Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giải 'cơn khát' lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp FDI ở Nghệ An - Bài 2: Cần đảm bảo lợi ích của ba bên

Hiện tại nhiều doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đang cần hàng nghìn lao động, trong đó lao động chất lượng cao (CLC) lại được coi là "hiếm có khó tìm".

Lao động chất lượng cao là hàng hiếm

Với tốc độ phát triển nhanh của nhiều dự án trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng và chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh, may xuất khẩu, linh kiện ô tô, điện tử....Tuy nhiên để tìm được lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ năng phù hợp với các ngành nghề trên là điều không dễ cho nhiều doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện nay một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong KCN, phần lớn số công nhân khi được tuyển dụng chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của doanh nghiệp; kỹ năng về ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Trước khi người lao động làm việc, doanh nghiệp đều phải đào tạo tay nghề một thời gian nhất định. Đây cũng là một bất cập trong công tác đào tạo; sự hợp tác, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp còn hạn chế.

Việc thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kĩ thuật bậc cao là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Nghệ An nói chung và bản thân từng doanh nghiệp nói riêng.

 Công ty TNHH Luxshare - ICT đã đầu từ hàng trăm triệu USD vào KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Bên cạnh đó, với riêng số lao động có trình độ chuyên môn, kĩ thuật đạt chuẩn về bằng cấp đào tạo thì vẫn có khuynh hướng nặng về hiểu biết lý thuyết nhưng lại kém về hực hành cũng như khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề, kĩ năng, tay nghề của sinh viên ra trường vẫn còn yếu, đặc biệt là so với tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới, dẫn đến thiếu nghiêm trọng lao động kĩ thuật trình độ cao, các nhà quản lý và chuyên gia giỏi để bắt kịp xu thế chung của thời kỳ công nghiệp 4.0.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Xie Jin Qiang - Giám đốc nhân sự (Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp đang thiếu từ 600 đến 800 nhân sự.

Theo ông Xie Jin Qiang, những khó khăn lớn nhất khi tiếp cận các lao động này hiện tại là ngôn ngữ. Ông Xie Jin Qiang dẫn chứng nhiều lao động tuy có tay nghề cao nhưng chỉ biết tiếng Việt, không biết tiếng Trung và ngược lại. Đối với những lao động vừa biết tiếng vừa thành thạo công việc chủ yếu tập trung ở hai đầu đất nước.

Liên quan đến bài toán giải quyết nhu cầu lao động CLC, ông Xie Jin Qiang cho hay, địa phương nên có chính sách kêu gọi nguồn lao động CLC từ nước ngoài về nước. Bên cạnh đó, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn nên đào tạo tay nghề cho sinh viên ngay khi trên ghế nhà trường, vừa đào tạo chuyên môn vừa đào tạo tiếng Trung Quốc, đào tạo theo đúng chuyên môn doanh nghiệp cần, tăng cường hợp tác giữa nhà đầu tư và nhà trường trong việc đào tạo lao động như thực tập, tiếp xúc với trang thiết bị máy móc để khi ra trường có thể thành thục với công việc.

Nghệ An không chỉ thiếu lao động chất lượng cao mà còn thiếu lao động chất lượng cao am hiểu ngoại ngữ và công nghệ

Ông Xie Jin Qiang - Giám đốc nhân sự (Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An)

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (nhà đầu tư dự án Cấu kiện điện tử 200 triệu USD tại KCN VSIP Nghệ An) thông tin, nhà máy của Everwin đã đi vào hoạt động từ tháng 6, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An. Do đó, trong giai đoạn đầu công ty đang tập trung tuyển dụng lao động nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của công ty.

"Sau khi đi vào hoạt động khoảng 2 năm, công ty sẽ tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào làm việc. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, công ty phải tuyển dụng được 4.000 lao động và đến năm 2026 tuyển dụng được 8.000 lao động. Do vậy, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực", vị đại diện này nói.

"Bệ đỡ" từ chính sách

Ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Doanh nghiệp và Lao động (Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An) cho biết, nắm bắt được nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp FDI. Ngay từ đầu năm 2024, Ban quản lý KKT Đông Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp như: khảo sát nguồn cung lao động từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, huyện Kỳ Sơn; khảo sát nhu cầu thực tế từ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I…); đăng tin tuyển dụng trên trang Web của Ban Quản lý KKT, trang Web của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các trang mạng xã hội Zalo, facebook; kết nối tham gia các Ngày hội việc làm tại các trường Đại học, Cao đẳng, các huyện thành thị…

Tuy nhiên theo ông Phong, hiệu quả tuyển dụng không cao, vẫn không đáp ứng được nhu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Do vậy, để có giải pháp mang tính dài hạn và hiệu quả cao trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI, Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã phối hợp với Sở LĐ TB&XH tham mưu UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc về tình hình cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

 Lao động chất lượng cao đang là "hàng hiếm, khó tìm" ở Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp Sở LĐ TBXH, các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tham mưu ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác hỗ trợ kết nối tuyển dụng lao động, thành lập Tổ công tác hỗ trợ kết nối cung - cầu đào tạo và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh …

Cùng với đó, Ban tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, hỗ trợ, kết nối công tác đào tạo, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn KKT, các KCN đảm bảo khả thi và đáp ứng tối đa nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc về tình hình cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long chỉ đạo các nhiệm vụ giải pháp như: Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động phù hợp với từng địa bàn, trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố, thị xã để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, lao động khu vực nông thôn, lao động các xã biên giới được tiếp cận nắm bắt thông tin về việc làm, thị trường lao động từ đó định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, tăng kỹ năng đào tạo gắn với đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Trung để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm bền vững. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên: doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo kế hoạch đề ra

Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội và phát triển các công trình trường học, văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa tinh thần công nhân ở các KCN, KKT và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; tạo điều kiện cho lao động có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài...

Đón đọc bài cuối: 'Mở' để hợp tác bền vững

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn