Thấy gì sau lùm xùm 'điểm thi vào lớp 10 bất thường' ở Thái Bình
- 13:53 05-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều phụ huynh Thái Bình phản ánh điểm thi lớp 10 của thí sinh có nhiều bất thường. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Ngày 16/6, sau khi Sở GD&ĐT Thái Bình công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024-2025, bà P.T.D. (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bất ngờ khi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài của con trai mình.
Theo bà D., con trai bà là học sinh giỏi môn Toán. Năm học lớp 9, em được tuyển chọn vào trường điểm trong huyện để bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vừa qua, em này đăng ký dự thi vào trường THPT chuyên Thái Bình.
Sau hôm thi, con trai bà D. tự chấm điểm môn Toán thường khoảng 9,75, môn Văn và Tiếng Anh khoảng 8 điểm và điểm môn Toán chuyên khoảng 5,5 điểm. Thế nhưng, em nhận kết quả thi thì môn Toán thường chỉ được 6,75 điểm, Toán chuyên được 4,25, Văn được 7,5 điểm và Tiếng Anh được 7,8.
Danh sách điểm thi tăng bất thường sau khi các thí sinh có đơn phúc khảo. Ảnh: Phụ huynh cung cấp kèm đơn. |
Sau đó, gia đình bà D. đã nộp đơn phúc khảo. Kết quả phúc khảo chỉ ra điểm môn Toán thường của con trai bà D. tăng từ 6,75 lên 9 điểm, thức chênh lệch 2,25 điểm.
Không chỉ riêng bà D., nhiều phụ huynh khác cũng đã nộp đơn phúc khảo và nhận về kết quả tương tự.
Nhiều thí sinh được tăng điểm sau phúc khảo với mức từ 1,25 đến 5,75. Cá biệt, số báo danh 260xxx có điểm thi môn Toán tăng từ 3,75 lên 9,5 điểm, chênh lệch 5,75 điểm. Ngoài ra, điểm môn Toán của hai thí sinh khác thi vào trường chuyên cũng có "bất thường".
Một em đạt 10 điểm Toán chung nhưng chỉ được 0,75 Toán chuyên. Em còn lại đạt 3,5 điểm Toán chung và 8 điểm Toán chuyên.
Phụ huynh sau đó đã gửi đơn phản ánh đến các cấp lãnh đạo, yêu cầu làm rõ những dấu hiệu bất thường về điểm thi vào lớp 10 Thái Bình năm 2024.
Quy trình chấm bài thi tự luận của Thái Bình ra sao?
Ngày 25/3, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025, trong đó nếu rõ: "Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, in sao, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo… vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành".
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, về khu vực chấm thi, mỗi hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực. Trong đó, mỗi ban chấm thi thực hiện nhiệm vụ tại một khu vực duy nhất.
Về quy định chấm bài thi tự luận, mỗi bài thi được chấm 2 vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi của 2 tổ chấm thi khác nhau.
Ở lần chấm thi thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên những phần giấy trắng còn thừa trên tờ giấy làm bài thi của thí sinh, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài thi của thí sinh và túi bài thi.
Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) chỉ được ghi vào một phiếu chấm của từng bài thi. Trên phiếu chấm ghi rõ họ, tên và chữ ký của cán bộ chấm thi.
Khi cán bộ chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi được trưởng môn chấm thi ủy quyền để bàn giao cho ban thư ký hội đồng thi.
Quy trình chấm lần thứ 2 phải bảo đảm không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.
Nếu điểm bài thi giữa 2 vòng lệch nhau dưới 1 điểm, 2 cán bộ chấm thi thảo luận và thống nhất điểm. Trường hợp chênh từ 1 đến 1,5 điểm, 2 cán bộ chấm thi phải thảo luận và ghi lại bằng biên bản và báo cáo cấp trên để thống nhất. Khi mức chênh hơn 1,5 điểm, bài thi sẽ được chấm lần 3, điểm được ghi vào bài bằng màu mực khác.
