Cắt trọc cây xanh quốc lộ 1: Chủ đầu tư nói bão vào cây ngã xuống, ai mệt?
- 08:07 30-09-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện trạng cây xanh bị cắt trên tuyến quốc lộ 1 đi qua Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Liên quan đến việc cắt trọc cây xanh trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, ngày 29-9, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với đơn vị quản lý tuyến đường.
Ông Thân Hóa - giám đốc Công ty 545, chủ đầu tư BOT Điện Bàn - cho biết cây xanh ở đây do công ty trồng hơn 10 năm trước khi đầu tư và thu phí tuyến đường. Hiện công ty đang quản lý, chịu trách nhiệm chăm sóc.
[presscloud]https://media.nghean24h.vn/video/2024/09/30/C___t_t___a_c__y_xanh_ph__ng_ch___ng_b__o_l___t__________N___ng__ng_____i_d__n_n__i_c___t_qu___m___nh_tay.mp4[/presscloud]
Cắt tỉa cây xanh phòng chống bão lụt ở Đà Nẵng, người dân nói cắt quá ‘mạnh tay’
Liên quan việc cắt tỉa đến mức bị cho là "quá tay", ông cho rằng chủ trương của công ty nhằm mục đích phòng chống bão, vì thời gian sắp tới dự báo bão rất to đổ bộ vào miền Trung.
"Dân phản ánh vì họ mất bóng mát đột ngột, nhưng thử hỏi bão vào cây ngã xuống thì ai mệt? Việc này (cắt cây - PV) là vì an toàn cho người dân, an toàn giao thông vì phía trên là dây điện cao thế, xung quanh là dây cáp quang. Mấy năm trước có cây cao ngã đổ là kẹt đường luôn", ông Hóa nói.
Chủ đầu tư BOT Điện Bàn thuê đơn vị cây cắt tỉa hàng cây xanh thuộc phạm vi tuyến đường thu phí đường bộ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Ông Hóa cho biết việc cắt tỉa cây xanh được thực hiện mỗi năm một lần, thường rơi vào thời điểm trước mùa mưa. Lần này chủ trương cắt cây còn chiều cao khoảng 5m là từ công ty. Thậm chí ông còn muốn hạ thấp hơn nữa, vì sau 10 năm cây xà cừ phát triển quá tốt. Trong khi hạ tầng bức bách, cây xanh không "được yên" vì đường dây điện nằm phía trên.
Cho rằng việc người dân ven quốc lộ 1 đi qua Đà Nẵng phản ứng với cách xử lý cây xanh "cũng là bình thường", tuy nhiên ông khẳng định việc cắt cây triệt để là "việc phải làm" vì cây không chết, mà sau mùa mưa lại tốt lên nhanh chóng.
Cây xanh bị cắt đến không còn cành lá trên đường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Xót xa cây xanh bị cắt trụi lủi
Trong khi đó, Tuổi Trẻ Online cũng nhận được ý kiến nhiều chiều từ bạn đọc.
Theo đó, nhiều bạn đọc cho rằng việc cắt tỉa tùy mục tiêu: cắt quang, cắt cành, cắt ngọn, cắt trụi... Nhưng tựu trung điều kiện cần là cắt sao để cây khỏe, đẹp, phát triển tốt và an toàn. Cần hạn chế cắt trụi vì cây vẫn sống nhưng yếu, dễ sâu bệnh, xấu xí và tốn nhiều công bảo trì do chồi tược mọc vô tội vạ.
"Cắt vầy thì thôi cưa luôn cho đỡ tốn diện tích. Vì có khác gì cái cột điện không, mà cái cột điện còn có tác dụng kéo điện", bạn đọc Hưng bình luận.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng chuyện cắt tỉa cây xanh cũng có cái khó vì phải đồng bộ với an toàn hạ tầng, lưới điện trong mùa mưa bão.
"Trên tuyến quốc lộ từ Hòa Khánh đến Hòa Cầm, 20 năm nay cứ hàng cây xà cừ lớn lên thì điện lực lại cưa đầu. Tại sao không phối hợp giữa trồng cây xanh và ngành điện, cây xanh cứ trồng, điện lực cứ cắt. Không ra thể thống gì cả!", bạn đọc Hùng viết.
"Giờ chọn giữ cây thì phải ngầm hóa đường dây điện, hoặc phải cắt tỉa làm sao để cây không chạm vào dây điện" - bạn đọc Trương Kiệt nói thêm.
Và theo bạn đọc Võ Thị Thu Thủy: "Muốn như vậy chỉ có cách ngầm hóa dây điện, dây cáp viễn thông... thôi. Chứ cứ ông cây xanh thì trồng, ông điện lực thì cắt, tội cho thân cây quá, không phát triển nổi".
Đoạn đường có cây xanh vừa bị cắt tỉa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Tác giả: Trường Trung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