Tiếp cận tổng thể, toàn diện trong hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục
- 14:02 27-07-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GD&ĐT sáng 17/7. |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá GD-ĐT là lĩnh vực hết sức quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trên các mặt công tác; nhất là về: Hoàn thiện thể chế, chính sách đổi mới GD-ĐT; tổ chức hệ thống GD-ĐT từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước; chất lượng giáo dục các cấp học được cải thiện; chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai bước đầu hiệu quả; chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định vị thế trên thế giới; hợp tác quốc tế về giáo dục ngày càng tốt hơn; công tác đánh giá chất lượng giáo dục thực chất hơn.
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thí sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, ngành Giáo dục còn những khó khăn, hạn chế, bất cập cần được tiếp tục chia sẻ và đề ra giải pháp khắc phục, như vấn đề thiếu trường, lớp học; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học còn thấp; thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa bảo đảm; chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT còn chưa đáp ứng được yêu cầu...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành Giáo dục, những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan chú trọng triển khai một số nội dung trọng tâm sau:
Tập trung rà soát và có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về GD-ĐT, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển GD&ĐT; hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Nhà giáo bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.
Đối với các văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn ý kiến khác nhau: Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT rà soát, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hiệu quả, khả thi với quan điểm "làm việc nào làm dứt việc đó".
Tác giả: Hải Bình
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn