Chuyện đặc biệt về nữ Trưởng Công an xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
- 20:16 19-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Đảm nhận chức vụ Trưởng Công an xã khi 22 tuổi
Trong những ngày tháng 8, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Minh Châu, trú tại phường Hưng Dũng, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà là nữ Trưởng công an xã được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi. Mặc dù sắp bước sang tuổi 80 nhưng bà vẫn còn nhớ như in những năm tháng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Người phụ nữ này sinh ra trong gia đình nghèo xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mặc dù, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bà vẫn hăng hái tham gia vào các công tác đoàn thể xã. Thời điểm đó, đối với bà Đảng là điều gì đó thiêng liêng lắm và muốn phấn đấu đứng vào hàng ngũ ấy.
Anh hùng Nguyễn Thị Minh Châu chụp ảnh cùng các cháu thiếu niên xã Quỳnh Hồng. |
Năm 1964, người phụ nữ này tham gia vào ban công an xã với vai trò là công an viên. Với sự dìu dắt, hỗ trợ của chính quyền và Công an huyện Quỳnh Lưu, sau hai năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng . Trong năm này, bà được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Bà Châu kể về những năm tháng giữ chức vụ Trưởng Công an xã. |
Tháng 4/1966, qua mai mối của gia đình bà kết hôn với ông Trần Thế Phiệt, SN 1940, trú cùng xóm với bà Châu. Tuy nhiên, vừa cưới nhau được 3 ngày 2 đêm thì ông Phiệt có lệnh lên đường vào chiến trường B. Vừa làm tròn bổn phận dâu hiền, vừa tăng gia sản xuất nhưng bà luôn sắp xếp chu toàn mọi công việc cấp trên giao.
Một năm sau, bà Nguyễn Thị Minh Châu được bầu vào Ban Chấp hành Đảng uỷ xã và làm trưởng công an xã Quỳnh Hồng khi mới 22 tuổi. Đây là địa bàn xã có diện tích rộng, toàn xã có 15 xóm, chia làm 4 cụm, trong đó có 3 xóm giáo. Nhằm phá hủy Ga cầu Giát và chia cắt tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, không cho ta chi viện người và của vào chiến trường miền Nam, những năm này đế quốc Mỹ đã dùng pháo kích từ hạm đội 7 liên tục bắn vào. Quỳnh Hồng phải hứng chịu bom đạn bất kể ngày đêm, cướp đi hàng trăm mạng người, nhà cửa bị phá hủy; đường làng, hào giao thông, ruộng vườn bị cày xới…
Ngày 25/8/1970, đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Đế quốc Mỹ điên cuồng rải bom liên tục xuống ga tàu, Quốc lộ 1A làm tắc nghẽn giao thông, khiến xe chở hàng, xe chở pháo bị ùn lại. Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Ban Công an xã cùng lực lượng dân quân, thanh niên xung phong đã khẩn trương tham gia sửa chữa, nâng cấp mặt đường để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt.
Nhà nước giao về cho xã Quỳnh Hồng hàng nghìn tấn hàng để cất giấu. Thời điểm này, các đồng chí lãnh đạo xã phân vân chưa có phương án để cất giấu hàng, đồng chí Châu đã đề xuất kế hoạch dựa vào dân để cất giấu và bảo quản hàng hoá của Nhà nước. Công an có trách nhiệm phân loại thái độ chính trị của từng gia đình trong xã để gửi tài sản. Bà đã phân công cụ thể cho các đồng chí công an viên thường xuyên kiểm tra, phát hiện hàng hư hỏng, phối hợp với nhà trường cho học sinh quét dọn để phòng mối mọt. Kết quả có 3.500 tấn hàng Nhà nước gửi được đảm bảo không hư hỏng hay mất mát gì.
"Tội phạm hình sự thời điểm này cũng phức tạp lắm. Chúng lợi dụng chiến tranh đang giai đoạn ác liệt, các đối tượng trong xã móc nối với bọn lưu manh đường dài để trộm cắp và tiêu thụ tài sản của công dân. Quỳnh Hồng là nơi nhiều cơ quan sơ tán đóng nên chúng lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp. Vào tháng 8/1967, vào một đêm mưa phùn, trong lúc đi tuần 1 mình tôi phát hiện ra người đàn ông có biểu hiện bất thường nên đuổi theo. Đối tượng đã bỏ chạy ra cánh đồng, tôi vừa đuổi theo kịp bắt đối tượng về trụ sở. Người đàn ông đó khai nhận là Nguyễn Văn Quý, 28 tuổi, quê ở Thanh Hoá. Đây là đối tượng hình sự đặc biệt nghiêm trọng, từng đi tù nhiều lần. Đối tượng này đã móc nối với nhiều đối tượng khác thực hiện hành vi trộm xe", bà Châu kể lại.
