Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đảm bảo thực hiện lộ trình tắt sóng 2G chuyển đổi sang 4G

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lộ trình dừng công nghệ thu phát sóng 2G sẽ được thực hiện theo 2 thời điểm. Từ sau ngày 15/9/2024 sẽ chính thức dừng sóng 2G trên đất liền.

 Điện thoại smartphone 4G bày bán tại một hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Các thuê bao di động 2G lắp trên máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G-Only) sẽ không thể nghe, gọi, nhắn tin (trừ khu vực đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK vẫn sử dụng 2G). Tiếp theo, đến tháng 9/2026 Việt Nam sẽ dừng hoàn toàn hệ thống công nghệ 2G trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Yagi và mưa lũ sau bão, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định kéo dài thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ 2G-Only đến ngày 15/10/2024.

Thêm trải nghiệm, tiện ích khi chuyển từ 2G sang 4G

Trong xu hướng phát triển của công nghệ, thiết bị, khi chuyển đổi từ công nghệ 2G sang 4G, người dùng có thêm cơ hội trải nghiệm nhiều dịch vụ, tiện ích hơn. Với thiết bị điện thoại có kết nối 4G, mọi người có thể tham gia dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp cận thông tin cũng như trải nghiệm nhiều dịch vụ khác trên internet.

Tính đến tháng 6/2024, trên thế giới có khoảng 37 quốc gia, với 149 nhà mạng viễn thông đã tắt sóng hoàn toàn mạng 2G. Tại Việt Nam, các nhà mạng cũng tắt sóng 2G và nhanh chóng phủ rộng mạng 4G để thúc đẩy viễn thông phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng gia tăng của đời sống kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên công nghệ.

Trước đây, chị Nguyễn Kim Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng song song 2 điện thoại. Một máy điện thoại 2G chủ yếu để nghe gọi trong công việc giao dịch, bán hàng vì máy nhỏ, gọn, pin khỏe. Đồng thời, chị Dung sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có cài đặt các ứng dụng ngân hàng, bảo hiểm, định danh, ứng dụng mua sắm, trò chơi, mạng xã hội... Việc dùng 2 điện thoại như vậy vừa tránh cho smartphone nhanh hết pin, vừa đảm bảo được bảo mật cho thiết bị và ứng dụng. Cuối tháng 8/2023, được nhà mạng hỗ trợ chi phí hợp lý, thủ tục thuận tiện, chị Dung đã chuyển đổi điện thoại “cục gạch” 2G sang điện thoại 4G feature phone.

Theo chia sẻ của bà Trần Thị Phượng (70 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), điện thoại 4G cũng có nhiều loại có thiết kế tương tự như điện thoại 2G. Bàn phím dễ bấm, màn hình hiển thị chữ to dễ đọc, pin dùng được 5-7 ngày. Do đó, việc chuyển đổi điện thoại từ 2G sang 4G không ảnh hưởng gì đến thói quen dùng điện thoại của bà Phương. “Tôi được nhân viên cửa hàng hướng dẫn làm SIM điện thoại, chuyển đổi danh bạ. Về nhà tự tìm hiểu, nghiên cứu, tôi thấy sử dụng điện thoại 4G cũng đơn giản”, bà Phượng cho biết.

Việc đổi từ điện thoại 2G sang 4G đã được các đơn vị bán, cung cấp điện thoại di động thực hiện trong nhiều tháng qua. Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc kinh doanh dịch vụ của chuỗi cửa hàng Thế giới di động cho biết, khi chuyển từ điện thoại 2G sang 4G, khách hàng có 2 lựa chọn. Chuyển dùng dòng điện thoại cơ bản (feature phone) 4G hoặc chuyển sang dùng điện thoại thông minh (smartphone). Mọi yêu cầu của khách hàng đều được chúng tôi đáp ứng, đảm bảo chiến dịch tắt 2G không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ông Hoàng Ngọc Minh (chuỗi cửa hàng điện thoại Di động Việt) chia sẻ, với những người chuyển sang dòng điện thoại thông minh, các cửa hàng đều có sẵn sản phẩm smartphone 4G, 5G giá ở phân khúc thấp (từ khoảng 1 đến 5 triệu đồng/chiếc) và các dòng điện thoại cao cấp hơn, đắt tiền hơn. Ngay cả nhóm nữa doanh nhân sử dụng những sản phẩm điện thoại Vertu 2G (có giá thành từ vài chục đến vài trăm triệu đồng) cũng chuyển sang dùng sản phẩm Vertu chính hãng có sóng 4G tại Việt Nam.

