Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giải 'cơn khát' lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp FDI ở Nghệ An - Bài 1: Cầu nhiều hơn cung

Năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều nhà máy của các doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đi vào hoạt động, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.

Nhu cầu lao động lớn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, dân số của tỉnh Nghệ An năm 2023 đạt hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động hơn 2,23 triệu người (chiếm 64,85% trên tổng dân số). Quy mô lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An đang đứng thứ 2/14 tỉnh trong Vùng Bắc Trung Bộ (chỉ đứng sau tỉnh Thanh Hóa). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 164 doanh nghiệp FDI với hơn 49.000 lao động.

 Nhiều doanh nghiệp FDI ở Nghệ An đang thiếu rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Ảnh: Văn Dũng


Quy mô cầu lao động của Nghệ An ngày càng tăng do chính sách phát triển kinh tế xã hội thuận lợi của tỉnh, Nghệ An đã có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, thành lập doanh nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An được cải thiện, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh.

Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, đến nay cơ bản đã được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều tăng cao.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, năm 2024 và những năm tiếp theo, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao trong KKT, các KCN vì nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng ...

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng người lao động "nghỉ việc - nhảy việc" thường xuyên xảy ra

Ông Trần Duy Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An)

Kết quả khảo sát của Ban quản lý KKT Đông Nam cho thấy, đối với các doanh nghiệp trong KKT, các KCN Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao: 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.

Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm (FDI) trong KKT, các KCN có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh.

Như vậy, đề giải cơn khát lao động chất lượng cao ở Nghệ An là một chuyện không dễ dàng.

Giải "cơn khát" lao động chất lượng cao bằng cách nào?

Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng, trong khi tình trạng “nghỉ việc – nhày việc” cao khiến các doanh nghiệp FDI đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động CLC.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (ở huyện Thanh Chương) là lao động có tay nghề từ miền Nam trở về Nghệ An sau đợt dịch Covid-19 chia sẻ, với mức lương như ở các nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ dao động từ 5-10 triệu đồng/người đối với lao động phổ thông và 10-20 triệu đồng/người đối với lao động CLC thì vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước từ 5 - 7 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay giá tiêu dùng, sinh hoạt phí tại Nghệ An lại ở mức cao so với các tỉnh thành khác.

"Tôi cũng đã vào làm việc cho một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp ở (Nghệ An) được hơn nửa năm, nhưng rồi cũng phải quyết định nghỉ việc vì ở đây tôi cũng đi thuê trọ, đi các tỉnh thành khác cũng thuê trọ, nên tôi quyết định quay lại miền Nam để tìm công việc có thu nhập tốt hơn", anh Mạnh nói.

Trong khi đó, chị Thiện ở TP. Vinh (hiện đang làm cho một doanh nghiệp FDI tại KCN VSIP Nghệ An) cho rằng, do mức lương vùng ở Nghệ An thấp hơn các tỉnh thành ở phía Bắc hay phía Nam nên tổng lương sẽ thấp hơn là điều đương nhiên. “Nếu tôi chưa có gia đình và nhà cửa ở TP. Vinh thì với mức lương hiện tại, tôi cũng sẽ nghĩ đến việc vào Nam hay ra Bắc để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn”, chị Thiện nói.

 Ông Trần Duy Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn. Ảnh: Văn Dũng


Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Duy Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho biết, Nghệ An là một trong những tỉnh thu hút được vốn FDI lớn, đứng thứ 10 cả nước. Sắp tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được tỉnh thu hút về đầu tư số lượng lớn. Kèm theo đó nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp này cũng tăng lên.

Các công trình hạ tầng thiết yếu như: hạ tầng giao thông; nhà ở xã hội; nhà ở cho người thu nhập thấp; trường mầm non; cơ sở y tế; khu vui chơi giải trí; chợ, siêu thị phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động trong KKT, các KCN còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu để thu hút người lao động, đặc biệt là nguồn lao động CLC từ các tỉnh khác.

Bên cạnh đó, do chi phối của thị trường lao động linh hoạt, cơ hội tìm việc của người lao động Nghệ An rất nhiều, kể cả làm việc trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đi xuất khẩu lao động nước ngoài đang được người lao động quan tâm do chi phí ngày càng giảm và minh bạch, khả năng đi làm việc ổn định, thu nhập cao gấp 5 - 8 lần so với làm việc ở các doanh nghiệp trong tỉnh.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng người lao động "nghỉ việc - nhảy việc" thường xuyên xảy ra; nhất là lao động trẻ, chưa có gia đình, lao động xa nhà…

Lao động "nhảy việc" chủ yếu do công việc chưa phù hợp; tiền lương, thu nhập các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chi trả cho người lao động còn thấp so với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và phía Nam. Do vậy, người lao động muốn tìm kiếm việc làm khác để có tăng thêm thu nhập đảm bảo mức sống, sinh hoạt tối thiểu hằng ngày.

"Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc; an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ tiền xăng xe, thuê nhà ở trọ và tăng thu nhập để người lao động có việc làm ổn định, gắn bó làm việc lâu dài và bền vững tại doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Như vậy, giải cơn khát lao động chất lượng cao ở Nghệ An cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Đón đọc Bài 2: Bài toán khó của doanh nghiệp

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn