Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Kè đá đập Cồn Ràn sụt lún, xuống cấp sau vài năm sử dụng

Bờ kè đá bị trồi sụt, các phiến đá gắn kết với nhau lỏng lẻo khiến cho người dân đặt câu hỏi về chất lượng công trình bờ kè đập Cồn Ràn ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) sau vài năm bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng.

Thời gian qua, nhiều người dân xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) phản ánh về việc kè đá đập Cồn Ràn bị trồi sụt, các phiến đá có kết nối một cách lỏng lẻo, dễ dàng dùng tay không lật lên, hệ thống van cống nước luôn trong trạng thái bị rò rỉ.

Người dân nghi ngờ chất lượng công trình sửa chữa nâng cấp không đảm bảo khi đập nước mới chỉ được bàn  giao cho địa phương quản lý vài năm và mới chỉ trải qua 1, 2 mùa mưa bão đã xuất hiện tình trạng hư hỏng như trên.

 Phần đá kè đập nước bị trồi sụt xuống lòng hồ sau vài năm bàn giao quản lý, sử dụng

Có mặt tại đập Cồn Ràn, PV ghi nhận thực tế bờ kè đập dài khoảng 150m được ghép đá hộc, một đoạn kè đá gần cống nước bị trồi sụt xuống lòng hồ.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh (70 tuổi), người dân địa phương cho biết, bản thân ông được giao quản lý việc đóng mở van nước đập để có nước tưới tiêu cho cánh đồng xóm 7. Tuy nhiên đập nước liên tục bị rò rỉ không thể đóng khít lại. Trước khi sửa chữa, ống cống luôn được đóng khít, không có hiện tượng rò rỉ nước như thế này. Ông Sinh cũng đã nhiều lần báo với chính quyền xã nhưng sửa chữa không được.

 Phần ống cống nước người dân phản ánh luôn trong tình trạng bị rò rỉ nước sau khi đập được nâng cấp sửa chữa

Còn Anh Nguyễn Văn Phú, người sinh sống gần đập nước cho biết, kè đá mới được hoàn thành cuối năm 2021, những viên đá được ghép với nhau rất lỏng lẻo, không khít; qua các khe hở lớn giữa các viên đá có thể nhìn thấy đất và lớp đá dăm phía dưới. Mặt kè có rất nhiều viên đá bằng nắm tay trám vào các lỗ hổng. Chỉ cần cầm các viên đá nhỏ này lên sẽ thấy các lỗ hổng sâu, đất và đá dăm dưới các hòn đá lớn. Phía gần nhà điều tiết cống nước đã có đoạn kè đá bị trồi sụt, các tảng đá lăn xuống lòng hồ.

Khi anh Phú dùng tay gẩy nhẹ xuống lớp đá dăm thì thấy xuất hiện ngay phần đất của thân đập nước. Các hòn đá lớn bị sụt xuống lòng đập, phần đá bị trồi sụt nhìn thấy khá rộng. Rất nhiều hòn đá nhỏ bằng nắm tay được đặt nằm rời rạc trên các phiến đá lớn, PV có thể lấy tay cầm nắm các hòn đá lên một cách dễ dàng.

 Phần kè đá bị trồi sụt nhìn thấy, còn ở dưới nước liệu còn đoạn nào bị hư hỏng nữa phải cạn nước mới biết được

"Mới chỉ trải qua 1, 2 mùa mưa bão mà kè đá đã bị trồi sụt; trong khi đó đây chỉ là phần nhìn thấy, liệu ở dưới nước có bị trồi sụt hay hư hỏng ở đoạn nào nữa không, phải tháo hết nước hoặc chờ đến mùa nước cạn mới biết được. Trước đây ở giữa đập có ổ mối, mùa mưa nước phun qua ổ mối phụt lên bờ đập. Nếu cứ để tình trạng đá như vậy đến mùa mưa nước dâng lên đất mềm xuống khiến các tảng đá dễ bị sụt xuống lòng hồ sẽ không có tác dụng ngăn xói lở cho bờ đập", anh Phú nói thêm.

Để nguồn thông tin được đa chiều và giúp người dân giải đáp những thắc mắc về chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng, PV đã liên hệ làm việc với các đơn vị liên quan.

 Các phiến đá lớn cũng ghép lỏng lẻo để lộ những khe hở lớn nhìn thấy lớp đá dăm, lớp đất phía trong

Ngày 16/8, liên hệ với ông Nguyễn Tất Hải, Giám đốc ban quản lý dự án huyện Tân Kỳ, PV được cho biết đây là dự án sửa chữa nâng cấp đập sau mùa mưa bão được bàn giao năm 2021, huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư, thời gian bảo hành công trình 1 năm sau khi bàn giao, nguồn vốn khắc phục bão lụt 900 triệu đồng, công trình kè đá do Công ty CP Hiền Thoại trụ sở ở xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thi công.

Tiếp đó, sáng 17/8, PV liên hệ với ông Nguyễn Phúc Thoại, Giám đốc công ty CP Hiền Thoại trình bày những phản ánh của người dân về tình trạng của đập Cồn Ràn.

Qua trao đổi, ông Thoại cho biết phần cống nước bị rò rỉ có thể do bị kẹt đá, gioăng cao su bị hỏng sau thời gian đưa vào hoạt động. Công trình thi công theo kiểu đá hộc ghép chứ không phải đá hộc xây nên rất dễ dàng dùng tay lấy đá lên. Đá hộc ghép để cho biến động địa chất, biến động tự do co giãn đá với nhau. Phần kè đá bị trồi sụt có thể do người dân bắt ếch, cá hoặc lấy đá đem về nhà.

Cũng theo ông Thoại, công trình sau khi hoàn thiện năm 2021 và bàn giao cho địa phương thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm bảo vệ và sửa chữa.

 Dùng tay khoét nhẹ lớp đá dăm phía dưới có thể thấy ngay lớp đất đắp thân đập.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình là đơn vị tiếp nhận và quản lý đập Cồn Ràn sau khi được nâng cấp, sửa chữa cho biết sau khi nhận được phản ánh tình trạng đập đã cho cán bộ xuống xem xét ghi nhận tình hình. Công trình bờ kè có đoạn bị trồi sụt, thời gian tới sẽ dùng đá mới ghép lại không để tình trạng đó lan rộng.

Tác giả: Hà Thủy

Nguồn tin: nguoiduatin.vn