Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kính tiễn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhân cách lớn của dân tộc

Thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vừa được công bố, người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn, khi phải tiễn biệt một nhân cách lớn của dân tộc.

 Gia đình bà Rơ Châm H’Réo (74 tuổi, bên phải), nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai giai đoạn 1996-2006, xúc động theo dõi bản tin thông báo Tổng bí thư từ trần trên VTV1 - Ảnh: TẤN LỰC

Người hàng xóm giản dị, nghĩa tình

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ, chăm chú xem bản tin thời sự thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, vợ chồng anh Ninh Xuân Mạnh, chị Dương Thị Phượng ở số 9 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mắt ngấn lệ.

Vợ chồng anh Mạnh ở cách nhà Tổng bí thư chỉ một căn.

“Thời gian Tổng bí thư còn khỏe, bác vẫn hay sang thăm nhà tôi. Mặc dù bác là lãnh đạo cấp cao, còn vợ chồng tôi là dân thường nhưng rất gần gũi. Biết là sinh lão bệnh tử nhưng nghe tin bác từ trần, tôi rất đau buồn, thương tiếc”, anh Mạnh đưa tay quệt nước mắt nói.

Từ chiều tối 19-7, sau khi có thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều người dân trên phố Thiền Quang đã tập trung hướng ánh nhìn về phía ngôi nhà công vụ số 5 - nơi gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân đã bày tỏ cảm xúc hụt hẫng, buồn khi nghe tin Tổng bí thư - người hàng xóm nghĩa tình của khu phố - từ trần.

 Vợ chồng anh Đinh Xuân Mạnh xúc động khi xem thông tin Tổng bí thư từ trần - Ảnh: DANH TRỌNG

Kể về kỷ niệm đáng nhớ với Tổng bí thư, chị Phượng cho biết năm 2017, khi tổ dân phố tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự, gặp mặt người dân.

“Lần đó, tôi cùng nhiều người dân được trò chuyện thân mật, chụp ảnh cùng bác Trọng. Bác rất giản dị, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Tôi còn nhớ mãi câu nói đùa dí dỏm của bác với người dân trong tổ dân phố rằng “thật ra cũng căn dặn người dân phải giữ gìn an ninh trật tự nhưng tôi lại là người... làm mất trật tự nhất ở khu phố này, vì đôi lúc 3-4h sáng đã có người dân đến tận cổng gọi tôi nhờ giúp đỡ”, chị Phượng kể.

Là hàng xóm sát vách, vợ chồng anh Mạnh dường như quen với tiếng xe ô tô cũ kỹ, thời gian đi làm, về nhà của Tổng bí thư.

“Mỗi lần nghe tiếng xe là biết bác Trọng đi làm về, cảm xúc như cha mình đi làm về vậy”, chị Phượng nói và cho hay “nghe tin bác Trọng mất thật sự hụt hẫng, cảm giác như mình mất đi một người thân ruột thịt”.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Hiệp (75 tuổi) cũng chực trào nước mắt: “Bác Trọng là người tận tâm, tận sức vì nước, vì dân, phục vụ Đảng, nhân dân đến hơi thở cuối cùng, chưa được nghỉ ngơi ngày nào. Bác là người được nhân dân tin tưởng, một nhà lãnh đạo đáng kính”.

Cũng theo bà Hiệp, nhân dân trong phố Thiền Quang rất quý mến Tổng bí thư, “một người hàng xóm dù là cán bộ cấp cao nhưng rất thân thiết, hòa đồng với nhân dân”.

Người cộng sản chân chính, cống hiến tới hơi thở cuối cùng

Bà Rơ Châm H’Réo (74 tuổi), nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai giai đoạn 1996-2006, không kìm được xúc động khi hay tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Theo dõi hành trình của Tổng bí thư và những trọng trách ông đã đảm nhận, bà Rơ Châm H’Réo nói Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản chân chính, có trình độ năng lực và hiểu biết sâu rộng.

“Từ lúc nghe tin Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, chúng tôi đã nhận ra điềm không lành với sức khỏe Tổng bí thư. Đêm qua tôi rất xúc động, nằm trằn trọc suốt đêm không ngủ.

