Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Không chủ quan với mưa lũ sau bão

Chiều qua (19-9), bão số 4 đã đổ bộ vào hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Sau khi vào đất liền, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.

Tuy nhiên, những nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 4 vẫn còn và sẽ gây thiệt hại nếu người dân và chính quyền chủ quan, lơ là.

Đáng lo ngại là trận bão số 4 này mang theo lượng mưa rất lớn, tập trung ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến 100-250mm, cục bộ có nơi hơn 400mm. Trong đó có thể sẽ có mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Với dự báo trên thì lượng mưa do bão số 4 cũng gần bằng lượng mưa do bão số 3 đã gây ngập lụt khắp các tỉnh miền Bắc.

Thực tế những năm qua cho thấy, thiệt hại về người và tài sản do gió, lốc trong bão thường không lớn bằng những thiệt hại do mưa lũ sau bão. Địa hình các tỉnh ven biển miền Trung hẹp và có độ dốc lớn nên lũ thường tới rất nhanh, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với các phương án bảo đảm an toàn ở những nơi xung yếu, nguy cơ cao thì thiệt hại sẽ khó lường.

 Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 gây ngập ngầm tràn ở xã Ba Tầng, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN 

Với cơn bão số 4 lần này, khi còn là áp thấp nhiệt đới, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo công tác phòng, chống. Các địa phương cũng đã chuẩn bị phòng, chống bão khá chủ động, tích cực. Tàu, thuyền trên biển được Bộ đội Biên phòng thông báo và kêu gọi di chuyển vòng tránh, vào nơi tránh trú từ sớm. Người dân chủ động đưa tàu vào trong sông neo đậu, thậm chí đưa tàu cá lên bờ để tránh bị hư hại do sóng biển. Công tác chằng, chống nhà cửa nhìn chung được thực hiện cẩn thận...

Thiên tai ngày càng khó lường, nên việc cẩn trọng bao nhiêu trong ứng phó với thiên tai cũng không thừa. Trong đó, vai trò, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng là vô cùng quan trọng. Ngay trong bão số 3 vừa qua, nhờ tinh thần trách nhiệm cao, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường nên anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã vận động người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, giữ an toàn cho 115 người dân khỏi trận sạt lở núi. Cũng nhờ tinh thần trách nhiệm cao, sự chủ động mà các đơn vị Quân đội và lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ di chuyển người dân khỏi nơi xung yếu, nguy hiểm, hộ đê trong các tình huống khẩn cấp.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và bão số 4 gây ra, chính quyền các địa phương cần đánh giá đúng tình hình, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ di dời các hộ dân khỏi những nơi nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, ngập sâu trong lũ. Ở những vị trí ngầm tràn trên sông suối, cầu yếu, cần có lực lượng canh trực ngăn không cho người vượt qua khi đang có lũ.

Tuy nhiên, ý thức của từng người dân vẫn có tính quyết định trong việc giảm rủi ro của bão, lũ. Ngay trong bão số 3 vẫn có không ít trường hợp người dân chủ quan di chuyển cả khi bão đang đổ bộ dẫn tới thiệt mạng một cách đầy đau xót. Trong những năm qua, đã có không ít người dân tử vong do cố vượt suối hoặc đi vớt củi, đánh cá trên sông, suối khi lũ đang về. Cùng với đó, bão suy yếu nhưng biển còn động, nên nếu ngư dân vội vàng ra biển thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Bão số 3 đã gây quá nhiều đau thương cho nhân dân và chính quyền các tỉnh miền Bắc. Trong lúc này, chúng ta đều cầu mong khúc ruột miền Trung không phải chịu đau thương, tổn thất bởi bão số 4 và mưa lũ sau bão. Muốn vậy thì ý thức, sự tập trung cao độ của các cấp chính quyền và từng người dân trong phòng, chống bão, lũ là vô cùng quan trọng.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: qdnd.vn