Giải 'cơn khát' lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp FDI ở Nghệ An - Bài cuối: 'Mở' để hợp tác bền vững
- 15:32 24-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào tỉnh Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, quy mô, chất lương của các dự án ngày càng lớn và tiếp tục phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Nổi bật nhất là các dự án FDI chất lượng cao về sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh của các Tập đoàn lớn như Luxshare ICT, Everwin, JuTeng, Runergy, Foxconn, Sunny, Shandong… đã đầu tư dự án mới, một số dự án đã đi vào hoạt động ổn định và đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động CLC trong thời gian tới.
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng |
Để có thêm thông tin, góc nhìn đa chiều và các giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài để đáp ứng nguồn lao động CLC cho các doanh nghiệp FDI ở Nghệ An, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Thưa ông, thực trạng trong những năm gần đây, Nghệ An đang thiếu hụt nguồn lao động CLC, điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh khi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), ông có nhận định gì về vấn đề này?
Ông Lê Tiến Trị: Việc dòng vốn FDI liên tục chảy vào tỉnh Nghệ An, nhất là trong hai năm 2022 và 2023, cùng với xu hướng tích cực dòng vốn CLC, dòng vốn thực hiện tăng, đã kéo theo số dự án đi vào hoạt động gia tăng, từ đó nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động CLC cũng gia tăng theo.
Nhưng với quan điểm của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là lao động ở các vùng nông thôn, miền núi là rời quê hương đi làm ăn xa, với mong muốn có tiền trang trải cuộc sống hoặc chắt chiu một ít vốn để về quê hương lập nghiệp tốt hơn. Do vậy, hằng năm số lao động đi làm việc ngoại tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm tỷ lệ cao, như năm 2023 chiếm đến 70%; thu hút đầu tư thời gian trước tập trung vào các ngành nghề truyền thống như may mặc, sản xuất giày da xuất khẩu, chế biến gỗ, khoáng sản ... nên các cơ sở đào tạo nghề đang đào tạo theo xu hướng của thị trường lao động truyền thống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi các dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, sản xuất linh kiện ô tô, năng lượng xanh đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng lao động từ đó cũng tăng cao; một số dự án sử dụng nhiều lao động đã bắt đầu khó khăn trong công tác tuyển dụng ngay từ đầu năm 2024, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cán bộ quản lý các cấp.
Khi nhận thức, quan điểm của người dân thay đổi từ "Ly nông, ắt ly hương" sang "Ly nông, bất ly hương" thì vấn đề thiếu nguồn lao động cả số lượng và chất lương sẽ ko còn là khó khăn Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An |
Với lợi thế sẵn có của tỉnh Nghệ An là nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ nên dễ dàng tiếp nhận các công nghệ mới, kỹ năng ngoại ngữ; số lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm hằng năm cao (mỗi năm có khoảng 60 đến 70 ngàn người); mức lương tối thiểu vùng của TP. Vinh và các huyện lân cận tăng lên vùng II kể từ năm 2019; thu nhập bình quân của người lao động, nhất là trong các KCN đã tăng lên đáng kể (6 tháng đầu năm, mức thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong KKN, KKT Đông Nam đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng); tỉnh Nghệ An có hệ thống đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (6 trường Đại học, 11 trường cao đẳng, 70 trường trung cấp và cơ sở đào tạo nghề).
Hiện nay, việc thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng trên chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định do nhu cầu tăng đột biến; khi nhận thức, quan điểm của người dân dần thay đổi từ "ly nông ắt ly hương" sang "ly nông bất ly hương", các cơ sở đào tạo nghề kịp thay đổi để thích ứng với nhu cầu của của thị trường lao động, cùng với sự phối hợp, đồng hành hỗ trợ từ chính quyền tỉnh thì vấn đề thiếu nguồn lao động cả số lượng và chất lương sẽ ko còn là khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Do vậy, nếu nói nguồn lao động thiếu hụt là điểm hạn chế và giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư vào Nghệ An sẽ không đúng; nguồn lao động vẫn luôn là điểm cộng đối với môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An.