Vụ việc được chuyển lên Công an huyện Quỳnh Lưu, từ đây, một đường dây trộm cắp xe đạp liên tỉnh với sự tham gia của nhiều đối tượng hình sự cộm cán được triệt phá. Đối tượng Quý và đồng bọn thực hiện nhiều vụ trộm, bán cho một cơ sở sửa chữa xe đạp. Nhiều tang vật chưa tiêu thụ kịp bị tháo rời ra, ném xuống ao để giấu, sau đó được công an trục vớt, trao trả cho người dân.
Phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi 25 tuổi
Xã Quỳnh Hồng là địa phương vùng thiên chúa giáo, với trách nhiệm là Đảng uỷ viên và Trưởng Công an xã, bà đã đề xuất xin được chỉ đạo HTX vùng giáo dân. Nữ Trưởng công an xã đã đi sâu gần gũi giáo dân, phân tích chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động đội lốt tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Với vai trò nòng cốt, Ban Công an xã đã động viên được 100% thanh niên đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, trong đó có nhiều đồng bào giáo dân,…
Tuổi già, vợ chồng bà Châu cùng hỗ trợ con cái trong việc quán xuyến nhà cửa và chăm sóc các cháu. |
Với những thành tích xuất sắc, nhiều năm liền Ban Công an xã Quỳnh Hồng là đơn vị quyết thắng về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nữ trưởng công an xã là đảng viên phấn đấu tốt, 3 năm liền (1965- 1966-1967) là Chiến sỹ thi đua. Năm 1968, đồng chí Châu đạt danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng. Ngày 25/8/1970, bà Nguyễn Thị Minh Châu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1972, bà được Bộ Công an cho đi học lớp nghiệp vụ bồi dưỡng cán bộ công an huyện tại tỉnh Hà Tây (cũ). Lúc này, ông Phiệt bị thương nặng nên đi ra an dưỡng ở tỉnh Hải Hưng (cũ). Thời điểm này, bà Châu mới được tạo điều kiện xuống thăm chồng. Hai vợ chồng được đoàn tụ sau 7 năm xa cách không có thư từ và tin tức. "Tôi và chồng được hai mẹ mai mối khi còn nhỏ. Chồng và tôi cách nhau 4 tuổi nên cũng ít trò chuyện. Chuyện cưới xin được hai mẹ mai mối và sắp xếp. Hồi đó đã kịp yêu đâu, cưới nhau được 3 ngày 2 đêm thì chồng có lệnh phải đi chiến trường B", bà Châu tâm sự.
May mắn cho bà Châu là được bố mẹ chồng ủng hộ và tạo điều kiện cho bà hoàn thành nhiệm vụ. Bà luôn làm tròn bổn phận người con dâu trong gia đình và hoàn thành xuất sắc công việc của một phó, rồi trưởng công an xã. Mạnh mẽ, kiên cường là vậy nhưng có cũng lúc bà cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Có những đêm bà ngồi suy tư hàng giờ ở giếng đầu làng. Bà lo lắng cho người chồng của mình nơi chiến trường ác liệt. Lo lắng cho gia đình chồng vì chưa có cháu nối dõi tông đường. "Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là bố mẹ chồng luôn hiểu và tạo điều kiện cho con dâu hoàn thành nhiệm vụ. Có lần mẹ chồng cầm tay tôi và bảo kiếm một đứa con cho đỡ cô đơn. Nếu sau này chồng về mẹ sẽ nói cho. Tôi đã bật khóc khi nghe những lời này từ mẹ. Tuy nhiên, tôi không thể làm điều có lỗi với chồng được. Tôi tin rằng một ngày hai vợ chồng sẽ được đoàn tụ", bà Châu nhớ lại.
Sau nhiều lần được tổ chức tạo điều kiện thăm chồng tại trại an dưỡng ở tỉnh Hải Hưng, vợ chồng bà có được người con đầu tiên đặt tên là Trần Hải Hà. Sau đó, ông bà có với nhau thêm 3 người con nữa. Trong quá trình công tác ở Công an huyện bà qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như: cán bộ hồ sơ, an ninh, hình sự, xét hỏi... Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân cho tới khi về hưu với cấp hàm Thiếu tá. Tiếp nối truyền thống của gia đình, người con trai cả và con gái thứ ba của bà Châu hiện đang là những cán bộ công tác tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An.
Năm 2004, vợ chồng bà chuyển về Tp.Vinh sống cùng người con cả. Về sinh sống ở phường Hưng Dũng, bà còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền bà đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối, thành viên tích cực trong Chi hội người cao tuổi. Năm 2023, do tuổi cao sức yếu, để đảm bảo hoạt động hiệu quả của Chi hội, bà Châu đã xin nghỉ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của khối. Tuổi già, vợ chồng bà Châu cùng hỗ trợ con cái trong việc quán xuyến nhà cửa và chăm sóc các cháu.
Nguồn tin: nguoiduatin.vn