Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kết cục của những thí sinh cố tình nhận điểm 0 trong kỳ thi đại học

Sau lần cố tình nhận điểm 0 trong bài thi gaokao, những thí sinh này hối hận vì đã hành động nông nổi, gây ảnh hưởng đến tương lai.

 Cuộc đời của Tưởng Đa Đa trượt dài sau kỳ thi đại học. Ảnh: Sohu.

Trong lịch sử kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) tại Trung Quốc, một số thí sinh khiến dư luận chú ý khi cố tình bỏ trống bài làm để phản đối kỳ thi, phê phán hệ thống giáo dục hoặc đơn giản là muốn gây sự chú ý.

Hơn chục năm sau vụ việc chấn động, những thí sinh này phải trải qua hàng loạt biến cố trong cuộc sống. Có người gặp khó khăn, gần như biến mất khỏi xã hội, một số người may mắn hơn, vẫn có thể vực dậy và làm lại cuộc đời ở tuổi 30.

Bài văn 8.000 chữ phản đối gaokao

Nhắc đến thí sinh bỏ bài thi gaokao để phản đối hệ thống giáo dục, dư luận Trung Quốc sẽ nghĩ đến Tưởng Đa Đa, thí sinh có biệt danh "Ác quỷ bay với trái tim tan vỡ".

Đa Đa sinh năm 1987 ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, trong một gia đình nghèo, sống phụ thuộc vào đồng lương bán bảo hiểm của cha.

Sống ở thời trọng nam khinh nữ, Đa Đa không hề bị bố mẹ bỏ rơi mà vẫn được ăn học đầy đủ. Dưới sự kỳ vọng của cha mẹ, điểm số của cô luôn nằm trong tốp đầu của lớp.

Tuy nhiên, chuyện Đa Đa học giỏi tốp đầu lớp chỉ là câu chuyện của những năm tiểu học và đầu cấp trung học. Khi lên lớp 12, cuộc đời của Đa Đa rẽ sang một hướng khác khi cô bắt đầu yêu viết lách và được em gái khuyến khích nên viết truyện để xuất bản.

Dần dần, Đa Đa đắm chìm trong việc viết lách và bỏ bê các môn khoa học như Toán, Vật lý. Một lần, do bị giáo viên dạy Toán mắng vì không thể trả lời một câu hỏi đơn giản, Đa Đa tính đến chuyện thực hiện một điều táo bạo trong bài thi đại học.

Cụ thể, trong kỳ thi gaokao năm 2006, Đa Đa làm bài thi bằng 2 màu mực xanh và đen. Ngoài ra, cô viết một bài văn khoảng 8.000 chữ vào bài thi, nói rằng: "Nhà trường chỉ chú trọng điểm số của học sinh chứ không hề quan tâm đến tâm lý, suy nghĩ của từng người".

"Thế giới này không có thứ gọi là rác, chỉ có tài nguyên bị đặt sai chỗ. Mỗi người đều có những tài năng riêng. Giáo viên có năng lực nên bắt đầu từ lợi ích của học sinh và khai thác tiềm năng của học sinh đó", nữ sinh viết trong tất cả bài thi gaokao, đồng thời để lại bút danh "Ác quỷ bay với trái tim tan vỡ" vào phần không dành cho thí sinh.

Kết quả, Đa Đa bị xử lý vi phạm quy chế thi, nhận điểm 0 ở môn Ngữ văn. Tổng điểm trong kỳ thi gaokao của cô chỉ vỏn vẹn 114 điểm, theo Sohu.

Ở thời điểm đó, Đa Đa rất bất mãn với kết quả nhận được nên đi chất vấn giáo viên. Thậm chí, cô còn nói rằng cô sẽ không bao giờ hối hận với những điều mình làm, đồng thời rất tin tưởng với cuốn tiểu thuyết mình tự viết.

Một thời gian sau, nữ sinh dần nhận ra cuốn tiểu thuyết không hề nổi tiếng như tưởng tượng nên không thể kiếm tiền từ đó. Không vào đại học, Đa Đa chỉ có thể rời quê hương đi làm thêm. Nhưng do trình độ học vấn quá thấp, cô chỉ có thể tìm một số công việc vặt hoặc làm phục vụ.

Hiện, Đa Đa đã ngoài 30 tuổi. Một số thông tin nói rằng cô đã kết hôn, sinh con và đang sống tại quê nhà. Không ai biết cô làm nghề gì, chỉ biết rằng sự nghiệp viết lách của "Ác quỷ bay với trái tim tan vỡ" đã chấm dứt sau kỳ thi đại học năm đó, không tác phẩm nào của cô tồn tại trên thị trường xuất bản.

Bỏ trắng tất cả bài thi

Chỉ một năm sau vụ việc của Tưởng Đa Đa, đến lượt Trần Thánh Chương, học sinh ở Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, làm điều tương tự trong kỳ thi đại học.

Năm 2007, Thánh Chương bước vào phòng thi gaokao trong sự kỳ vọng của mọi người. Nhưng trái với mong đợi, anh bỏ trắng tất cả bài thi và cho rằng bằng cách này, nền giáo dục của Trung Quốc có thể thay đổi và tiến bộ hơn.

