Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gỡ khó trong cải cách hành chính, thiếu hụt nhân lực ngành y tế

Bên cạnh kết quả đạt được, thảo luận tại Kỳ họp thứ 21, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An quan tâm đến những khó khăn trong công tác cải cách hành chính (CCHC); giải pháp nâng cao nhân lực ngành y tế… Qua thảo luận, gợi ý, đề xuất của đại biểu, đại diện ngành chức năng đã kịp thời thông tin, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Các chỉ số “trồi sụt”, thiếu ổn định

Trong các nội dung đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 21, công tác CCHC được nhiều đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đại biểu Nguyễn Đức Hồng (huyện Yên Thành), công tác CCHC mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song các chỉ số CCHC của tỉnh vẫn “trồi sụt”, thiếu sự ổn định qua các năm. Đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) cũng nêu thực tế: Kết quả xếp hạng chỉ số PCI giảm mạnh so với năm trước...

 

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành nỗ lực khắc phục hạn chế; đồng thời, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ… Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc…

                  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An LÊ HỒNG VINH

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu trên, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng thừa nhận: công tác CCHC trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc sử dụng dịch vụ công còn thấp; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn có những khó khăn, bất cập; còn tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn… Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4379, ngày 28.5.2024 về việc khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2024 của tỉnh…

Cùng với đó, Sở cũng đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp căn cơ khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm các ngành, các cấp và người đứng đầu trong cải thiện các chỉ số CCHC; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ; tiếp tục làm tốt công tác cán bộ, điều chuyển cán bộ dư luận không tốt, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ Nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Thời gian tới, cần rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS… Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về CCHC.

Thiếu hơn 5.000 nhân lực ngành y tế

Liên quan đến giải pháp nâng cao nhân lực ngành y tế - nội dung đông đảo cử tri quan tâm, được đại biểu HĐND tỉnh đưa ra bàn thảo tại phiên thảo luận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết: Thiếu nhân lực y tế nói chung ở các tuyến, đặc biệt là thiếu nhân lực y tế có trình độ cao, ở cơ sở là thực tế, thách thức, khó khăn đối với ngành y tế… Hiện toàn tỉnh có 3.933 giường bệnh (công lập và ngoài công lập). Tương ứng với quy định, 1 giường bệnh phải ít nhất có 1,2 nhân lực theo yêu cầu Thông tư 03 của Bộ Y tế, thì trong khối khám, chữa bệnh, điều trị, ngành thiếu khoảng hơn 5.000 nhân lực…

 Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa phát biểu giải trình về tình trạng thiếu nhân lực của ngành Y tế. Ảnh: Thành Cường

Cụ thể, đối với các đơn vị Bệnh viện tự chủ nhóm 1, nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực; đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 (chủ yếu các trung tâm y tế, trạm y tế và một số bệnh viện đặc thù) thiếu 1.448 nhân lực… Tuy nhiên, các đơn vị y tế cơ sở thuộc nhóm này vẫn phải thực hiện giảm chỉ tiêu biên chế hàng năm nên đặt ra áp lực số lượng nhân lực y tế của ngành, đặc biệt y tế cơ sở thiếu. Chưa kể, từ năm 2020, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công khá nhiều (khoảng 300 người, trong đó có 160 bác sĩ chuyển ra khỏi các cơ sở y tế công lập...). “Hiện, nhân lực thực tế của ngành là 19.426 người, trong đó công lập chiếm 72,3%; khối tư nhân chiếm 27,7%”- bà Hoa cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, cũng như đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở… Mặc dù tỉnh có những chính sách ưu đãi, riêng năm 2023 tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng đào tạo và thu hút, song Nghệ An hiện vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng, thu hút nhân lực ngành y tế.

Thực tế đó, lãnh đạo ngành y tế cho biết, đã liên kết 5 trường đại học đào tạo cho nhân lực điều dưỡng, bác sĩ tại các bệnh viện… Còn đối với các đơn vị tự chủ, bên cạnh chính sách của tỉnh, ngành cũng khuyến khích dành nguồn lực từ phần tự chủ để có chính sách hỗ trợ nhân lực y tế tại đơn vị đi học. “Về lâu dài, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm giúp ngành y tế bảo đảm nguồn lực; đồng thời tỉnh cần có chính sách mới thay thế chính sách cũ để thu hút nhân lực về làm việc”, bà Hoa đề xuất.

Tác giả: Diệp Anh

Nguồn tin: daibieunhandan.vn