Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân đến Quảng Châu, bắt đầu thăm Trung Quốc

Sáng nay 18-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân vẫy tay chào từ chuyên cơ khi đến thành phố Quảng Châu sáng 18-8 - Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Theo TTXVN, chuyên cơ đến sân bay quốc tế Bạch Vân thuộc thành phố Quảng Châu lúc 9h27 sáng 18-8 (giờ địa phương), tức 8h27 cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Sân bay quốc tế Bạch Vân rực rỡ quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ Trung Quốc. Hai hàng tiêu binh đứng dọc hai bên thảm đỏ, chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Vĩ Trung cùng các quan chức tỉnh nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam còn có Thị trưởng thành phố Quảng Châu Tôn Chí Dương, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai và phu nhân, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng và phu nhân, cùng một số cán bộ Tổng lãnh sự quán và bà con cộng đồng tại Quảng Châu.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân được chào đón tại thành phố Quảng Châu - Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Theo chương trình hôm nay tại thành phố Quảng Châu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, dâng hoa tại mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, và sau đó thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh và gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc.

Cách đây đúng tròn 100 năm (1924-2024), thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc đó hoạt động với tên gọi Lý Thụy trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản trong phái bộ của cố vấn Borodin bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn - chọn làm điểm dừng chân, một địa bàn hoạt động, một “căn cứ địa quốc tế” của cách mạng Việt Nam.

Đây cũng chính là nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng Việt Nam từng sinh sống và hoạt động cách mạng, là nơi có những di tích lịch sử cách mạng như nhà lưu niệm Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mộ anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

Đây cũng chính là nơi tờ Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát hành số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, sau này được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tham gia đoàn cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân có năm Ủy viên Bộ Chính trị gồm ông Đỗ Văn Chiến - chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lê Minh Hưng - trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang - bộ trưởng Bộ Công an.

Ngoài ra còn có trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và một số ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Trợ lý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cũng tham gia đoàn.

Tác giả: Duy Linh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