Các địa phương miền núi Nghệ An vượt khó, sẵn sàng đón năm học mới
- 20:49 02-09-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tổng dọn vệ sinh, sẵn sàng cho năm học mới 2024-2025. |
Đặc biệt, để bảo đảm trẻ đến trường đúng độ tuổi, học sinh sau kỳ nghỉ hè đến lớp đầy đủ, các trường, địa phương đều tích cực thành lập Tổ vận động, trực tiếp đến từng gia đình vận động các em đến trường.
Sẵn sàng cơ sở vật chất
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh, huyện Tương Dương, công tác chuẩn bị cho năm học mới được thầy cô cùng chính quyền địa phương rất quan tâm. Từ đầu tháng 8, các thầy cô đã trả phép, trở lại trường bắt tay vào việc tổng dọn vệ sinh, chuẩn bị trường lớp. Dù được đánh giá là trường có điều kiện thuộc loại khá của huyện nhưng hiện nay cơ sở vật chất của trường vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng của trường cho biết, trong số 370 học sinh có 334 em tham gia bán trú, nhưng hiện tại trường chỉ có 21 phòng ở, bình quân 16-17 em/phòng. Các công trình vệ sinh được xây dựng từ lâu, được cải tạo nhiều lần nhưng đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của các em. Dù rất khó khăn nhưng nhà trường đã sắp xếp thêm giường, học sinh được tập trung từ sớm để phổ biến nội quy, quy định sẵn sàng cho năm học mới.
Là trường thuộc diện xa và khó khăn nhất của huyện Tương Dương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nhôn Mai có một điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ với tổng 484 học sinh. Riêng điểm trường chính có 396 học sinh, trong đó có 270 em tham gia bán trú. Để đảm bảo nhu cầu của học sinh trong năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, trường đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất đủ đáp ứng số lượng học sinh bán trú tăng thêm. Đặc biệt, năm học này, nhà trường được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 4 phòng học tại điểm trường chính, nâng tổng số lên 13 phòng, đáp ứng việc học một buổi cho học sinh.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tổng dọn vệ sinh, sẵn sàng cho năm học mới 2024-2025. |
Thầy giáo Vũ Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nhôn Mai cho biết, từ giữa tháng 8, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh vận chuyển bàn ghế ở các điểm trường lẻ vừa sáp nhập về điểm chính. Bàn ghế hư hỏng được tận dụng để đóng thành sạp cho các em nằm. Để có đủ phòng nội trú cho học sinh, nhà trường còn tận dụng cải tạo ngôi nhà gỗ trong khuôn viên trường. Ngoài bảo đảm cơ sở vật chất, trường tập trung nâng cao chuyên môn cho giáo viên. Tất cả cán bộ, giáo viên đều được tham gia các buổi tập huấn về hướng dẫn dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số, trước khi vào lớp 1; tập huấn về nhiệm vụ bậc Tiểu học...
Tích cực vận động học sinh đến trường
Sau mỗi kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè, công tác vận động học sinh đến lớp được các trường, chính quyền địa phương miền núi Nghệ An chú trọng. Ngay khi kết thúc kỳ nghỉ hè, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới, bên cạnh việc tổng vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nhiệm vụ quan trọng của các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là thống kê, lên danh sách, tìm phương án vận động đối với từng trường hợp có nguy cơ bỏ học.
Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đến nhà vận động các em học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ hè. |
Theo chân cô giáo Hoàng Thị Nhâm (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ), chúng tôi đến thăm gia đình em Vi Thị An Hòa, học sinh lớp 8. Trong căn nhà gỗ cũ, xuống cấp, không có đồ dùng gì giá trị, 3 chị em Hòa sống cùng bà nội. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng khi được các thầy cô vận động, cả 3 em đều hứa sẽ tiếp tục đến lớp.
Em Vi Thị An Hòa chia sẻ, được các cô thầy quan tâm, giúp đỡ, em cảm thấy rất vui, sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, có kết quả tốt để không phụ lòng bà nội, bố mẹ, thầy cô.
Cô giáo Hoàng Thị Nhâm cho biết, đây là địa phương miền núi, hầu hết là đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái… điều kiện kinh tế nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế khiến công tác vận động học sinh đến trường không dễ. Các em ở đây chủ yếu đều ở với ông bà, bố mẹ đi làm ăn xa nên thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc. Không ít trường hợp thầy cô, cán bộ địa phương đến vận động 2-3 lần, các em mới chịu đến trường. Một số em sau thời gian đến trường thì nảy sinh tâm lý nản, bữa học, bữa không. Những trường hợp này đòi hỏi thầy cô phải kiên trì, không chỉ vận động các em mà phải cố gắng thay đổi tư duy của phụ huynh để từ đó thay đổi nhận thức các em.
Thầy giáo Lê Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Cạ thông tin, để chuẩn bị cho năm học mới công tác đưa học sinh trong độ tuổi đến trường được nhà trường ưu tiên thực hiện. Các giáo viên được phân công đến từng gia đình có con trong độ tuổi đến trường vận động phụ huynh đưa các em đến lớp. Hiện, toàn bộ 52 em trong độ tuổi đã đến trường. Riêng ở bậc Trung học cơ sở, một số em do không có bố mẹ bên cạnh nên thiếu sự quan tâm, nhà trường đã phân công các giáo viên phụ trách từng bản, trực tiếp cùng chính quyền địa phương vận động các em đến trường. Khó khăn nhất vẫn là những trường hợp theo bố mẹ vào miền Nam đi làm việc. Toàn trường hiện có khoảng 80% học sinh đến lớp.
Để vận động học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ hè, UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã thành lập 5 tổ tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh. |
Theo ông Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, năm học 2024-2025, huyện có 70 trường với gần 24.000 học sinh. Công tác vận động học sinh đều được các trường, địa phương chú trọng triển khai. Khác với dịp sau các kỳ lễ dài ngày, sau kỳ nghỉ hè, tình trạng học sinh nghỉ học để kết hôn đều không có, chủ yếu các em đang học các bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông theo bố mẹ đi làm ăn xa nên chậm về nhập học. Vì vậy, việc vận động các em quay trở lại học được các trường triển khai rất quyết liệt. Một khó khăn nữa là hiện tại toàn huyện còn thiếu gần 200 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ và Tin học, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, bố trí giáo viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết các nhà trường đã chủ động khắc phục, sẵn sàng đón học sinh bắt đầu năm học mới.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị về việc tăng cường các biện pháp huy động học sinh đến trường, chống học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ hè cũng như chủ động khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất. Vượt lên khó khăn, đến nay các trường học trong tỉnh cũng như tại các huyện miền núi đã sẵn sàng đón năm học mới. Trước tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học, tỉnh Nghệ An đang đề xuất Trung ương cho phép bổ sung thêm khoảng 7.000 biên chế giáo viên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Tác giả: Văn Tý
Nguồn tin: Báo Tin tức