 Không vào đại học, Trần Thánh Chương chỉ có thể đi làm thêm và tự kinh doanh. Ảnh: 163.

Nhận điểm 0 trong kỳ thi gaokao, dĩ nhiên Trần Thánh Chương không thể vào đại học mà chỉ có thể bắt đầu làm thuê, từ bán thuốc, làm việc ở hộp đêm cho đến làm thuê cho các tổ chức từ thiện.

Sau đó, do kinh doanh pháo hoa nhưng vỡ nợ, người đàn ông chuyển qua nghề vận chuyển rác thải và bắt đầu xây dựng sự nghiệp từ đây. Ngoài ra, anh mở một xưởng ép dầu ở quê để có thêm thu nhập.

17 năm sau sự kiện điểm 0 gaokao, Trần Thánh Chương đã trưởng thành hơn. Chính em gái của anh cũng nói rằng anh trai đã lớn và không còn cứng đầu như năm xưa.

"Thật tiếc vì anh trai không học đại học, nhưng anh học được khá nhiều điều từ xã hội, đó cũng là điều tốt", em gái của Trần Thánh Chương nói.

Về phần mình, người đàn ông nói rằng sau khi trải qua quá nhiều thất bại, anh cảm thấy suy nghĩ của mình năm 18 tuổi quá đơn giản và ngông cuồng.

Dù vậy, anh vẫn tin rằng hệ thống giáo dục của Trung Quốc có những vấn đề nghiêm trọng nên hy vọng một nhà cải cách "có bàn tay sắt" có thể thay đổi những vấn đề còn tồn đọng - điều mà anh từng ấp ủ nhưng không đủ khả năng thực hiện.

Làm lại cuộc đời ở tuổi 35

Trong kỳ thi gaokao năm 2008, một thí sinh khác "tiếp bước" đàn anh, đàn chị là Từ Mạnh Nam, học sinh ở tỉnh An Huy.

Suốt 10 năm, Mạnh Nam vốn là học sinh giỏi, nhưng khi lên lớp 11, mọi chuyện thay đổi kể từ khi anh tiếp xúc với khái niệm "giáo dục 3 người" - phương pháp giáo dục một trò, 3 thầy, hướng đến việc trau dồi sở thích của học sinh.

 Năm 2024, Từ Mạnh Nam quyết định thi lại đại học, bù đắp cho lỗi lầm năm xưa. Ảnh: Sohu.

Bất mãn với hệ thống giáo dục hiện tại, Từ Mạnh Nam bắt đầu viết blog, phát tờ rơi để "tuyên truyền" về phương pháp giáo dục 3 người. Thậm chí, nam sinh gửi đề xuất cải cách đến trường học địa phương nhưng không được chấp nhận.

Đến kỳ thi gaokao, anh tiếp tục thể hiện quan điểm trong bài thi. Thay vì giải đề, nam sinh này viết trong phiếu đáp án rằng: "Tôi tên là Từ Mạnh Nam. Tôi muốn nói rằng tôi rất không hài lòng với hệ thống giáo dục hiện tại".

The Paper nêu rằng bài văn 8.000 chữ của Tưởng Đa Đa vào năm 2006 chính là động lực để Từ Mạnh Nam thực hiện bài thi phản nghịch. Khi đó, nam sinh tin rằng triết lý giáo dục của mình đã có con đường phù hợp để triển khai.

Kết quả, Từ Mạnh Nam không bị điểm 0, nhưng điểm số không đủ để vào đại học. Đối mặt với sự thật tàn khốc, anh thấy xấu hổ, không dám đối mặt với cha mẹ nên quyết định biến mất.

6 tháng sau, Mạnh Nam trở về, bắt đầu chạy việc vặt ở nhà máy sản xuất dây cáp, xưởng in rồi làm thợ lắp ráp đèn quảng cáo. Thậm chí, anh từng học lập trình nhưng mọi chuyện không như mong muốn.

Từ Mạnh Nam cũng từng lấy vợ, cuộc sống giàu có nhưng cuối cùng ly hôn sau một thời gian chung sống vì cảm thấy không hạnh phúc. 3 năm sau khi ly hôn, vào năm 2018, anh nghĩ đến chuyện thi lại đại học.

Năm đó, người đàn ông đạt 270/300 điểm và trúng tuyển ngành Báo chí tại một trường cao đẳng ở An Huy.

Đến năm 2024, vào tháng 6 vừa qua, Từ Mạnh Nam quyết định thi đại học một lần nữa. Bước vào phòng thi với tâm trạng hồi hộp, anh mong rằng bản thân có thể trở thành ví dụ cho các học sinh, đồng thời kêu gọi các bạn trẻ nên học thật tốt trước khi thực hiện lý tưởng của mình.

Bản thân anh cũng hy vọng sẽ không có một Từ Mạnh Nam thứ 2 xuất hiện trong kỳ thi gaokao vì anh không muốn người trẻ trải qua những khó khăn, vấp ngã giống bản thân của hơn 10 năm trước.

Tác giả: Thái An

Nguồn tin: znews.vn