Phối hợp nhiều giải pháp đảm bảo tắt sóng 2G

Chủ trương tắt sóng 2G được các chuyên gia công nghệ viễn thông khẳng định là phù hợp với xu thế trên thế giới. Việc khai thác các mạng sử dụng công nghệ lỗi thời (2G đã 30 năm tuổi, 3G khoảng 20 năm tuổi) làm tăng mức tiêu hao năng lượng trên hệ thống cũng như làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nhiều cơ sở sản xuất trên thế giới đã dừng sản xuất thiết bị 2G nên sẽ không còn linh kiện thay thế và sửa chữa khi thiết bị 2G bị hỏng.

Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi từ thuê bao 2G lên 4G. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết, ngay khi Cục Viễn thông quyết liệt triển khai tắt sóng 2G, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam đã bắt tay, phối hợp thực hiện. Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, tỷ lệ khách hàng dùng 2G giảm rất nhanh. Người dùng không chỉ được hỗ trợ chuyển đổi thiết bị, còn được hỗ trợ gói cước (Data) khi tham gia trải nghiệm 4G. Trong quá trình MobiFone tắt các trạm phát sóng 2G, đơn vị cũng tăng cường vùng phủ sóng 4G nên về cơ bản, khách hàng không có phản hồi tiêu cực.

Việc dừng công nghệ 2G là điều kiện để người dân có thêm cơ hội sử dụng các dịch vụ thông minh hơn, tham gia vào hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ, thực hiện kết nối trong xã hội số, kinh tế số, như: thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiếp cận thông tin, trải nghiệm các tính năng của thiết bị thông minh có kết nối internet. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhằm hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và thành thị có thể chuyển sang thiết bị 4G, các nhà mạng viễn thông liên tục triển khai các chính sách như: Giảm giá gói cước, hỗ trợ đổi, mua mới thiết bị…

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) chia sẻ: Từ 1/7/2024, Viettel không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G. Viettel cũng đưa ra các chính sách rất mạnh về sản phẩm, thiết bị và dịch vụ các gói cước miễn phí cho khách hàng. Đặc biệt, Viettel có chương trình giảm giá máy từ 30% đến 100% cho các đối tượng tùy vào khu vực nông thôn, thành thị, đồng thời nỗ lực đảm bảo vùng phủ 4G tương đương với 2G để tất cả thuê bao chuyển đổi sang 4G hoạt động tốt.

Tính đến 8/9, Việt Nam vẫn còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G-Only. Trong tuần qua, nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng về thông tin liên lạc do cơn bão số 3 và tình hình mưa, ngập lụt sau bão. Khi cơn bão qua đi, nước bắt đầu rút, các doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực triển khai hạ tầng mạng 4G. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc điều chỉnh thời điểm tắt sóng 2G là để các nhà mạng có thêm thời gian vừa dành nguồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và tình hình lũ lụt sau bão. Đồng thời, nhà mạng và các đơn vị cung cấp thiết bị có thêm thời gian hỗ trợ người dân chuyển đổi máy điện thoại 4G cho các thuê bao 2G-Only, đặc biệt là thuê bao ở vùng sâu, vùng xa và những tỉnh, thành phố ảnh hưởng của bão.

Với chủ trương phát triển hạ tầng viễn thông của Việt Nam là đảm bảo đến năm 2025 đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G theo Quyết định 816/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (ngày 18/5/2024) về kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025). Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao các nỗ lực hỗ trợ người dân trong quá trình tắt sóng 2G cũng như những nỗ lực trong việc khôi phục hệ thống mạng lưới viễn thông trong tuần qua của các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết, thời gian tới, đơn vị tăng cường lắng nghe các ý kiến của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, xây dựng mạng lưới đảm bảo cung cấp dịch vụ, để đảm bảo các thuê bao di động có cơ hội sử dụng công nghệ mới; cùng chung tay với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng mạng viễn thông hiện đại, an toàn.

Tác giả: Ngọc Bích

Nguồn tin: bnews.vn