Đến 18h tối nay, chúng tôi rất sốc khi truyền hình thông tin Tổng bí thư đã từ trần”, bà chia sẻ.

Bà H’Réo nói Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến, làm việc tới hơi thở cuối cùng. Sự ra đi của Tổng bí thư là điều đau đớn cho dân tộc, cho Đảng và gia đình.

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản rất lớn cho Đảng và dân tộc. Đó là tấm gương sáng ngời và tấm lòng cao cả đối với sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu, hạnh phúc", bà H’Réo tâm sự.

 Ông Trịnh Quang Thanh, 65 tuổi, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Lập, TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: TRẦN HOÀI

Mắt ngân ngấn nước, ông Trịnh Quang Thanh (65 tuổi, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Lập, TP Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi mãi mãi là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với đồng bào cả nước.

"Sinh ra trên đời, ai cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên, Tổng bí thư sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, sự cống hiến của Tổng bí thư cho cả dân tộc, đất nước Việt Nam là điều đã được ghi nhận.

Riêng cá nhân tôi, một cán bộ đảng viên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng trong việc thực hiện cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo", ông Thanh bày tỏ.

 Ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ

Bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - xúc động nói: “Thương vì Đảng ta đã mất đi một người lãnh đạo, một nhà lý luận".

Ông Trực cho rằng đường lối của Đảng đòi hỏi một người lãnh đạo có năng lực, tư duy sáng tạo trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện được điều đó, thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo.

Sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát lớn, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.

Tiếp nối thành quả của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, đội ngũ phải nỗ lực vươn lên để bù đắp vào những mất mát đó. Từng cán bộ, lãnh đạo phải phấn đấu, kế thừa lịch sử của Đảng, những kinh nghiệm mà thế hệ đi trước để lại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiều 19-7, trời Huế nổi cơn dông gió. Sau khi các cơ quan truyền thông thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều người dân Thừa Thiên Huế đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.

“Mới hôm qua đọc báo thấy bác Trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng tại bệnh viện, tôi cũng cầu mong bác được khỏe mạnh, tiếp tục lãnh đạo, lo lắng cho đất nước. Nào ngờ…”, anh Nguyễn Ái (trú phường Xuân Phú, TP Huế) bày tỏ.

Là chủ một nhà hàng ăn uống tại Huế, anh Ái nói trong thời gian Quốc tang bác Nguyễn Phú Trọng, anh sẽ treo cờ rủ.

Một đời sống mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo

 Đại úy Đỗ Xuân Điềm - chính trị viên phó, bí thư chi đoàn Đồn biên phòng Na Cô Sa, Điện Biên - Ảnh: CTV

Từ biên giới xa xôi, đại úy Đỗ Xuân Điềm - chính trị viên phó, bí thư chi đoàn Đồn biên phòng Na Cô Sa (Điện Biên) - bày tỏ niềm tiếc thương khi nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Trong trái tim người lính trẻ, Tổng bí thư luôn luôn là tấm gương sáng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng cao đẹp của người cộng sản kiên trung, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để mỗi cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng học tập và noi theo.

Đại úy Điềm nhớ lại niềm vinh dự được gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

“Lần đó tôi cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị. Tổng bí thư luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cao cả, luôn lo lắng đối với vận mệnh của đất nước và sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có đồng bào nhân dân, cán bộ chiến sĩ ở biên cương, hải đảo của Tổ quốc”, đại úy Điềm xúc động nói.

Người lính trẻ nơi biên cương bày tỏ mỗi lần nghĩ về Tổng bí thư anh như được tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn để tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

 Chị Phạm Thị Nguyệt, bí thư Đoàn Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Ảnh: KIM ANH

Chị Phạm Thị Nguyệt, bí thư Đoàn Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: "Với quan sát và lắng nghe của một người trẻ, tôi nhận thấy cuộc đời của Tổng bí thư là một tấm gương sáng tiêu biểu của sự bình dị, gần gũi và khiêm tốn. 

