Linh hoạt dạy học khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
- 13:41 02-10-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giải pháp này được đánh giá là chủ động, linh hoạt, phù hợp thực tế với quan điểm "có học sinh thì phải có giáo viên” nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.
Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN |
Thực hiện biệt phái, dạy liên trường
Từ đầu năm học tới nay, cung đường đi dạy quen thuộc của thầy giáo Phan Chí Hiếu là từ Trường Trung học cơ sở Bạch Liêu sang Trường Trung học cơ sở Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành). Việc cùng một lúc phải đảm nhận công việc ở 2 trường dù có những khó khăn riêng, nhưng là giáo viên đảm nhiệm bộ môn Tin học (một trong những môn đang thiếu giáo viên nhiều nhất ở huyện Yên Thành) nên thầy Hiếu nỗ lực vượt qua và xem đây là việc bình thường.
Tại Trường Trung học cơ sở Phan Đăng Lưu có 25 lớp, nhưng năm học này trường chỉ có 1 giáo viên dạy Tin. Do đó, nhà trường đã đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành và trao đổi với các trường trong cụm chuyên môn mong muốn được hỗ trợ. Ngoài môn Tin học, hiện trường còn có 1 giáo viên dạy Hóa học từ Trường Trung học cơ sở Viên Thành về để hỗ trợ thêm cho nhà trường 1 tuần 10 tiết; một số giáo viên khác cũng được tăng cường về dạy thêm các môn Thể dục và Toán... Ngay trong trường, nhiều giáo viên phải đảm nhiệm cùng lúc từ 2 - 3 môn nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Thầy giáo Trần Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Đăng Lưu cho biết: “Thiếu giáo viên nên việc hỗ trợ theo hình thức “trường giúp trường” là rất thiết thực. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên được học tập, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ”.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn huyện Yên Thành. Vì thế, việc thuyên chuyển, biệt phái giáo viên hoặc tổ chức cho giáo viên dạy liên trường đã trở thành việc thường xuyên phải thực hiện vào dịp đầu năm học.
Việc điều chỉnh, cân đối và bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường trên địa bàn huyện Yên Thành xuất phát từ nhu cầu thực tế, đảm bảo tính hợp lý về số lượng, đồng bộ về cơ cấu vị trí việc làm nhằm ổn định đội ngũ và cân đối giáo viên giữa các nhà trường. “Riêng năm nay, huyện đã điều chuyển gần 60 giáo viên ở cả bậc tiểu học và trung học cơ sở. Để giáo viên, nhân viên yên tâm công tác lâu dài, chúng tôi thực hiện đúng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho mọi viên chức đều có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng trong công tác, thuyên chuyển, biệt phái”, ông Lê Đình Cẩn - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết.
Với giải pháp tương tự, năm nay, huyện Tân Kỳ đã thực hiện biệt phái 21 giáo viên ở cả 3 cấp học. Ngoài ra, có gần 30 giáo viên thực hiện dạy liên trường để cân đối đội ngũ giữa các trường.
Ông Hoàng Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Do địa bàn Tân Kỳ có một số xã khá xa trung tâm nên khi thực hiện biệt phái hoặc dạy liên trường chúng tôi phải tính toán, cân đối để tạo thuận lợi cho giáo viên. Bên cạnh đó, huyện chỉ thực hiện biệt phái có thời hạn (từ 1 đến 3 năm) để các giáo viên yên tâm khi điều chuyển công tác. Ngoài ra, phòng Giáo dục cũng đã tham mưu để mỗi năm huyện cấp ngân sách gần 1 tỷ đồng để trả thêm tiền tăng tiết cho các giáo viên nếu giáo viên phải làm thêm giờ.
Đảm bảo công tác giảng dạy hiệu quả
Giờ học của học sinh trường THCS Nghi Ân, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu (minh họa): TTXVN |
Là ngôi trường thuộc vùng khó và nằm xa nhất của huyện Nghi Lộc, trường Trung học cơ sở Nghi Kiều thiếu đến 15 giáo viên trong năm học này. Việc sắp xếp giáo viên đứng lớp cũng không dễ dàng, bởi không chỉ thiếu giáo viên theo tỷ lệ quy định, nhà trường còn thiếu nhiều giáo viên đặc thù như tiếng Anh, Vật lý, Mỹ thuật, Âm nhạc...
Để khắc phục tình trạng này, năm học này, trường đã hợp đồng 14 giáo viên, trong đó, ưu tiên tuyển những giáo viên ở trong xã hoặc vùng kế cận để giáo viên có thể yên tâm công tác, bớt chi phí đi lại, sinh hoạt.
Thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghi Kiều cho biết: “Nhà trường tiếp tục đề xuất bổ sung biên chế và động viên các giáo viên gắn thêm trách nhiệm để giáo viên dạy tăng tiết hoặc dạy kiêm nhiệm (với những giáo viên được đào tạo song bằng). Trong trường hợp thiếu giáo viên (như với giáo viên tiếng Anh), nhà trường dự kiến hợp đồng thêm giáo viên ở trường tiểu học sang tăng cường. Trước đó, trường cũng được tăng cường 3 giáo viên từ các trường khác trên địa bàn chuyển đến”.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Nghi Lộc và thiếu đồng thời ở 3 cấp với 266 giáo viên. Do đó, dù đã thực hiện việc tăng cường giáo viên nhưng năm nay toàn huyện cũng chỉ điều chuyển được 8 người (3 giáo viên tiểu học và 5 giáo viên ở bậc trung học cơ sở) từ trường “thiếu ít” sang trường “thiếu nhiều”.
“Sau khi rà soát, huyện đã phân bổ kinh phí để các trường được hợp đồng với 86 giáo viên. Số còn lại đang thiếu, huyện sẽ chi trả ngân sách để các trường trả tăng tiết cho những giáo viên vượt tiết theo quy định. Bên cạnh đó, dự kiến đến cuối tháng 9, huyện sẽ tuyển dụng và tiếp nhận thêm 186 biên chế vào bậc mầm non và tiểu học để bổ sung cho các nhà trường”, ông Nguyễn Đình Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều trường trên địa bàn Nghệ An, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho địa phương còn thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt nhiều Phòng Giáo dục và đào tạo đã bố trí giáo viên dạy liên trường; đồng thời cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức các môn học. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà trường mong muốn sẽ được bố trí đủ biên chế giáo viên; qua đó đảm bảo công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được hiệu quả.
Bằng những cách làm tương tự, việc thiếu giáo viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang từng bước được khắc phục để vẫn đảm bảo việc dạy và học ở các nhà trường. Một tín hiệu tích cực đó là dù thiếu giáo viên nhưng các trường tiểu học ở Nghệ An vẫn duy trì dạy học 2 buổi/ngày, nhiều huyện đã hỗ trợ kinh phí để các trường hợp đồng thêm giáo viên hoặc chi trả tiền vượt tiết. Trong khó khăn, mô hình “trường giúp trường”, “cụm chuyên môn giúp cụm chuyên môn” đang được phát huy ngay trong từng huyện, từng cụm.
Để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hàng năm, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời tham mưu với tỉnh và phối hợp các địa phương, đơn vị trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, hợp đồng lao động.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lên phương án “huyện giúp huyện” nếu các trường ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn vì thiếu giáo viên các môn đặc thù, nhất là môn tiếng Anh thông qua các giờ học trực tuyến, lớp học trực tuyến”.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên các trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa; khắc phục tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng và xóa phòng học tạm… đáp ứng yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: baotintuc.vn