Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu quả công tác dân vận chính quyền ở Nghệ An

Với phương châm “Đảng nói dân tin, chính quyền làm dân theo, Mặt trận, đoàn thể vận động dân đồng tình, hưởng ứng”, công tác dân vận nói chung, dân vận chính quyền nói riêng của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã có đổi mới và đạt kết quả rõ nét. Hiệu quả trong công tác dân vận góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (thành phố Vinh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023, tỉnh Nghệ An xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng SIPAS - chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX.

Hướng tới sự đồng thuận của nhân dân

Đầu năm 2022, huyện Anh Sơn phát động phong trào thi đua “Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp” hướng tới kỷ niệm 200 năm danh xưng Anh Sơn (1822-2022). Việc tổ chức phong trào cũng là nội dung trọng tâm của công tác dân vận chính quyền của huyện Anh Sơn năm 2023. Một trong những địa phương nổi bật, góp phần quan trọng vào sự thành công của phong trào này chính là xã Lĩnh Sơn. Theo đó, xã có 56 công trình gắn biển chào mừng, với tổng giá trị các công trình hơn 3,7 tỷ đồng; gồm 450 triệu đồng tiền ngân sách xã, còn lại là xã hội hóa và nhân dân đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết: Nhu cầu nguồn lực để đầu tư hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn ít, cho nên việc huy động sức dân, phát huy vai trò của người dân được xác định là giải pháp hàng đầu. Để mở rộng các tuyến đường, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ hàng rào được xây dựng kiên cố; có hộ hiến gần 100 m2 đất ở. Đặc biệt, với sự đóng góp tích cực của con em đang sinh sống, làm ăn xa quê, địa phương có thêm điều kiện để sửa chữa, tôn tạo Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, xây mới năm nhà văn hóa thôn… Để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, xã chủ trương công khai, minh bạch, nhất là vấn đề tài chính, tăng cường sự giám sát của Ban công tác Mặt trận thôn, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh…

Thống kê của Ban Chỉ đạo dân vận chính quyền huyện Anh Sơn cho biết, đến ngày 19/5/2023, đã có 501 công trình hoàn thành gắn biển chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Anh Sơn, 60 năm tách lập huyện, vượt 271 công trình so với chỉ tiêu. Tổng số tiền và vật chất mà nhân dân và con em đang sinh sống, đi làm xa quê đóng góp là hơn 143 tỷ đồng…

Tại thị xã Hoàng Mai, vừa qua, địa bàn phường Mai Hùng có sáu dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng người dân tự nguyện phá dỡ hàng rào, cây cối để các đơn vị thi công. Một số tuyến đường các hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng thi công khi mức giá đền bù chưa được phê duyệt. Ông Lê Hữu Trung, Chủ tịch UBND phường Mai Hùng chia sẻ: “Không phải hộ dân nào cũng ủng hộ ngay từ đầu. Với một số hộ, chúng tôi phải kiên trì vận động, đi lại nhiều lần. Để dân tin, dân ủng hộ thì cái gì liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân là phải thực hiện. Việc gì đã hứa với dân thì phải cố gắng làm. Lúc người dân cần việc gì, họ tìm đến cán bộ, mà cán bộ cứ lảng tránh, thậm chí có thái độ cửa quyền, thì rất khó để tìm được sự ủng hộ của nhân dân…”.

Thêm một minh chứng tiêu biểu trong công tác dân vận, đó là câu chuyện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường theo quy chuẩn đường đô thị ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, rất nhiều tuyến đường đã được mở rộng, phương tiện tham gia giao thông thuận lợi, an toàn. Tuyến hẹp nhất cũng đạt 4m, có tuyến rộng đến 22m…

Những năm gần đây, thị xã Hoàng Mai là địa bàn thực hiện nhiều dự án trọng điểm, như: Đường cao tốc bắc-nam; Khu công nghiệp Hoàng Mai I; Nhà máy may Việt Sun; đường ven biển Nghi Sơn-Cửa Lò; đường dây 500 kV mạch 3… Việc thực hiện tốt công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, mặt bằng thi công sớm được bàn giao, góp phần quan trọng đối với sự thành công của các dự án.

Gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính

Thị xã Hoàng Mai là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thị xã đã phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ ba, bốn. UBND thị xã đã có 308 thủ tục hành chính công khai ở mức độ ba, bốn. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thông qua Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính là 15.679 hồ sơ. Số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 97,48%.

Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 của Hoàng Mai xếp thứ 2/21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thứ hạng cải cách hành chính cấp huyện cũng tăng dần qua từng năm. Năm 2023 đứng thứ tư toàn tỉnh (tăng bảy bậc so với năm 2021) và đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ nằm trong nhóm ba địa phương dẫn đầu. Thị xã Hoàng Mai cũng đang hướng đến việc người dân không cần phải đến bộ phận một cửa để làm thủ tục. Thay vào đó, nhân viên bưu điện sẽ là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân. Cách làm này sẽ giúp người dân hạn chế phải đi lại nhiều lần, lãnh đạo thị xã sẽ nắm được chất lượng phục vụ hành chính của cán bộ, nhân viên, thông qua kết quả đánh giá của nhân viên bưu điện về năng lực, tính chuyên nghiệp sau mỗi lần thực hiện giao dịch. Phương thức giao dịch này đang được thị xã Hoàng Mai áp dụng đối với thủ tục giấy phép kinh doanh và giấy phép xây dựng.

“Với tinh thần làm thế nào để người dân cảm thấy hài lòng nhất, chúng tôi chú trọng công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng xử cho đội ngũ hành chính phục vụ. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ, nhân viên. Tuyệt đối cấm tư tưởng ban ơn khi xử lý thủ tục hành chính cho người dân. Nhận thấy cái gì còn hạn chế thì chúng tôi cử ngay các anh em đi đến các địa phương, đơn vị học hỏi về để áp dụng cho thị xã…”, ông Nguyễn Hữu An, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Xác định nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút đầu tư, năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các kế hoạch kiểm soát, truyền thông thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, như: kế hoạch kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia…

Thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 5/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số. Đến nay, tỉnh đã thực hiện kết nối liên thông gửi-nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 23/23 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 460/460 UBND cấp xã; kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp hơn 18.000 dịch vụ công, bao gồm dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác dân vận trong thời gian tới, đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Chủ trương của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị về phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác dân vận, chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính với phương châm: “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”… ■

Tác giả: Thành Châu - Trung Hiếu

Nguồn tin: nhandan.vn