Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu trưởng làm đúng nguyên tắc thì dạy thêm, học thêm sẽ được kiểm soát tốt

Dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khá chặt chẽ tại dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm, học thêm. Giáo viên khó có thể dạy thêm tràn lan nếu hiệu trưởng làm đúng nguyên tắc dạy thêm, học thêm theo quy định.

 Nếu giáo viên (bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó mỗi nhà trường làm trái quy định về việc dạy thêm, học thêm thì việc kiểm tra xử lí không phải là chuyện dễ. Minh hoạ: pexels

Dạy thêm, học thêm phải theo nhu cầu của học sinh

Thứ nhất, dạy thêm, học thêm trong nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khá chặt chẽ.

Theo đó, khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý thì tổ chuyên môn phải báo cáo hiệu trưởng.

Cụ thể, tổ chuyên môn phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.

Có thể thấy rằng, học sinh tham gia học thêm thường có hai lí do chính: phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân hoặc phục vụ cho các kì thi, ví dụ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển vào đại học.

Nếu hiệu trưởng nhận thấy lí do học thêm của học sinh không chính đáng, ví dụ, các em đi học để được thầy cô nâng đỡ hoặc có điểm học bạ "đẹp" (dĩ nhiên hiệu trưởng phải có khả năng phân tích, dự báo) thì lãnh đạo trường học có quyền từ chối đề xuất của tổ chuyên môn.

Cùng với đó, khoản 4 Điều 4 có nội dung quy định (trích): "Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm".

Theo quy định này, học sinh có nhu cầu học thêm có quyền được yêu cầu về sĩ số lớp học; được chọn giáo viên giảng dạy; được yêu cầu xếp thời khoá biểu hợp lí.

Nếu hiệu trưởng phân công giáo viên không đúng theo nguyện vọng của học sinh thì các em có thể không tham gia học thêm ở trong trường mà có quyền đi chỗ khác, tìm giáo viên khác.

Thứ hai, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nếu họ thực hiện đúng quy định, cũng là nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư.

Theo đó, hiệu phó tham gia dạy thêm thì phải báo cáo hiệu trưởng; còn hiệu trưởng tham gia dạy thêm thì phải báo cáoPhòng/Sở Giáo dục và Đào tạo tuỳ theo từng cấp học.

Nếu lãnh đạo nhà trường dạy giỏi, có uy tín, học sinh sẽ tham gia học thêm và rất có lợi cho các em. Ngược lại, nếu họ không đáp ứng được yêu cầu của học sinh thì các em cũng sẽ tìm học ở thầy cô khác, trung tâm khác.

Hơn nữa, theo khoản 5 Điều 11 dự thảo Thông tư, hiệu trưởng tham gia dạy thêm (nếu có) là người được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt kết quả đánh giá chuẩn hiệu trưởng ở mức tốt của năm học kề trước. Nghĩa là lãnh đạo tham gia dạy thêm sẽ không ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp loại viên chức cuối năm.

Đôi điều băn khoăn về thanh kiểm tra và xử lí vi phạm dạy thêm, học thêm trái quy định

Tuy vậy, điều đáng băn khoăn, nếu giáo viên (bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó) làm trái quy định về việc dạy thêm, học thêm thì việc kiểm tra xử lí không phải là chuyện dễ.

Minh chứng là, không ít giáo viên làm trái Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm), ví dụ "ép" học sinh học thêm, nhưng có mấy giáo viên bị xử lí. Giáo viên "ép" học sinh học thêm là có nhưng để tìm ra minh chứng để xử lí là rất khó vì chỉ căn cứ vào lời nói của giáo viên, học sinh.

Ngoài ra, Điều 14 quy định: "Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định."

Thiết nghĩ, quy định "sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật" vẫn còn chung chung, chưa mang tính răn đe.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giữ lại khoản 1 Điều 22 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về xử lí vi phạm dạy thêm, học thêm.

Theo đó, "Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định."

Tác giả: Ly Hương

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn