Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khoảng 22h đêm 6-9 bão số 3 vào vịnh Bắc Bộ, gió mạnh cấp 14-15, giật cấp 17

Dự báo khoảng 22h đêm 6-9, bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ, gió mạnh cấp 14-15 và vẫn duy trì gió giật cấp 17. Bão số 3 duy trì cường độ siêu bão hơn 1 ngày là chưa từng có trên biển Đông.

 Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - trao đổi với báo chí về diễn biến bão số 3 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngoài gió mạnh, bão số 3 gây mưa tập trung trong thời gian ngắn nên dễ ngập lụt

Ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết như vậy khi thông tin nhanh về diễn biến bão số 3 với báo chí lúc 16h chiều 6-9.

Theo ông Khiêm, chiều 6-9 bão số 3 đã tiến sát bờ biển phía Đông Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Thời điểm này, vị trí tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.

Do bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h nên dự kiến khoảng 22h đêm 6-9 bão đi vào vịnh Bắc Bộ. Lúc này bão giảm khoảng 2 cấp nhưng vẫn duy trì gió mạnh cấp 14-15 (giảm 2 cấp sau khi qua đảo Hải Nam) và vẫn còn gió giật cấp 17.

Dù vị trí tâm bão số 3 cách Quảng Ninh 450km nhưng với sức mạnh của siêu bão, chiều 6-9 bão đã gây gió mạnh cấp 6 tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Khi bão đi vào vịnh Bắc Bộ, dự kiến khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) là nơi có gió mạnh đầu tiên. Tiếp đó là một số nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh trước khi bão đi sâu vào đất liền.

Dự báo từ tối và đêm 6-9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17.

Ngoài gió mạnh, dự báo từ đêm 6 đến sáng 7-9 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn 100-300mm, có nơi 500 mm. Trọng tâm mưa lớn tập trung trong ngày và đêm 7-9 tại Đông Bắc Bộ, từ ngày 7 đến đêm 8-9 tại Tây Bắc Bộ.

"Hình thế mưa do bão nhiệt đới thường diễn ra tập trung nên lượng mưa 200-300mm xảy ra tập trung trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng khả năng thoát nước của các công trình thoát nước, dễ gây ngập úng tại đô thị", ông Khiêm lưu ý.

Khi mưa do bão mở rộng ra khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực xung yếu. Theo ông Khiêm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất không chỉ xảy ra trong bão mà kéo dài sau khi bão qua một hai ngày nên phải rất cảnh giác.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo khu vực trọng tâm chịu tác động gió mạnh trên đất liền là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với sức gió cấp 10 đến cấp 12, giật cấp 14.

Sức gió này tàn phá rất lớn làm đổ cây cối, nhà cửa không kiên cố. Do vậy ông Khiêm lưu ý trong phòng chống thiên tai cần sẵn sàng ứng phó với cấp độ cao hơn mức gió dự báo để đảm bảo an toàn các công trình.

Mưa dông tại Hà Nội và các tỉnh chưa phải mưa trực tiếp từ bão số 3

Ông Khiêm cho biết từ đêm 5 và ngày 6-9 đã xuất hiện mưa dông tại một số khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, các trận dông này chưa phải là ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3.

 Trận dông chiều 6-9 làm cây đổ trên phố Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội) khiến 1 người chết, 1 người bị thương - Ảnh: NGUYỄN ĐỊNH


Lý do, trong hoàn lưu bão có nhiều xoắn mây được tổ chức khác nhau. Bão số 3 có hoàn lưu rất rộng, ngoài vùng lõi của bão, phía rìa hay xuất hiện hệ thống mây đối lưu gây các trận mưa dông nói trên.

Hình thế mưa dông này có gió mạnh nhưng các trận mưa rời rạc, không liên tục. Tuy nhiên, cường độ gió trong các trận dông, lốc này có khi ngang bằng cơn bão, làm đổ cây cối.

"Bão số 3 chưa ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta nhưng với cường độ mạnh, hoàn lưu rộng đã gây mưa dông, lốc xoáy xuất phát từ các ổ mây dông do hoàn lưu bão. Các ổ mây này gây dông với gió rất mạnh có thể ngang bằng gió bão", ông Khiêm giải thích.

Với Hà Nội, ông Khiêm nhận định bão số 3 có thể gây gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Hà Nội cũng là khu vực trọng tâm của mưa bão, liên tục và nhiều hơn trong ngày và đêm 7-9.

Đội ngũ dự báo viên của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang theo dõi diễn biến bão số 3 trong chiều 6-9 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bão số 3 duy trì cường độ siêu bão hơn 1 ngày là chưa từng có trên biển Đông

Theo thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Sau đó bão đi vào biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm khi có bão hình thành siêu bão ngay trên biển Đông.

Theo thống kê của cơ quan này chưa có cơn bão nào đi vào biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão (cấp 16). Chỉ có hai cơn bão đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào biển Đông đạt cấp siêu bão nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta, cụ thể:

Cơn bão RAI (bão số 9) tháng 12-2021 đạt cấp 16 trên biển Đông, hướng vào miền Trung sau đi vòng lên, sau tan dần trên Bắc biển Đông. Cơn bão này đạt cấp 16 vào hai thời điểm trong ngày 18 và 19-12- 2021.

Cơn bão SAOLA ( bão số 3) vào cuối tháng 8 đầu tháng tháng 9-2023 đạt cấp 16 trên khu vực biển Đông đi vào phía nam Trung Quốc rồi tan dần và không ảnh hưởng đến nước ta. Bão đạt cấp siêu bão trong vòng 12 tiếng từ đêm 30 đến sáng 31-8-2023.

Tuy nhiên, bão số 3 cũng có quá trình mạnh lên rất nhanh, từ cấp 8 thời điểm vào biển Đông (ngày 2-9), hơn hai ngày sau bão đã mạnh thêm tới 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày 5-9. Theo ông Khiêm, điều này cũng tương đối hiếm gặp đối với bão trên biển Đông.

Bão số 3 có thời gian duy trì cường độ siêu bão hơn một ngày là hiếm thấy, chưa có trong danh sách các cơn bão từng xuất hiện ở biển Đông.

 

Tác giả: Tuấn Phùng 

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