Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nuôi ếch thương phẩm – một hướng đi mới của nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi ếch thương phẩm trong bể trên cạn và bằng lồng lưới ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang được người dân quan tâm vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào nuôi ếch thương phẩm đang là hướng đi mới của người dân.

 Mô hình nuôi ếch trong lồng lưới dưới ao nước ngọt của gia đình anh Nguyễn Bá Hoàng ở xã Quỳnh Đôi.

Từ cuối năm 2021, anh Nguyễn Bá Hoàng ở thôn 1, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư nuôi ếch thương phẩm. Nhận thấy ếch rất dễ nuôi, phát triển nhanh, thu nhập khá nên từ 100 m2 ban đầu đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích nuôi ếch lên đến 1.000 m2. Mỗi lần xuống giống, anh thả hơn 4 vạn con. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, ếch đạt trọng lượng 3 – 4 con/kg thì anh tiến hành xuất bán. Vụ ếch đầu tiên của năm 2024, dự kiến đạt sản lượng từ 3 – 4 tấn, với giá nhập 50 – 60 nghìn đồng/kg, cho gia đình anh thu nhập bình quân đạt khoảng 180 triệu đồng.

Anh Nguyễn Bá Hoàng cho biết: “Hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, thời tiết thuận lợi nên gia đình nuôi được 3 lứa ếch ở tất cả 30 lồng dưới ao và 7 ô bể trên cạn. Do ếch có tập tính ngủ đông không ăn, vì vậy những tháng cuối năm lạnh giá là khoảng thời gian để anh tổng vệ sinh sát trùng, xử lý tốt môi trường, sẵn sàng các điều kiện cho vụ nuôi mới.”

 Hiện tại, toàn xã Quỳnh Đôi có 10 mô hình nuôi ếch có quy mô lớn.

Để vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàng luôn chú trọng theo dõi một số loại dịch bệnh thường gặp ở ếch như mù mắt, chướng hơi, sình bụng, đỏ đùi và bệnh thần kinh. Đồng thời, phòng chống bệnh bằng cách thay nước mỗi ngày 2 lần đối với nuôi bể, đảm bảo môi trường sạch sẽ mới cho ếch ăn. Xử lý thuốc tím, nước muối, diệt khuẩn loại bỏ mầm bệnh cho ếch giống trước khi thả vào ao nuôi, nhằm nâng cao tỷ lệ sống của con vật. Đặc biệt, ếch còn có tập tính ăn thịt lẫn nhau, con lớn nuốt con bé, vì vậy để tránh tình trạng này, ở giai đoạn đầu sinh trưởng của ếch, anh thường tiến hành sàng lọc và phân chia kích cỡ loại con đều nhau sang từng lồng riêng biệt. Bên trong mỗi lồng lưới, anh kết các bè tre, thả giàn nổi làm nơi cho ếch cư trú, tắm nắng và ăn mồi. Nhờ cách nuôi khoa học nên đàn ếch của gia đình anh luôn tăng nhanh về trọng lượng, ít xảy ra dịch bệnh.

Còn đối với gia đình anh Hồ Trung Đức, thôn 4, xã Quỳnh Đôi cũng đã đầu tư 150 triệu đồng xây 6 bể xi măng để nuôi ếch thịt. Dưới nền bể anh lát gạch nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển; không gian phía trên được che phủ lưới làm mát cho ếch. Theo anh Đức, ếch sống khỏe, thời gian nuôi ngắn, hệ số thức ăn thấp; từ khi nuôi đến lúc xuất bán, cứ 1 kg ếch chỉ tốn khoảng 1,1 kg cám công nghiệp. Nuôi ếch cũng không mất nhiều vốn đầu tư, bởi giá con giống không quá cao, bình quân 1 nghìn đồng/con. Với diện tích một bể hơn 10 m2, vào mỗi lứa nuôi anh thả giống có mật độ từ 100 – 150 con/m2. Mỗi ngày, anh chỉ dành thời gian khoảng 2 tiếng để xử lý nguồn nước đầu vào, thay nước trong bể, cho ếch ăn vào buổi sáng và chiều.

 Nhiều hộ dân đã tự sản xuất ếch giống để bán cho các địa phương khác.

Anh Hồ Trung Đức chia sẻ: “Ưu điểm của nuôi ếch trong bể xi măng là kiểm soát tốt được đầu con, khi xảy ra dịch bệnh việc xử lý rất thuận lợi và thu hoạch cũng dễ dàng hơn. Cứ mỗi lứa 2 tháng, anh xuất bán ra thị trường 2 tấn ếch. Ếch hiện có đầu ra tương đối tốt, sản phẩm sau thu hoạch đều được các thương lái, đầu mối đến thu mua kịp thời với giá tương đối ổn định, 50 – 60 nghìn đồng/kg.”

Đến thời điểm này, toàn xã Quỳnh Đôi có 10 hộ gia đình nuôi ếch thương phẩm với quy mô lớn. Trước đây, để có ếch giống, các hộ nuôi chủ yếu phải đi mua ở những trại lớn trong và ngoài tỉnh. Nhưng hiện nay một số trại ở Quỳnh Đôi đã nuôi nhiều cặp ếch sinh sản, để tạo nguồn giống tại chỗ, nhằm giảm chi phí đầu vào khi thả nuôi.

Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: “Quá trình nuôi ếch, bà con nhân dân địa phương đã tích cực áp dụng các KHKT mới nên con vật ít bị bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh, cho lãi cao. Vì vậy, ngày càng tăng số hộ nuôi với diện tích lớn, quy mô số lượng con giống lên đến hàng vạn con/lần thả. Thành công của các mô hình nuôi ếch đã mở ra hướng đi, cách làm hiệu quả thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Để mô hình mang tính bền vững, xã đã chỉ đạo Hội Nông dân thành lập các tổ hội nuôi ếch, nhằm trao đổi kinh nghiệm, KHKT, liên kết với nhau khi tìm địa chỉ mua con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm… Hàng năm, UBND xã phối hợp tổng kết, đánh giá khen thưởng cho những mô hình điển hình, để động viên, khích lệ nông dân tích cực phát triển kinh tế hộ.”

 Chỉ sau 2 tháng thả nuôi, trọng lượng của ếch đã đạt từ 3–4 con/kg thì người dân bắt đầu xuất bán.

Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, nông dân Quỳnh Đôi luôn biết cách nắm bắt nhu cầu của thị trường để thay đổi và đa dạng hóa các loài vật nuôi trong ao nước ngọt như: nuôi cá lăng, cá diêu hồng, rô phi đơn tính, chạch sụn… Đây là những loại cá có giá trị dinh dưỡng và giá bán cao, nhất là vào dịp cuối năm.

Tác giả: Vũ Thắng

Nguồn tin: sinhthainongnghiep.net.vn