Ông đã sống một đời mẫu mực, chân thành xứng đáng để thế hệ trẻ noi theo và nuôi dưỡng "Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn" như lời Tổng bí thư phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc.

Tổng bí thư là vị lãnh đạo với lý tưởng cao đẹp, một niềm tin sắt son và tình yêu máu thịt đối với nhân dân, đất nước. Dưới sự lãnh đạo Tổng bí thư cùng toàn Đảng, thế hệ trẻ chúng tôi càng tin tưởng vào đường lối của Đảng và Bác Hồ đã chọn, tin vào sự lãnh đạo của Nhà nước.

Đây cũng chính là động lực để thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục phấn đấu, học tập và làm việc, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xin thành kính nghiêng mình trước một nhà lãnh đạo có đức, có tài, một đời vì đất nước, vì nhân dân".

Trung tá Nguyễn Trung Đức - chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân:

 Trung tá Nguyễn Trung Đức - chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân

Là một người dân Việt Nam, vừa là một sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trực, quản lý bảo vệ các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tôi cảm thấy rất đau lòng và thương tiếc khi nhân dân ta, đất nước ta đã mất đi một người cộng sản kiên trung.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến không ngừng nghỉ cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân và đã để lại rất nhiều bài học quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bản thân tôi xin hứa sẽ luôn luôn quán triệt, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về tư tưởng, phong cách, chuẩn mực của Tổng bí thư, nhất là tinh thần 7 dám “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Đồng thời tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; ra sức học tập, rèn luyện, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

ĐÔNG HÀ ghi

 

Ông Phan Xuân Biên - nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương:

 Ông Phan Xuân Biên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh Nguyễn Phú Trọng học cùng trường với tôi nhưng anh học trước tôi 3 năm. Năm 2001, anh Trọng làm bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khóa 2, tôi có cơ hội tiếp xúc với vai trò thành viên hội đồng.

Tôi thường xuyên được làm việc và nghe chỉ đạo từ anh qua các cuộc họp của hội đồng. Tôi cảm nhận được Tổng bí thư là người rất thanh nhã, trí thức, những vấn đề sâu sắc được anh diễn đạt rất nhẹ nhàng, không “đao to búa lớn”.

Anh luôn chỉ đạo mọi người phải “đúng vai, thuộc bài”. Những nội dung chỉ đạo nhiều, nhưng anh tập trung vào những cốt yếu là chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Là một người con quê hương Hà Nội nhưng anh vẫn rất hiểu TP.HCM. Anh luôn luôn nhắc nhở TP.HCM làm sao giữ được vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế. Tôi nhớ mãi câu nói của anh khi đến TP.HCM: “Cả nước chỉ có thành phố này được vinh dự mang tên Bác”.

TP.HCM cũng sẽ xem những chỉ đạo của Tổng bí thư như lời nhắc nhở sâu sắc trên chặng đường vươn mình phát triển.

CẨM NƯƠNG ghi

 

Ông Trần Thanh Liêm - 74 tuổi, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau:

 Ông Trần Thanh Liêm, 74 tuổi, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: T.HUYỀN

Là người sống trên vùng đất rừng Cà Mau mấy chục năm nay. Nghe thông tin bác Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư - ra đi, tôi quá bất ngờ và thương xót.

Bác Trọng đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân, niềm tin trong xây dựng Đảng. Bác đã gieo được lòng tin trong nhân dân, nhưng nay bác đi lòng tôi cảm thấy tiếc thương vô hạn.

Dẫu biết rằng ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử nhưng lòng thương tiếc, hụt hẫng khôn nguôi.

THANH HUYỀN ghi

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, dù tuổi đã cao nhưng vẫn hết lòng vì dân vì nước, cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước đến những hơi thở cuối cùng.

Bác Trọng ra đi là một sự mất mát rất lớn đối với nhân dân, đối với đất nước.

