Các trường vùng cao Nghệ An vượt khó, sẵn sàng cho năm học mới
- 13:57 24-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tập huấn, hướng dẫn dạy-học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 ở các huyện miền núi Nghệ An. (Ảnh: NGUYỄN TUYẾT) |
Nhôn Mai - xã biên giới miền núi của huyện 30a Tương Dương (Nghệ An), giao thông đi lại khó khăn, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ ở vùng sâu nên có nhiều điểm trường lẻ ở các bản nằm cách xa trung tâm xã từ 15 đến 25km. Tuy nhiên với sự chủ động, đến nay tất cả các trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đã sẵn sàng đón học sinh tựu trường.
Các trường tổ chức vệ sinh trường lớp, kê lại bàn học, sẵn sàng cho ngày tựu trường. |
Chấp nhận xa gia đình, xa con, gắn bó với bản làng 19 năm qua, cô giáo Kim Thị Minh, giáo viên dạy lớp 1 tại điểm lẻ Huồi Cọ (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nhôn Mai), cách điểm trường chính 25km, đã quá quen thuộc với những cung đường hiểm trở, trơn trượt, dốc dựng đứng trên hành trình gieo chữ ở vùng cao này.
Cô Minh chia sẻ: Huồi Cọ là bản người Mông ở lưng chừng núi xa xôi, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Bố mẹ các em chủ yếu đi làm ăn xa ở các tỉnh phía nam, do đó vào dịp nghỉ hè các em đều đi theo bố mẹ. Để các em tựu trường theo đúng kế hoạch, ngay từ đầu tháng 8, giáo viên đã đến từng nhà, gọi điện từng phụ huynh để nắm thông tin, hiện giờ các em đang ở đâu và thông báo đến tất cả phụ huynh, phải đưa các em về kịp ngày tựu trường 26/8 tới đây.
Có mặt tại điểm trường chính Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nhôn Mai, thời điểm này, các thầy cô đang tất bật chuẩn bị đóng lại bàn ghế, sạp nằm, lắp thêm giường tầng cho các phòng bán trú, dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị cho năm học mới.
Lắp giường tầng bổ sung vào các phòng nội trú cho học sinh Nhôn Mai. |
Thầy giáo Vũ Đình Hùng, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Trường có một điểm trường chính và năm điểm trường lẻ với tổng 484 học sinh. Tại điểm trường chính có 396 học sinh, trong đó có 270 học sinh bán trú, tăng 80 học sinh so với năm ngoái. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8 nhà trường đã lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất đủ đáp ứng số lượng học sinh bán trú tăng thêm. Năm học này, nhà trường được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng bốn phòng học tại điểm chính, nâng con số phòng học lên con số 13, đáp ứng việc học một buổi cho học sinh.
Từ giữa tháng 8, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh vận chuyển bàn ghế ở các điểm trường lẻ vừa sáp nhập về điểm chính. Bàn ghế nào hư hỏng, đều tận dụng để đóng thành sạp cho các em nằm. Nhà trường còn tận dụng ngôi nhà gỗ, cải tạo thành các phòng ngủ tạm để đủ phòng nội trú cho học sinh.
Ở các trường học vùng cao Nghệ An, các giáo viên phải tận dụng bàn ghế hư hỏng làm sạp cho học sinh nằm. |
Nhà trường còn huy động giáo viên về các bản để nắm số lượng học sinh hiện đang ở đâu, thông báo lịch tựu trường cho từng phụ huynh rõ và yêu cầu kịp thời đưa các em về đúng ngày tựu trường.
Ngoài bảo đảm cơ sở vật chất, nhà trường cũng tăng cường nâng cao chuyên môn cho giáo viên. Tất cả cán bộ, giáo viên đều tham gia các buổi tập huấn về hướng dẫn dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số, trước khi vào lớp 1; tập huấn tiếp thu nhiệm vụ bậc học của tiểu học,...
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của nhà trường đó là thiếu các phòng bán trú, nước sạch, công trình vệ sinh… để bảo đảm cuộc sống cho số học sinh bán trú tại nhà trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, đến thời điểm ngày 23/8, nhà trường đã sẵn sàng đón các em tựu trường, thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Các giáo viên phải đến từng bản xa, gặp từng phụ huynh để nắm tình hình học sinh và yêu cầu đưa các em đến tựu trường đúng ngày. |
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nhôn Mai đến thời điểm này đã sẵn sàng cho năm học mới. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tân, Hiệu trưởng thông tin: Trường có 269 học sinh, trong đó có 190 học sinh bán trú. Để chuẩn bị năm học mới, từ ngày 10/8 nhà trường đã tập trung dọn dẹp vệ sinh và phân công giáo viên đến từng bản để nắm tình hình học sinh. Hiện chỉ có ba học sinh đang ở xa, nhà trường đã liên lạc được với phụ huynh và hứa sẽ đưa các em về tựu trường đúng ngày.
