Cô gái đầu tiên ở xã biên giới Nghệ An đỗ Đại học Y Hà Nội
- 09:33 26-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tri Lễ là xã biên giới thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào). Cả xã có 16 bản làng của người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh.
Bản Kẽm Đôn - nơi gia đình Thảo sinh sống, mấy hôm nay rộn ràng khi biết tin nữ sinh trúng tuyển vào ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội, phân hiệu tại Thanh Hóa với 25,95 điểm, cộng cả điểm ưu tiên là 27,3.
Theo ông Lữ Văn Cương, Phó chủ tịch xã Tri Lễ, Thảo là người đầu tiên của xã đỗ Đại học Y Hà Nội, lại là ngành "hot" bác sĩ đa khoa - niềm mơ ước của nhiều thí sinh. Trước đó, hàng năm xã cũng có vài em đỗ đại học nhưng hiếm khi đạt điểm cao để vào các trường tốp đầu.
Vi Thị Thảo ở nhà. Ảnh: Hùng Lê |
Bản Kẽm Đôn có hơn 60 hộ người Thái. Đường sá nơi đây nhỏ hẹp, nhiều dốc dựng đứng, đi ra trung tâm huyện Quế Phong phải mất 2-3 tiếng chạy xe máy. Trẻ em học hết lớp 9 trong bản hầu hết đi làm công nhân, đến nay mới có 4 người vào đại học.
Thảo là chị cả, dưới còn hai em. Bố mẹ Thảo chủ yếu làm ruộng, thuộc diện hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Sống trong cảnh thiếu thốn, nhiều lúc chậm tiền học phí, những năm THCS, Thảo cũng từng định hết lớp 9 sẽ nghỉ để đi làm thuê, nhường cơ hội cho các em.
Dự tính của Thảo bị thầy giáo chủ nhiệm phát hiện. Thảo nhớ thầy nói nếu em nghỉ học, bố mẹ sẽ càng khổ hơn. Thay vào đó, Thảo cần phấn đấu học thật tốt để sau này đỡ đần gia đình, làm gương cho các em.
"Lời khuyên ấy là bước ngoặt thay đổi suy nghĩ, từ đó em đặt mục tiêu phải vào đại học", Thảo nhớ lại. Học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Toán, những năm học Tiểu học và THCS Thảo đều đạt học sinh xuất sắc.
Năm 2021, khi thi đỗ trường Phổ thông dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, Thảo vượt hơn 200 km từ huyện Quế Phong xuống TP Vinh học, ở lại ký túc xá, mỗi năm chỉ về thăm nhà 2-3 lần.
Ngôi nhà sàn của gia đình Thảo ở bản Kẽm Đôn. Ảnh: Hùng Lê |
Từ nhỏ, thấy ông bà thường xuyên đau ốm, phải nằm viện điều trị dài ngày nên Thảo ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho người thân, giúp đỡ bản làng.
Được thầy giáo dạy Sinh nhận thấy tố chất, khuyên nên theo ngành Y, Thảo có động lực cố gắng hơn. Nữ sinh định hướng học tổ hợp khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và B00 (Toán, Hóa, Sinh) từ lớp 10. Cách học của Thảo là tập trung tiếp thu kiến thức thầy cô dạy trên lớp, về ký túc xá tự ôn luyện, không đi học thêm.
Ba năm tại trường Phổ thông dân tộc nội trú số 2 Nghệ An, Thảo luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Năm lớp 12, được trường chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý nhưng Thảo xin không tham gia, bởi sợ tập trung cho kỳ thi sẽ mất cân bằng với các môn khác.
Thảo cho hay giai đoạn cảm thấy lo lắng nhất là tháng 6, khi đạt kết quả không như mong muốn trong các đợt thi thử của nhà trường. Em sau đó cật lực ôn luyện, có những hôm gần 2h mới ngủ. Những lúc căng thẳng nữ sinh thường ra thư viện đọc sách để giải tỏa áp lực.
Thảo (góc trái) chụp ảnh kỷ yếu với bạn cùng lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thảo đạt 26,1 điểm khối A00; khối B00 là 25,95.
Dù theo đuổi ước mơ làm bác sĩ nhưng Thảo rất nhiều băn khoăn. Gia đình nghèo, sợ không kham nổi học phí cùng các chi phí, vì thế Thảo đặt nguyện vọng vào Học viện An ninh nhân dân theo tổ hợp khối A00. Nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa chỉ là phương án dự phòng.
Hôm 17/8, Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa công bố điểm chuẩn cho ngành Y khoa là 26,7, Thảo mừng rỡ khoe với gia đình. Bố mẹ lúc đó nhìn nhau lo lắng, bảo con "cứ chờ kết quả bên trường công an xem sao".
Hai ngày sau, Thảo biết tin trượt Học viện An ninh nhân dân. Trường này tính điểm kết hợp giữa thi tốt nghiệp và bài thi riêng theo tỷ lệ 40-60. Điểm xét tuyển của Thảo là 23,27, kém 0,08 so với điểm chuẩn.
"Bố mẹ biết tin xong càng buồn hơn, sợ học trường ngoài không thể kham nổi chi phí. Em đáp nếu khó khăn quá con sẽ xin rút", Thảo kể. Tuy nhiên, thầy cô đến chúc mừng, cho biết hộ nghèo sẽ được miễn học phí theo chính sách của nhà nước. Cả gia đình cười tươi, thở phào nhẹ nhõm.
Cô Trần Thị Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, đánh giá học trò có kiến thức đa dạng, giỏi đều các môn tự nhiên.
"Thảo trầm tính, ít nói, nhưng nội lực rất lớn. Nhìn sự cố gắng của em, mọi người luôn thấy sự quyết tâm, khát khao, nỗ lực thay đổi nghịch cảnh của bản thân và gia đình đến cháy bỏng", cô Liên nói.
Gia đình Thảo chụp ảnh kỷ niệm tại lễ tuyên dương của tỉnh Nghệ An, tối 21/8. Ảnh: Hùng Lê |
Hôm 21/8, Thảo là một trong số 163 học sinh được UBND tỉnh Nghệ An vinh danh vì thành tích học tập xuất sắc. Bố mẹ cùng hai em xuống TP Vinh để dự cùng Thảo. Thảo kể bố vẫn thường nhắc lại câu nói "chúc mừng em Vi Thị Thảo" của người dẫn chương trình rồi vỗ tay động viên con. Khi cả nhà trở về bản Kẽm Đôn, hàng xóm đã nấu nước, rang lạc đợi sẵn để chia vui.
Nữ sinh 18 tuổi nhìn nhận chặng đường sắp tới đầy thử thách nhưng sẽ cố gắng trau dồi kiến thức để trở thành một bác sĩ tốt, về giúp đỡ quê hương.
"Trước mắt, em sẽ học thêm ngoại ngữ, nhập trường thì đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt", Thảo cho hay. "Em cũng cố gắng lấy học bổng tại trường".
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: vnexpress.net