Thị xã nhỏ nhất Việt Nam đón tin mừng, vừa chuẩn bị được sáp nhập lên thành phố lại đón thêm cảng nước sâu hơn 7.000 tỷ đồng
- 08:58 10-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua chủ trương điều chỉnh dự án xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024.
Cụ thể, Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ có ba bến cập tàu, bao gồm hai bến cho tàu có trọng tải tối đa 50.000 DWT và một bến cho tàu 100.000 DWT, với tổng chiều dài 800m và các công trình phụ trợ như: đê chắn sóng dài 1.550m, cầu kết nối từ cầu dẫn ra bến, luồng tàu, khu quay trở và đậu tàu.
Diện tích sử dụng đất làm khu hậu phương cảng khoảng 32ha đất. Diện tích sử dụng mặt nước khoảng 208,15ha để xây dựng các công trình cảng xa bờ gồm: Bến cập tàu, đê chắn sóng, cầu kết nối cầu dẫn với bến cập tàu; khu quay trở, neo đậu tàu và luồng chở hàng.
Cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn |
Cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn
Dự kiến tổng vốn đầu tư của cảng nước sâu Cửa Lò khoảng 7.324 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2028) có tổng vốn đầu tư gần 5.251 tỷ đồng sẽ tập trung vào xây dựng bến số 6 và bến số 7 (50.000 DWT), 1.200 m đê chắn sóng, cầu kết nối số 1, luồng tàu và các công trình hỗ trợ hàng hải, cùng với đường bãi, công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Giai đoạn 2 (2029 - 2030) sẽ có vốn đầu tư hơn 2.074 tỷ đồng để xây dựng bến số 5 (100.000 DWT), mở rộng thêm 350 m đê chắn sóng, cầu kết nối số 2, đường bãi, và các công trình kiến trúc cùng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đi kèm.
Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ được xây dựng tại khu bến Bắc Cửa Lò (thuộc cảng Cửa Lò), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và được gắn liền với Khu Kinh tế Đông Nam. Đặc biệt, dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các khu vực lân cận.
Thị xã Cửa Lò được quyết định sẽ sáp nhập vào TP. Vinh
Thị xã Cửa Lò nằm giữa hai con sông lớn là sông Cấm ở phía Bắc và sông Lam ở phía Nam. Nơi đây nổi tiếng với bãi biển dài hơn 10km, thoai thoải, cát mịn và nước trong xanh, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Thị xã còn có nhiều cụm di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và các hòn đảo đá đẹp như đảo Lan Châu và đảo Ngư, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 18 đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh.
Vị trí của tỉnh Cửa Lò |
Theo đó, sẽ sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và bốn xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh; thành lập bốn phường Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của bốn xã này; sáp nhập toàn bộ phường Hồng Sơn và phường Vinh Tân thành phường Vinh Tân; sáp nhập toàn bộ ba phường: Đội Cung, Lê Mao và Quang Trung thành phường Quang Trung.
Cũng theo Nghị quyết, toàn bộ thị xã Cửa Lò rộng hơn 29 km2, dân số hơn 57.000 sẽ sáp nhập về TP Vinh. Sáu xã Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái và Khánh Hợp rộng hơn 47 km2, dân số 55.000 cũng thuộc về TP Vinh. Tỉnh Nghệ An sẽ điều chỉnh còn 20 huyện, thành phố, thị xã.
Kết quả sau khi sắp xếp thành phố Vinh sẽ có diện tích tự nhiên 166,25 km2 (đạt 110,83%), quy mô dân số 509.713 người (đạt 339,81%), có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 27 phường và 9 xã.
Huyện Nghi Lộc còn lại sau điều chỉnh có diện tích tự nhiên 313,88 km2 (đạt 69,75%), quy mô dân số 202.815 người (đạt 169,01%), có 25 đơn vị hành chính cấp xã gồm 24 xã và 1 thị trấn.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: Nhịp sống thị trường