Bà mẹ trẻ 'bật mí' cách chi tiêu từ thu nhập 50 triệu mua nhà, mua xe mà tiền vẫn rủng rỉnh
- 06:26 11-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Song, trên thực tế có nhiều người nhờ biết cách quản lý tài chính, dù thu nhập không quá cao nhưng vẫn có thể dành khoản tiền dư mua nhà, mua xe.
Mới đây, trên một trang diễn đàn về tài chính cá nhân, một tài khoản có tên M. T. sau khi chia sẻ về cách chi tiêu trong gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, đã khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí có những người đã phải thốt lên khen ngợi và nể phục tài chi tiêu “quá là khéo thu vén”, “xin kinh nghiệm để học hỏi”.
Cụ thể, theo chia sẻ, tổng thu nhập của M. T. và chồng trung bình mỗi tháng khoảng 50 triệu, gia đình của M. T. chỉ chi tiêu cố định trong khoản tiền 20 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại cô dành để tích lũy.
Gia đình 4 người chỉ chi tiêu cố định trong khoản tiền 20 triệu đồng/tháng |
Hai vợ chồng cô có 2 con nhỏ, bé lớn 10 tuổi, bé thứ hai hiện tại 9 tháng tuổi. Do tính chất công việc và điều kiện của gia đình nên bé út đã đi nhà trẻ để cô có thể quay trở lại với công việc. Anh trai 10 tuổi chuẩn bị học lớp 5 một trường công lập nhưng vì là năm cuối cấp 1 nên cô phải cho con trai học thêm văn hóa và tham gia một số lớp học thể thao.
Tính toán từ điều kiện của gia đình, cô đã phân chia các khoản khá rõ ràng. Theo đó, thu nhập của M.T. khoảng 20 triệu đồng/tháng, sẽ được dùng để chi trả các khoản phí sinh hoạt của gia đình. Lương của chồng và các khoản thu nhập phát sinh không cố định sẽ dùng để tiết kiệm.
Từ số tiền tiết kiệm đó, sau 10 năm tích lũy gia đình cô đã mua được ô tô để tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, cách đây 2 tháng, vợ chồng cô đã mua được một miếng đất nho nhỏ với mục đích ban đầu chủ yếu là để tích lũy.
“Để thực hiện được kế hoạch trên, tôi đã lên kế hoạch rõ ràng. Mỗi tháng, tôi chỉ sử dụng khoảng 20 triệu – từ khoản tiền thu nhập của bản thân để chi tiêu cho gia đình 4 thành viên. Ngay khi có lương cuối tháng, tôi chia số tiền đó làm 2 quỹ, mỗi quỹ 10 triệu. Một quỹ là dành cho con, quỹ còn lại là quỹ chi tiêu chung” M. T. nói.
Cụ thể, ngoài số tiền 10 triệu dành cho tiền học và bỉm sữa của các con, quỹ chi tiêu chung gồm 10 triệu sẽ chi các khoản: Tiền điện nước, dịch vụ (1,5 triệu đồng), tiền ăn (5 triệu đồng), đi chơi cuối tuần (1 triệu đồng), đồ gia dụng trong nhà (5 trăm nghìn), xăng xe đi lại (1 triệu), phát sinh khác (1 triệu đồng).
Về ăn uống trong gia đình, cô lên danh sách thực đơn theo tuần, sau đó đi chợ 1 lần/tuần. Đồ ăn đc chia cho từng ngày và tính đủ số bữa cho tuần để thực đơn không bị thừa cũng không bị thiếu.
“Gia đình tôi chủ yếu chỉ ăn một bữa tối ở nhà. Bữa trưa các con ăn ở trường học, còn bố mẹ thì mang cơm ăn trưa ở cơ quan. Buổi chiều, khi tan làm về đón các con, tôi chỉ cần mua thêm rau hoa quả để nấu cho ngày hôm ấy. Tôi chỉ mua những thứ cần mua và tuyệt đối không mua thêm bất kỳ thứ gì nằm ngoài danh sách đã lên trước đó” – bà mẹ 2 con chia sẻ.
Cuối tuần, cô và chồng vẫn không quên dành thời gian cùng các con nghỉ ngơi, đi chơi đó đây. Do đó, cô luôn dành một khoản cho việc này. Ngoài ra, vì gia đình có ô tô riêng nên cũng phát sinh một khoản xăng dầu “nuôi xe”.
“Thời gian đầu khi áp dụng cách quản lý chi tiêu này, tôi gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong khoản cân đối chi phí ăn uống của gia đình mình. Tuy nhiên cho đến hiện tại, mọi việc đều rất ổn và cũng không đến mức quá khó khăn.
Việc tiên quyết nếu muốn quản lý tốt chi tiêu đó là cố gắng không đặt mình vào tình huống dễ xảy ra phát sinh chi tiêu. Ví dụ, tôi luôn chuẩn bị rã đông thịt để tối có đồ nấu ăn, cơm trưa mang đến nơi làm việc phải được làm sẵn và để ở vị trí cố định để không quên mang đi làm. Không phát sinh chuyện đi chơi hay các buổi mua sắm ngẫu hứng vào ngày thường. Nếu đi đâu, hai vợ chồng đều có kế hoạch từ trước và chỉ đi chơi vào ngày cuối tuần. Tôi không dành quá nhiều tiền cho việc làm đẹp, mua sắm mỹ phẩm. Tôi chỉ dùng các món đồ cơ bản, như son, kem chống nắng, sữa rửa mặt,... Ngoài ra tôi cũng không tiêu tiền cho các món ăn vặt, trà sữa, cà phê,” M. T chia sẻ bí kíp.
Góp ý thêm về câu chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình, bà Nguyễn Thị Thùy Chi, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FID cho hay, có nhiều phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát chi tiêu hay còn gọi là quản lý chi tiêu được các chuyên gia tài chính khuyến nghị như "phương pháp 6 chiếc lọ", "quy tắc 50-30-20" hay "phương pháp bìa thư". Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng,...
Trong số trên, quy tắc quản lý chi tiêu 50-30-20 có thể là phương pháp hiệu quả, đơn giản và dễ thực hiện. Theo cách này, thu nhập sẽ được chia làm ba phần. Thứ nhất là tiết kiệm và đầu tư. Thứ hai, dành cho giải trí, đi du lịch, đi chơi. Thứ ba, chi phí thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền mua sắm đồ dùng gia đình, tiền biếu bố mẹ...
“Điểm mấu chốt của phương pháp này là bạn sẽ cô lập chi phí hàng tháng ngay sau khi nhận lương, chỉ cho phép mình chi tiêu trong hạn mức đã đề ra. Với kỷ luật và công cụ hỗ trợ đã xác định ngay từ đầu, việc tiết kiệm sẽ trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn” – vị chuyên gia lưu ý.