Trong tình huống điểm của 2/3 lần chấm giống nhau thì sẽ được chọn làm điểm chính thức; nếu 3 lần chấm lệch dưới 2,5 điểm, người chấm có thể chia trung bình; lệch trên 2,5 điểm thì người phụ trách lập biên bản thống nhất điểm. Trong quá trình chấm, ít nhất 5% số bài thi tự luận được rút ngẫu nhiên để chấm kiểm tra.
Việc gian lận dù ít hay nhiều đều tác động đến tương lai của học trò. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Cần thiết phải chấm lại toàn bộ bài thi vào lớp 10 tại Thái Bình
Trước những ồn ào trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thái Bình, chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) đặt ra câu hỏi về tính khách quan trong công tác tổ chức kỳ thi.
Liệu trong kỳ thi này, có hay không hành vi cố ý tác động điểm số? Giám khảo chấm thi có thực sự đủ năng lực, đủ cái tâm để làm tròn trách nhiệm? Liệu có bất thường trong công tác điều động coi thi, chấm thi, bảo quản đề hay bài thi?
Quy chế thi đã có nhưng theo ông Phú, việc gian lận vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu các thành viên trong Hội đồng thi không tuân thủ nghiêm ngặt.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân lấy ví dụ trong quá trình chấm thi, giám khảo vẫn có thể trao đổi, có thể đánh dấu vào bài thí sinh, thay đổi trong quá trình làm phách hay điều động nhân sự chấm vào phòng đặc biệt. Nếu không tuân thủ đúng quy chế, người tổ chức kỳ thi thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm thì những việc trên hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Phú cũng lưu ý khi để xảy ra những “bất thường” trong kỳ thi, liệu Sở GD&ĐT Thái Bình đã thực sự làm tốt, chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong các khâu tổ chức?
“Gian lận hay không đều là do con người”, ông Phú nhấn mạnh.
Theo ông phú, kỳ thi vào lớp 10 THPT đang thực sự là cuộc đua của các thí sinh cũng như gia đình. Trong cuộc đua này, hành vi gian lận điểm thi không chỉ làm mất đi tính công bằng đối với mỗi thí sinh, bức xúc trong dư luận, mà còn có thể khiến tương lai của các em thay đổi.
Hiện tại, nhiều học sinh nộp đơn phúc khảo do thấy điểm thi thấp, không phản ánh đúng năng lực của mình, ông Phú cũng đặt câu hỏi liệu những học sinh đạt điểm cao đã thực sự xứng đáng hay chưa? Kết quả hiện tại liệu đã từng minh, khách quan, công bằng với mọi thí sinh?
“Đó là những câu hỏi lớn mà các cấp chính quyền Thái Bình phải trả lời. Theo tôi, cùng với công tác thanh tra, cần thiết phải mở hội đồng chấm lại toàn bộ bài thi của thí sinh để trả lại điểm thật cho các em. Đó cũng là một trong những căn cứ để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc này”, ông Phú nhận định.
Những bất thường trong kỳ thi vào lớp 10 ở Thái Bình đã gợi lại vụ việc gian lận thi cử chấn động vào năm THPT năm 2018, với hàng loạt vụ án xảy ra ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Theo thầy Phú, việc gian lận dù ít hay nhiều đều tác động đến tương lai của học trò. Đáng tiếc là hành vi sai trái của người lớn nhưng các em mới là người bị ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó là niềm tin của dư luận.
“Tôi hy vọng rằng bất kể kỳ thi nào, người làm giáo dục cũng phải đặt lòng tự trọng, đạo đức của mình trên hết. Phải có sự công tâm, công bằng bởi bất kỳ sự gian dối nào cũng đều ảnh hưởng đến đạo đức xã hội", ông Phú nhấn mạnh.
Tác giả: Ngọc Bích
Nguồn tin: znews.vn