Vì sao HLV ngoại lép vế so với HLV nội ở V.League 2024/25?
- 08:44 06-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
HLV Velizar Popov - 1 trong 2 HLV ngoại ở V.League 2024/25. Ảnh: Minh Tuấn |
Trong thời gian chuẩn bị cho V.League 2024/25, một số CLB đã có sự thay đổi ở vị trí HLV. Có thể kể đến như HLV Hoàng Anh Tuấn đến với Bình Dương. Hà Nội cũng bổ nhiệm ông Lê Đức Tuấn ngồi vào ghế nóng. Sau những thành công ở mùa giải trước, các HLV Bùi Đoàn Quang Huy (Bình Định), Phùng Thanh Phương (TP.HCM) tiếp tục được đặt niềm tin bằng những bản hợp đồng mới. Đưa CLB trụ hạng sau trận play-off, ông Nguyễn Thành Công tiếp tục công viêc trong khu kỹ thuật của Hà Tĩnh… Có thể thấy, xu hướng chung của các lãnh đạo đội bóng cho mùa bóng tới vẫn là sử dụng các HLV nội. Nhìn rộng ra trong 14 đội ở V.League 2024/25 thì có đến 12 đội sử dụng HLV trong nước. Chỉ có Thanh Hóa và CAHN là sử dụng thầy ngoại.
Phải chăng HLV ngoại không được đánh giá cao về chuyên môn so với các HLV nội nên không được trọng dụng? Tất nhiên, không phải HLV nước ngoài nào cũng giỏi và đều thành công khi đến với V.League. Tuy nhiên, dấu ấn của của thầy ngoại ở V.League cũng không hề nhỏ. Điểm nhấn của các vị chiếc lược gia ngoại là xây dựng lối đá không phụ thuộc vào ngoại binh. Họ biết phát huy được năng lực của các cầu thủ nội để tạo nên một cỗ máy vận hành động bộ với bộ ba ngoại binh. Nói cách khác, các HLV ngoài luôn mạnh dạn đưa những nét mới để xây dựng lối đá riêng, không đi theo lối mòn đã quá quen thuộc ở V.League là “thành bại tại ngoại binh”.
Đơn cử như HLV Velizar Emilov Popov đã xây dựng được môt “đế chế” vững chắc ở CLB Thanh Hóa. Phải thừa nhận rằng chỉ khi ông thầy người Bulgaria này xuất hiện, đội bóng xứ Thanh đã trở thành một đối thủ khó đánh bại cho dù lực lượng không mạnh. Quan trọng hơn, dấu ấn chuyên môn về chiến thuật của ông Popov là rất rõ ràng để từ đó, giúp cho một đội bóng không được đánh giá cao này giành 2 Cúp Quốc gia liên tiếp. Hay HLV Iwamasa Daiki cũng đã giúp Hà Nội tìm lại hình ảnh của một đội bóng lớn.
Tuy vậy, việc các HLV ngoại vẫn chỉ chiếm con số ít ở mùa giải tới có lẽ xuất phát ngoài vấn đề chuyên môn. Đầu tiên là tài chính. Chắc chắn, việc chi lương tháng cho HLV người nước ngoài sẽ ít nhất gấp đôi so với các HLV nội. Ngoài ra, các điều khoản ràng buộc một khi thanh lý hợp đồng sớm đem đến rủi ro cao hơn cho đội bóng ấy so với một cuộc chia tay trước thời hạn đối với HLV nội. Các HLV ngoại thường đưa vấn đề lên FIFA giải quyết một khi các đội bóng không tuân thủ đúng hợp đồng và thực tế, một số CLB ở V.League đã bị bắt phải đền trọn hợp đồng. Trong lúc đó, các HLV nội và đội bóng thường đạt được thỏa thuận êm đẹp một khi đường ai nấy đi sớm.
Những vấn đề khác không kém phần quan trọng là rào cản về vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, nắm bắt tâm sinh lý của các cầu thủ. Đây là những vấn đề khó giải quyết hơn cả vấn đề chuyên môn nếu một khi phải đối mặt. Một khi không có sự chia sẻ, thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau về các vấn đề “vô hình” này sẽ dẫn đến bất đồng, ảnh hưởng lớn đến thành tích của đội bóng. Chính vì thế, thầy ngoại không được sử dụng nhiều cho dù về mặt chuyên môn, họ được đánh giá rất cao nhờ tiếp cận nhanh chóng các xu hướng chiến thuật của bóng đá hiện đại.
Tác giả: Hồng Quảng
Nguồn tin: bongdaplus.vn