Cũng như huyện Tương Dương, để chuẩn bị tốt cho năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện miền núi rẻo cao 30a Kỳ Sơn cũng đã tích cực bắt tay vào dọn dẹp trường lớp, phòng học, chỉnh trang bàn ghế; trồng mới và cắt tỉa hoa, cây xanh, vệ sinh sân trường và khu vực chung quanh cổng trường...
Các trường tổ chức tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên sẵn sàng cho ngày tựu trường. |
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Cắn 1, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), thầy giáo Lầu Bá Tu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 20 lớp ở ba điểm trường. Năm nay, trường sẽ có khoảng 230 học sinh bán trú. Từ ngày 5/8, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên vệ sinh trường, lớp. Tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5 - Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trong thời gian nghỉ hè, điểm trường chính ở bản Trường Sơn đã được xây dựng hệ thống kè chống sạt lở phía sau dãy phòng học và khu nhà ở của giáo viên. Kè chống sạt lở hoàn thành, đưa vào sử dụng, mối lo mất an toàn cho giáo viên và học sinh lâu nay đã được giải quyết.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc cho biết: Bốn cấp học trong toàn huyện hiện có 70 trường với gần 24 nghìn học sinh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết các nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh tựu trường.
Đối với 11 huyện miền núi Nghệ An, đặc biệt các huyện 30a khó khăn như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, bước vào năm học mới có nhiều vấn đề đặt ra đặc biệt là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là thiếu giáo viên dạy học các môn tiếng Anh, Tin học ở bậc Tiểu học gây khó khăn cho các nhà trường trong phân công chuyên môn, gây quá tải đối với giáo viên, ảnh hưởng chất lượng dạy học, giáo dục.
Như huyện Kỳ Sơn hiện có 1.901 giáo viên. So với nhu cầu, còn thiếu gần 200 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ và Tin học. Huyện đang có thêm 176 chỉ tiêu giáo viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng rất khó khăn, bởi các trường ở dưới xuôi và các địa phương khác cũng đang thông báo tuyển dụng.
Các trường tiểu học ở miền núi với nỗi lo thiếu giáo viên tiếng Anh. |
Hay như huyện Tương Dương, toàn huyện có 1.375 giáo viên với hơn 18.900 học sinh. Hiện nay toàn huyện còn thiếu 33 giáo viên chủ yếu giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương Thái Lương Thiện chia sẻ: Năm học 2023-2024, ngành giáo dục huyện đã giảm 33 lớp tiểu học vì dồn học sinh từ điểm lẻ về điểm chính. Hiện nay, việc đưa học sinh điểm lẻ về học tại các điểm chính của các trường tiểu học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng gây quá tải về phòng học, nơi ăn, nghỉ của học sinh bán trú trong khi diện tích, quỹ đất tại điểm trường chính không mở rộng được để đầu tư xây dựng.
Chính các vấn đề này đã gây khó khăn cho các nhà trường trong công tác quản lý học sinh. Đặc biệt là các phòng chức năng, nhà bếp, nhà ăn, nhà bán trú, công trình vệ sinh cho học sinh ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu; nhất là nhà bếp, nhà vệ sinh tại các điểm trường lẻ của các trường mần mon chủ yếu vẫn đang sử dụng nhà bếp tạm, công trình vệ sinh chưa đạt chuẩn...
Hơn nữa, trong thời gian qua một số giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giỏi thuyên chuyển khỏi huyện về xuôi nhiều; việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên nhất là giáo viên tiếng Anh gặp khó khăn do không đăng ký đủ chỉ tiêu tuyển dụng. Như năm học 2023-2024 huyện có 4 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên tiếng Anh Tiểu học nhưng không có hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An: Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và các huyện miền núi nói riêng đã chuẩn bị sẵn sàng đón các em về tựu trường.
Đối với tình trạng thiếu biên chế giáo viên đang diễn ra ở nhiều cấp học trong toàn tỉnh, dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí giáo viên và tổ chức dạy học, tỉnh đang đề xuất Trung ương cho phép bổ sung thêm 7.015 biên chế giáo viên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025. Cụ thể, cấp học mầm non là 1.688 người; tiểu học là 2.692 người; trung học cơ sở là 1.795 người...