Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ GD&ĐT xử lý thế nào với bằng Tiến sĩ Luật của thượng toạ Thích Chân Quang?

Ông Quang được cấp bằng Tiến sĩ ngành luật Hiến pháp - Hành chính vào năm 2022.

Thông tin thượng tọa Thích Chân Quang (tức ông Vương Tấn Việt) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người bàn luận sôi nổi về sự việc, đồng thời đặt ra câu hỏi nếu ông Việt thực sự chưa có bằng cấp 3, thì 2 tấm bằng Đại học và bằng Tiến sĩ của ông Việt sẽ xử lý ra sao?

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ quá trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

 Luận án Tiến sĩ của ông Việt đang được thẩm định. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Về cơ bản, hồ sơ quá trình đào tạo không trái với các quy định pháp luật áp dụng cho trường hợp người học Vương Tấn Việt. Hồ sơ cũng thể hiện một số thiếu sót trong quá trình đào tạo nhưng đã được khắc phục.

Bộ GD&ĐT đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Khi có kết quả thẩm định, dựa trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập Hội đồng thẩm định luận áo theo đúng quy định.

Bà Thủy nói thêm, quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện. Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có thông tin rõ ràng, chắc chắn trước khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra công bố chính thức.

 Ông Việt có 2 bằng Đại học và bằng Tiến sĩ Luật.

Trước đó thông tin trên báo chí, Bộ GD&ĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị tấm bằng cấp 3 của ông Việt là có căn cứ.

Ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959. Ông Tốt nghiệp Đại học ngành Tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) vào năm 2001. Sau đó, ông Việt tiếp tục học văn bằng 2 tại Đại học Luật Hà Nội. Năm 2022, ông Việt được cấp bằng Tiến sĩ ngành luật Hiến pháp - Hành chính.

Khi dư luận đặt câu hỏi về việc ông Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng, phía Trường Đại học Luật Hà Nội lên tiếng khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của ông Việt đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, và quyết định của nhà trường.

Tác giả: Lam Giang

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn