền đông nam Mỹ sau khi đổ bộ vào Florida ở cường độ bão cấp 4. Cơn bão di chuyển về phía bắc gây mưa lớn và lũ lụt, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến phía tây North Carolina. Hơn 1 triệu người vẫn không có điện cho tới chiều 1/10 do ảnh hưởng của bão Helene.

 Một đoạn đường ở Black Mountain, North Carolina bị phá hủy sau bão Helene. (Ảnh: AFP/VTV)

Trong khi đó, bản tổng hợp số liệu chính thức của AFP xác nhận 212 trường hợp thiệt mạng trên khắp các bang North Carolina, South Carolina, Georgia, Florida, Tennessee và Virginia. Hơn 50% số người thiệt mạng là ở North Carolina, do lũ lụt tàn phá. Đây là một thảm họa chưa từng có ở bang này.

 Bão Helene gây thiệt hại lớn một số bang của Mỹ. (Nguồn: EPA)

Helene là cơn bão gây thương vong nhiều nhất đổ bộ vào đất liền Mỹ kể từ sau cơn bão Katrina năm 2005 khiến 1.392 người thiệt mạng. Dù đã có hàng trăm nỗ lực cứu hộ trên khắp 6 bang, công tác ứng phó bão được thực hiện trên quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn nhân viên liên bang, thành viên Vệ binh Quốc gia, quân nhân và lực lượng chức năng tại các địa phương, song số người chết do cơn bão này dự kiến vẫn tăng lên. Hiện, nhiều cư dân vẫn mất tích.

Công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn tiếp tục được thực hiện ở hạt Buncombe, bang North Carolina. Khu vực này báo cáo có hơn 70 người đã thiệt mạng sau bão. Chính quyền hạt Buncombe cũng cho biết nhiều khu vực vẫn bị chia cắt do lở đất và sập cầu.

Tại Asheville, thành phố có khoảng 100.000 người dân ở phía dưới những ngọn núi đẹp như tranh, bùn dày phủ kín các con phố. Các tòa nhà và những công trình khác dọc bờ sông đã bị nước lũ cuốn trôi.

Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích ở các khu vực hẻo lánh. Trong khi đó, ở trung tâm thành phố, các nhà hàng và các nhóm cứu trợ đang cung cấp thức ăn, nước uống miễn phí. Các đội sửa chữa cũng khẩn trương khôi phục điện cho hàng trăm nghìn khách hàng.

Tại thị trấn Swannanoa, cư dân cùng dọn dẹp đường sá, sửa chữa đường dây điện, chia sẻ với nhau từng bữa ăn. "Chúng tôi đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau" - một cư dân chia sẻ với AFP.

Hôm 3/10, Tổng thống Biden đã trực tiếp thị sát bờ biển phía Bắc vịnh Florida. Ông Biden đã quan sát những thiệt hại do bão gây ra từ trên trực thăng.

Đến thăm Georgia, Tổng thống Mỹ đau buồn: "Nhà cửa bị xóa sổ, cả một hòn đảo biến mất. Nhiều gia đình đã mất tất cả, kể cả những người thân yêu". Ông Biden cũng cam kết chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ toàn diện để giúp người dân phục hồi cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu góp phần quan trọng gây ra nhiều cơn bão khi đại dương ngày một ấm hơn. Các cơn bão hấp thụ được mức nhiệt đó nên càng tăng thêm sức càn quét. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh về sức tàn phá kinh khủng của cơn bão Helene sau chuyến thăm North Carolina.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn