Nghệ An nâng cao chỉ số PCI: Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
- 20:17 18-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có 5/10 chỉ số PCI tụt hạng
Công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.
So với năm 2022, chỉ số PCI của Nghệ An giảm 0,88 điểm, cũng vì vậy giảm tới 21 bậc. Trong 10 chỉ số thành phần PCI có 3 chỉ số tăng điểm, tăng thứ bậc; 1 chỉ số tăng điểm, giữ nguyên bậc; 1 chỉ số tăng điểm, giảm thứ bậc; và 5 chỉ số giảm điểm, giảm thứ bậc.
5 chỉ số thành phần tụt thứ hạng gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự.
Năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, PCI là chỉ số đánh giá, xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Kết quả xếp hạng PCI 2023 dựa vào khảo sát thường niên trên 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước (doanh nghiệp tư nhân) tại 63 tỉnh, thành trên cả nước; 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; gần 6.000 doanh nghiệp mới thành lập.
Từ năm 2019- 2022, tỉnh Nghệ An đã luôn giữ các thứ hạng cao, đứng top đầu khu vực Bắc Trung Bộ và luôn nằm trong top 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng chỉ số PCI toàn quốc (năm 2022 đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm 66,6).
Tuy nhiên, năm 2023, chỉ số PCI của Nghệ An đã bị tụt hạng đáng kể, từ vị trí thứ 23 (năm 2022) xuống vị trí thứ 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc, với tổng điểm là 65,71.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, kết quả nêu trên đã phần nào cho thấy các nỗ lực cải cách của tỉnh Nghệ An chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ảnh Nghệ An. |
Kết quả nêu trên đã phần nào cho thấy các nỗ lực cải cách của tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn; vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Có đến 45% doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh; 55% doanh nghiệp cho rằng các huyện, thị không thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh…
Điểm sáng của Nghệ An trong 2 năm qua liên tiếp đứng top 10 về thu hút FDI. |
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của Nghệ An trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI.
UBND tỉnh Nghệ An được đánh giá là linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới. Các khó khăn, vướng mắc được UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp.
Về thu hút nguồn lực, trong 2 năm qua, Nghệ An liên tiếp đứng trong top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm 2023, lần đầu tiên ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An vượt mốc 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 những địa phương thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất cả nước.
Cần tháo gỡ những rào cản PCI
Để làm rõ, phân tích chi tiết nguyên nhân có thứ hạng thấp và đưa ra giải pháp khắc phục, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo.
Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2023 và giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong những năm tiếp theo. Ảnh Nghệ An. |
Trong khuôn khổ nội dung hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại trong việc cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Trong đó, chỉ số thành phần 5 là chi phí không chính thức (đạt 6,43 điểm, xếp hạng 63/63, giảm 30 bậc). Đây là chỉ số tỉnh Nghệ An bị đánh giá thấp nhất, đứng cuối bảng xếp hạng.
Đáng nói hơn là chi phí không chính thức của cả nước có xu hướng giảm nhưng Nghệ An vẫn ở mức cao, cho thấy chi phí không chính thức vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản chi phí ngoài quy định để có thể hoạt động trơn tru hơn. Việc này không chỉ gây tốn kém mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của tỉnh.
Đặc biệt, chỉ số thành phần 6 là cạnh tranh bình đẳng (đạt 5,37 điểm, xếp hạng 44/63, giảm 33 bậc). Điểm số cho thấy sự thiếu bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Chính quyền đang tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn, FDI để tạo động lực bứt phá cho sự phát triển chung.
Mặt trái của chiến lược này là sự mất cân đối do nguồn lực hạn hẹp nên khó có thể dàn trải, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Ngoài ra, chỉ số thành phần 2 là tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất (đạt 6,25 điểm, xếp hạng 55/63, giảm 10 bậc). Đây là năm thứ 2 liên tiếp chỉ số này tụt giảm mạnh (năm 2021 xếp thứ 40, năm 2022 giảm 5 bậc xuống thứ 45 và năm 2023 giảm 10 bậc xuống thứ 55).
Điều này cho thấy những tồn tại trong lĩnh vực này chưa được cải thiện đáng kể. Việc tiếp cận đất đai tại Nghệ An gặp nhiều trở ngại, đặc biệt việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Điều này làm giảm sự hấp dẫn của tỉnh đối với các nhà đầu tư mới.
Nhiều doanh nghiệp cho biết thủ tục giấy tờ vẫn còn phức tạp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính không được rút ngắn như kỳ vọng; đặc biệt ở một số địa phương trong việc xác định nguồn gốc, hiện trạng đất đai,…
Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An Trần Anh Sơn đề nghị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính. Ảnh Nghệ An. |
Ông Bùi Xuân Sinh, Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình cho biết thêm, để môi trường đầu tư tỉnh nhà ngày càng tiến bộ, minh bạch, công khai nhằm nâng cao năng lực canh tranh, cải thiện chỉ số PCI thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư, tỉnh Nghệ An cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp.
Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục cùng với VCCI, các Hiệp hội Doanh nghiệp thu thập, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thông qua các cuộc họp giao ban, đối thoại với doanh nghiệp và các tổ chức của doanh nghiệp theo định kỳ.
Đặc biệt, tỉnh cần mạnh mẽ tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…
Ngày 9/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2023. Với 71,25 điểm, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI; giữ vị trí Á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp… |
(Còn nữa)
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn