Bầu cử Chủ tịch đảng cầm quyền Nhật Bản và những điều “xưa nay hiếm”
- 15:54 16-09-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong đó, bầu cử Chủ tịch LDP được đặt sâu vào tầm ngắm của dư luận và giới quan sát – phân tích chính trị hơn cả, với lý do bề nổi là tân chủ tịch của đảng này sẽ đồng thời là tân thủ tướng của Nhật Bản. Tuy nhiên, còn một lý do sâu xa hơn, đó là những điểm đặc biệt, chưa từng có từ trước đến nay của cuộc bầu cử này.
Bầu cử Chủ tịch đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản với nhiều điều chưa từng có (Ảnh: VOV Tokyo) |
Hoàn cảnh ảm đạm
Bầu cử Chủ tịch LDP diễn ra trong bối cảnh đảng này đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: lòng tin suy yếu do các vụ bê bối liên quan tới chi phí cho các hoạt động chính trị, được gọi là “quỹ chính trị”, của một số chính trị gia trong đảng, tỷ lệ ủng hộ giảm sút, nguy cơ mất ghế trong bầu cử Hạ viện nhiệm kỳ tới tăng cao, các đảng đối lập đang có những bước quyết liệt nhằm giành chính quyền...
Bối cảnh này còn phức tạp thêm với yếu tố bất ngờ là đương kim Chủ tịch đảng - Thủ tướng Kishida Fumio đột ngột tuyên bố không tham gia tranh cử và sẽ thôi chức vụ thủ tướng ngay sau khi LDP có Chủ tịch mới. Ngoài ra, yếu tố bất khả kháng là thiên tai chồng chất cũng tạo ra những bất lợi không nhỏ cho LDP, song song với việc trong nội bộ đảng vẫn còn tồn tại các phe phái, làm yếu đi sức mạnh tổng thể.
Có thể nói, bầu cử lần này, tuy là việc không thể không làm của LDP, nhưng thiếu vắng nhiều điều kiện cần và đủ cả về “thiên thời” lẫn “địa lợi” và “nhân hòa”.
Những điều “xưa nay hiếm”
Cuộc bầu cử này cũng hàm chứa nhiều điều chưa từng có từ trước đến nay, gây ngạc nhiên và tranh cãi trong dư luận cũng như trong giới quan sát - phân tích chính trị. Thứ nhất, đây là cuộc bầu cử có số ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử cao nhất với 9 người. Con số này vượt xa số 5 ứng cử viên của năm 1972. Theo giới phân tích chính trị, điều này cho thấy trong nội bộ LDP vẫn đang tồn tại một cách dai dẳng sự thiếu tập trung quyền lực và sự phân tán nhất định trong các đảng viên, mặc dù đương kim Chủ tịch đảng - Thủ tướng Kishida đã nhiều lần yêu cầu giải tán các phe phái, để không còn phái mạnh, phe yếu, mà chỉ còn một đảng Tự do Dân chủ thống nhất, đầy sức mạnh.
Điều này còn dẫn tới một sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ứng viên, không chỉ về tranh luận chính sách hay tập trung phiếu, mà còn cả trong khâu vận động để có đủ người tiến cử. Bởi vì, theo quy định, để có đủ điều kiện tranh cử, mỗi ứng cử viên cần ít nhất 20 người tiến cử, trong khi số người có đủ điều kiện để tiến cử người khác chỉ có 367 người và 1 người không có quyền giới thiệu nhiều người ứng cử.
Thứ hai, bầu cử lần này có tới 2 ứng cử viên nữ và cả hai đều là những chính trị gia tên tuổi. Nếu như bà Takaichi Sanae - Bộ trưởng An ninh kinh tế được đánh giá cao về những biện pháp phục hồi tăng trưởng, duy trì ổn định khi Nhật Bản chuyển từ mô hình kinh tế thiểu phát sang mô hình kinh tế tăng trưởng mới, thì bà Kamikawa Yoko lại được biết tới về đường lối ngoại giao hiệu quả với nhiều thành tựu như: cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện của Nhật Bản tại nhiều khu vực quan trọng trên thế giới...
Cả hai bà đều tỏ rõ quyết tâm thắng cử một cách mạnh mẽ. Góc độ này còn cho thấy cách nghĩ truyền thống của Nhật Bản về nữ quyền và trao quyền cho phụ nữ đã có những thay đổi lớn, đồng thời tạo ra một cơ hội, dù thấp dù cao, để Nhật Bản có một nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.
Thứ ba, đây là lần đầu tiên có 2 ứng cử viên trẻ, dưới 50 tuổi. Đó là nguyên Bộ trưởng An ninh Kinh tế Kobayashi Takayuki (49 tuổi) với 4 lần trúng cử Hạ viện, và nguyên Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro (43 tuổi) với nhiệm kỳ Hạ nghị sĩ thứ 5 liên tiếp. Hai ông đều được đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ về cách nghĩ đột phá, đầy sức trẻ, khát vọng cải cách.
Đặc biệt, ông Koizumi còn được biết tới về truyền thống gia đình, khi có người cha danh giá là nguyên thủ tướng Koizumi Jyunichiro. Trong một loạt các cuộc điều tra dư luận do các cơ quan báo chí uy tín hàng đầu của Nhật Bản tiến hành gần đây, tỷ lệ ủng hộ của ông Koizumi có thời điểm vượt qua cả “bậc cha chú” là ông Ishiba Shigeru. Từ trước đến nay, kết quả các cuộc điều tra này thường trùng khớp với kết quả bỏ phiếu thực tế. Theo đó, sự có mặt của ông Koizumi đang khiến cuộc chạy đua giành ghế Chủ tịch LDP trở thành cuộc rượt đuổi sát sao của hai thế hệ, và nếu kết quả các cuộc điều tra hiện nay giống với tiền lệ, khả năng để Nhật Bản có một thủ tướng dưới 50 tuổi là không thấp.
Cơ hội không của riêng ai
Ba yếu tố trên lại tạo ra một điều “xưa nay hiếm” thứ tư. Đó là sự san sẻ cơ hội, không chỉ về mặt thế hệ mà cả về giới tính. Nếu như trước đây, chức vụ chủ tịch LDP, đồng thời là thủ tướng Nhật Bản, chỉ tập trung vào các chính khách lão luyện, tuổi tác thì nay cơ hội được trao cho cả phụ nữ và thanh niên. Vấn đề ở đây là các ứng viên nữ và ứng viên trẻ có tận dụng được cơ hội hay không. Câu trả lời sẽ có vào hôm 27/9 tới, khi kết quả bầu cử Chủ tịch LDP 2024 được công bố.
Tác giả: Tuấn Nhật
Nguồn tin: vov.vn