Những lĩnh vực đầu tư FDI nào tại Nghệ An đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trị: Như tôi vừa phân tích trên, thu hút FDI thời điểm trước đang tập trung vào các ngành nghề truyền thống, do vậy các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay khi các dự án FDI về lĩnh vực công nghệ đã dần đi vào hoạt động, nhu cầu về nguồn lao động đã thay đổi từ ngành nghề truyền thống sang ngành nghề công nghệ. Do vậy, các Trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có sự thay đổi và đào tạo theo xu hướng của thị trường lao động, đào tạo theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số dự án FDI trước khi đi vào hoạt động đã gửi lao động đi đào tạo ở các Công ty mẹ tại nước ngoài hoặc ở các địa phương khác đã có dự án đi vào hoạt động để nhận chuyển giao công nghệ ... Do đó lao động có kỹ thuật, lao đông có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư hiện nay cơ bản đang đáp ứng đủ; nếu thiếu chỉ xẩy ra cục bộ do lao đông "nhảy việc" hoặc lao động chưa đáp ứng về kỹ năng ngoại ngữ hoặc thiếu lao động là các chuyên gia hoặc cán bộ quản lý cấp cao... Đây cũng là khó khăn thường xẩy ra của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng không những trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà còn trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI quy mô lớn về lĩnh vực công nghệ.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn. Ảnh: Văn Dũng |
Đâu là những "điểm nghẽn" của lao động Nghệ An dẫn đến những hạn chế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao hiện nay?
Ông Lê Tiến Trị: Nghệ An vẫn luôn được biết đến với lợi thế nguồn lao động dồi dào, dân số trẻ; trước đây, đào tạo nghề tập trung vào các ngành nghề truyền thống và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tuy nhiên, thị trường lao động đã bắt đầu thay đổi khi làn sóng FDI thuộc lĩnh vực công nghệ đầu tư tăng mạnh vào tỉnh Nghệ An, theo đó lao động đòi hỏi cả chất lượng cao, có tay nghề, có trình độ chuyên môn sâu và có kỹ năng ngoại ngữ. Do vậy, "điểm nghẽn" về nguồn nhân lực CLC chỉ mang tính cục bộ và mang tính thời điểm khi công tác đào tạo nghề trên địa bàn chưa kịp thích ứng.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang thay đổi phương thức đào tạo để kịp cung cấp nguồn nhân lực CLC đáp ứng thị trường lao động hiện nay.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đào tạo được coi là giải pháp hàng đầu cần ưu tiên đẩy mạnh. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này với thực tiễn Nghệ An?
Ông Lê Tiến Trị: Thị trường hàng hóa, thị trường lao động... đã là "thị trường" thì khi có "cầu", chắc chắn phải có "cung". Do vậy, hiện nay các cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã bắt đầu đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo nghề sát với yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và theo nhu cầu của thị trường lao động.
Như chúng ta biết, chu kỳ đào tạo lao động chất lượng cao tương đương với thời gian thực hiện đầu tư, xây dựng dự án. Nếu ngay từ khi bắt đầu thực hiện đầu tư xây dựng dự án, sự phối hợp giữa nhà trường với nhà đầu tư kịp thời để cùng hợp tác, lập kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng đúng, sát nhu cầu thực tiễn của dự án ngay khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc thiếu nguồn nhân lực CLC không còn là vấn đề khó khăn của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp căn cơ là ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông thiết yếu; hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm giảm chi phí logistic và các chi phí khác cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có điều kiện tăng thêm chi phí thuê nhân công lao động, đảm bảo thu nhập của người lao động làm việc trong tỉnh gần bằng hoặc bằng các các tỉnh, thành phố khác trên cả nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia nước ngoài, người lao động ngoại tỉnh đến làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Các trường đào tạo nghề ở Nghệ An cần đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo sát hơn với yêu cầu thực tiễn nền sản xuất hiện đại sẽ làm cho chất lượng đào tạo nghề được đánh giá cao hơn. Để đạt được điều đó, cần có sự liên kết, phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đào tạo và cả người học trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo.
Bản thân doanh nghiệp phải "mở" ra để có cơ chế hợp tác bền vững và giữ được lực lượng lao động CLC. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải mở rộng tư duy để gắn kết với sự phát triển của địa phương, tránh tư duy nhiệm kỳ.
Cảm ơn ông!
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: nhadautu.vn