Giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam tan vỡ
- 10:04 04-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Con đường sang nước ngoài
Một trong ba yếu tố phát triển nền tảng cầu thủ của một ĐTQG chính là xuất ngoại. Với những nền bóng đá đang tiến bộ và tiệm cận trình độ châu lục như Việt Nam, song song với thúc đẩy chất lượng V.League cũng như thu hút làn sóng Việt kiều, chuyện tạo điều kiện cho những tài năng hàng đầu sang nước ngoài chơi bóng là điều cấp thiết. Nhất là khi chúng ta đối chiếu với Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay thậm chí là Philippines, Lào.
Chất lượng của những cầu thủ trẻ Việt Nam không đủ lớn để các CLB nước ngoài quan tâm. |
Trong 10 năm qua, bóng đá Việt Nam chứng kiến làn sóng những cầu thủ có trình độ, tiềm năng lần lượt tiếp cận đẳng cấp và môi trường CLB nước ngoài. Ở mức độ vừa phải, đó là những chuyến tập huấn có thời lượng từ vài tuần đến vài tháng. 1 thập kỷ trước, bộ tứ Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều và Tuấn Anh đã sang rèn luyện tại Arsenal theo hình thức như vậy. Gần đây, Lê Phát (PVF) hay Vĩnh Nguyên (TP.HCM) cũng được tạo điều kiện tới Bỉ, Tây Ban Nha học hỏi, từ 1-2 tháng.
Ở trình độ cao hơn, việc sang nước ngoài của cầu thủ Việt Nam không còn là tiếp cận ngắn hạn vài tháng. Thay vào đó, họ là nhân vật chính trong thương vụ chuyển nhượng, với thường là cho mượn giữa CLB chủ quản tại V.League với đội nước ngoài. Có thể kể đến trường hợp HAGL cho Công Phượng sang thi đấu theo diện 1 mùa với Mito Hollyhock (Nhật Bản vào năm 2016), Incheon United (Hàn Quốc vào năm 2019), Sint Truidense (Bỉ, 2019); hay Tuấn Anh, Xuân Trường (Yokohama FC, Incheon United, Gangwon FC các năm 2016, 2017) hay Văn Hậu (Heerenveen, Hà Lan vào năm 2019).
Thêm vào đó ở trường hợp này, một số cầu thủ sau khi hết hợp đồng với CLB tại V.League cũng tự mình cùng người đại diện tìm kiếm, đàm phán hợp đồng cùng đội nước ngoài. Có thể kể đến như Quang Hải tới Pau FC (Pháp) vào năm 2022 hay Công Phượng đến Yokohama FC (đầu 2023), Văn Toàn cập bến Seoul E-Land (Hàn Quốc)…
Hoài bão xa xỉ
Chuyện các cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài chơi bóng, đặc biệt ở giai đoạn 2016-2020 thật sự trở thành một “trending” (xu hướng) của bóng đá nước ta lúc bấy giờ. Điều đó ít nhiều truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cổ động viên về hoài bão dám thử thách bản thân ở nơi có trình độ cao hơn V.League.
Nhưng thực tế, giống như bản chất tên gọi, sau khi hết “trending”, câu chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam cũng nguội lạnh theo thời gian. Tai hại hơn, từ chỗ truyền cảm hứng, hàng loạt thất bại được mô tả với những cuộc tháo chạy để trở về V.League của các ngôi sao Việt Nam đã khiến nhiều đồng nghiệp không còn dám đánh cược tương lai bản thân cho thứ gọi là hoài bão xuất ngoại.
Xuân Trường sụt giảm phong độ nghiêm trọng sau những lần xuất ngoại. Văn Toàn vội vã “quay đầu là bờ” chỉ 9 tháng tới Hàn Quốc. Quang Hải từng đánh mất bản thân ở ĐT Việt Nam sau khi không được chơi bóng thường xuyên ở Pháp. Hay mới nhất, Công Phượng thậm chí phải xuống đá giải hạng Nhất vì mất hút tại Yokohama FC (Nhật Bản). Hoài bão xuất ngoại càng trở nên tan vỡ khi những tài năng triển vọng tiếp theo của bóng đá Việt Nam là Hoàng Đức, Tuấn Hải không thật sự mặn mà với chuyện lên đường “học đạo”.
Thay vì tự thử thách bản thân, họ lựa chọn con đường dễ hơn. Đó là ký những bản hợp đồng khủng để biến mình thành các gương mặt có thu nhập hàng đầu bóng đá Việt Nam. Vô hình trung, chuyện xuất ngoại cũng trở thành giấc mơ xa xỉ với các cầu thủ hay giới mộ điệu. Không nhiều cầu thủ, từ tài năng trẻ đến những cái tên chất lượng ở V.League nhắc về việc rời Việt Nam. Cũng chẳng có giới mộ điệu nào còn kỳ vọng về một Chanathip, Theerathon hay Sasalak nơi bóng đá nước nhà.
Song song với góc độ khách quan kể trên, câu chuyện chủ quan phải thừa nhận đó là trình độ của những cầu thủ trẻ hiện tại của Việt Nam cũng không hay như lứa đàn anh Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường…
Minh chứng là nếu như cách đây 6 năm trước, Văn Thanh từng được một nhà môi giới định hướng sang châu Âu. Cũng khoảng thời gian mà Quang Hải đang ở thời điểm đỉnh cao tại VCK U23 châu Á, dù mới chỉ 21 tuổi, nhiều chuyên gia, người đại diện đã rất muốn đưa anh ra nước ngoài thi đấu. Nhưng ở thời điểm này, không một tài năng trẻ nào của Việt Nam, kể cả Nguyễn Công Phượng được CLB nước ngoài hay nhà môi giới châu Âu để mắt! Tất cả những gì được gói gọn đơn thuần chỉ là các chuyến tập huấn ngắn ngày dành cho Long Vũ, Lê Phát, Huỳnh Triệu…
Tất nhiên như đã nói, việc các tài năng trẻ được tạo điều kiện học hỏi ở môi trường nước ngoài, dù là thời gian dài hay ngắn, cũng là tốt cho chính họ cũng như tăng thêm từng chút một về trình độ của bóng đá Việt Nam. Nhưng câu chuyện xuất ngoại cần phải được quan tâm sát sao hơn và từng bước đẩy mạnh hơn nữa. Bởi nếu không, ĐT Việt Nam nói riêng và cả nền bóng đá nói chung sẽ bị chững lại, so với tốc độ đi lên ngày càng thần tốc từ phía các đối thủ như Indonesia hay Thái Lan.
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân