Thủ tướng lâm thời Bangladesh chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức
- 16:53 08-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Yunus, 84 tuổi, được trao Giải thưởng Hòa bình năm 2006 được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình, phục hồi nền kinh tế và mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng tại quốc gia Nam Á.
Ông Muhammad Yunus. Ảnh: Bloomberg |
Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Yunus sau khi được chỉ định là Thủ tướng Chính phủ lâm thời mới của Bangladesh thay thế bà Sheikh Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước hôm 5/8 vừa qua. Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tướng Waker-Uz-Zaman cho biết, ông Yunus sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tối 8/8 theo giờ địa phương. Tướng Waker-Uz-Zaman đồng thời bày tỏ hi vọng, điều này sẽ góp phần mở ra một “quá trình dân chủ tươi đẹp” ở quốc gia Nam Á.
Ông Yunus, 84 tuổi, là nhà tiên phong về tài chính vi mô, nắm quyền lãnh đạo sau một trong những cuộc biểu tình đẫm máu nhất trong lịch sử Bangladesh, khiến hơn 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt. Những thách thức lớn đang ở phía trước khi ông phải thiết lập lại luật pháp và trật tự, phục hồi nền kinh tế và mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Tình hình ở thủ đô Dhaka hôm 7/8 đã bình tĩnh trở lại sau nhiều ngày bạo lực bao trùm đất nước. Các nhà hoạt động sinh viên đã dọn dẹp đường phố và ổn định giao thông ở một số khu vực của thủ đô sau cuộc đình công của cảnh sát nhằm phản ứng trước các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào cơ quan thực thi pháp luật. Các nhà máy may mặc, vốn chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước hôm qua cũng đã mở cửa trở lại:
"Trong làn sóng biểu tình bạo lực vừa qua, nhà máy của chúng tôi đã phải đóng cửa, gây thiệt hại rất lớn về tài chính. Công nhân thì mất việc và phải ngồi nhà. Chúng tôi lo lắng, bởi đây là nguồn thu nhập chính của chúng tôi.”
Các cuộc biểu tình tại Bangladesh ban đầu bắt nguồn từ một phòng trào của sinh viên chống lại hạn ngạch việc làm, trong đó dành một nửa số vị trí cho các nhóm ưu tiên. Mặc dù Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 tuyên bố rằng 93% việc làm trong chính phủ sẽ không có hạn ngạch nhưng vẫn không thể dập tắt được sự phẫn nộ của công chúng. Từ các trường đại học, làn sóng biểu tình nhanh chóng lan sang các cơ sở khác và dần phát triển thành xung đột bạo lực trên toàn quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua kêu gọi tất cả các bên tại Bangladesh kiềm chế, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra “độc lập, công bằng và minh bạch” về tình trạng bạo lực ở nước này.
Phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết:“Tổng thư ký tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Bangladesh, trong đó có thông báo của Tham mưu trưởng Lục quân về việc từ chức của Thủ tướng Sheikh Hasina và kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời. Ông kêu gọi tất cả bên bình tĩnh và kiềm chế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi hòa bình, trật tự và dân chủ”.
Một số quốc gia, trong đó có Pháp, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã khuyến cáo công dân nước mình tránh đi du lịch không cần thiết đến Bangladesh. Trong khuyến cáo du lịch được ban hành hôm qua, Bộ Ngoại giao Pháp cũng khuyến cáo công dân nước này tại Bangladesh hạn chế ra ngoài và tránh đám đông.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã ban hành "Thông tin nguy hiểm" cho các quốc gia và khu vực mà người dân và du khách cần thận trọng hơn, trong đó có Bangladesh.Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã cảnh báo công dân của mình tại Bangladesh rằng các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra mà không có hoặc ít cảnh báo. Các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bangladesh cũng được yêu cầu phải tuân theo một số hạn chế về di chuyển và đi lại.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: vov.vn