Mục tiêu chung là nhằm tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành Công Thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2025 đạt 16,5% - 17%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 17,5% - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GRDP đến năm 2030 chiếm khoảng 42,0 - 42,5%. Đóng góp của công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29%, trong đó riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP tỉnh. Tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.
Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 tăng khoảng 22,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,0 tỷ USD và năm 2030 đạt 9,0 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng từ 11 - 12%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, trong tỉnh và Hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29% GRDP tỉnh. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với xu thế phát triển. Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp hợp lý gắn với kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của từng vùng, địa phương.
Đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn điện. Phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới như pin nhiên liệu hydro, khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao, chú trọng mở rộng xuất khẩu đối với các sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 4,0 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 7,0 tỷ USD. Phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu thị trường Châu Âu lên 20%, thị trường Hoa Kỳ lên 25% vào năm 2030.
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được; trong đó chú trọng nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logistic phục vụ xuất nhập khẩu. Hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cùng với đó, phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
Phát triển các trung tâm tiêu dùng theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường nông thôn, miền núi, biên giới, cửa khẩu. Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến giai đoạn 2026 - 2030. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường. Chú trọng công tác xây dựng và phát triển lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Gắn kết hội nhập với thực thi định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh hội nhập toàn diện và bền vững thông qua tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn,... Tích cực góp phần củng cố và nâng cao vai trò kinh tế trong cộng đồng khu vực và quốc tế, không phụ thuộc vào một số thị trường, đối tác nhất định.
Nguồn tin: moit.gov.vn