Bản thân tôi là một người dân, đã chứng kiến sự lãnh đạo Đảng của bác qua nhiều nhiệm kỳ, cảm thấy rất xúc động khi nghe tin này. Những đóng góp của bác là hết sức to lớn đối với sự phát triển của nước ta trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thế Sơn (67 tuổi, ở TP Nha Trang, Khánh Hòa)

 

Ông Nhâm Hùng - soạn giả, cử tri quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ:

 Ông Nhâm Hùng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi rất buồn, xúc động và nhớ tiếc ông. Không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chính trị và kinh tế, Tổng bí thư cũng là nhà lãnh đạo rất quan tâm tới lĩnh vực văn hóa.

Tôi ấn tượng nhất là Hội nghị văn hóa toàn quốc do Tổng bí thư chủ trì năm 2021 nhằm chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 thì đây là lần thứ hai có hội nghị như thế.

Tại hội nghị, Tổng bí thư nói gần đây không có bài hát nào hay trong khi trong điều kiện đất nước chiến tranh lại có nhiều bài hát hay. Điều đó làm cho lực lượng văn nghệ sĩ, trong đó có tôi phải xốn xang, nhìn lại, qua đó suy nghĩ phải làm sao cho tác phẩm hay hơn, phải nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo hơn.

CHÍ QUỐC ghi

 

 Nhạc sĩ Doãn Nho nói nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông có cảm giác mất đi một người đồng chí, đồng đội - Ảnh: ĐẬU DUNG

Nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả của các ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Chiếc khăn piêu, Người con gái sông La, Hát mừng quê ta giải phóng, Tiến bước dưới quân kỳ, hợp xướng Sóng Cửa Tùng - biết tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vài chục phút trước thông qua bản tin trên VTV.

Là một đảng viên có 65 tuổi Đảng, nghe tin Tổng bí thư từ trần, ông “có cảm giác mất đi một người đồng chí, một người đồng đội”.

“Không dễ gì Đảng có một con người ưu tú như thế nên khi nghe tin tôi rất thương xót. Sự ra đi của ông là một mất mát, một thiệt thòi lớn không có gì bù đắp nổi.

Ông Nguyễn Phú Trọng là một người trung thành, sống và làm việc theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Một chiến sĩ cách mạng đúng nghĩa”, nhạc sĩ Doãn Nho nói.

Năm nay 92 tuổi, đã quên nhiều chuyện trong đời, dù thế nhạc sĩ vẫn còn nhớ những lần gặp gỡ giữa văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn làm bí thư Thành ủy TP Hà Nội.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng giai đoạn vừa qua là một giai đoạn khó khăn với đất nước nhưng dưới sự lèo lái của Đảng, mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu.

“Tổng bí thư mất đi, để lại một di sản cho thế hệ kế tiếp. Cuộc đời và sự nghiệp của ông để lại bài học để ta tiếp tục đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân", nhạc sĩ chia sẻ.

ĐẬU DUNG

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban Thể dục thể thao, trưởng Đoàn thể thao Việt Nam):

Thể thao nêu cao tinh thần vì sức khỏe nhân dân, mang vinh quang cho Tổ quốc của Tổng bí thư

 Ông Nguyễn Hồng Minh - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân”. Xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới bên cạnh yếu tố văn hóa, việc phát triển thể chất, nâng cao sức khỏe là vô cùng quan trọng.

Tất cả những người làm công tác thể thao đều thấm nhuần hai mục đích cao cả. Thứ nhất, thể thao phải góp phần phát triển thể chất người Việt Nam. Thứ hai, phấn đấu, nỗ lực hết mình giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế.

Lớp lớp thế hệ vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ chuyên môn, nhà quản lý thể thao luôn noi theo tấm gương về tinh thần, tư tưởng, ý chí, nghị lực, cống hiến cho Đảng, cho đất nước trọn đời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong lĩnh vực thể thao, phục vụ nhân dân, cống hiến cho Tổ quốc chính là việc cống hiến hết mình để góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Với thể thao thành tích cao, đó là việc nỗ lực đổ mồ hôi trên sàn tập, nỗ lực hết sức để giành những huy chương danh giá cho Tổ quốc.

Sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nỗi tiếc thương với nhân dân, đất nước, trong đó có những người làm trong lĩnh vực thể thao.

KHƯƠNG XUÂN ghi

 

 Trang Facebook diễn viên Nguyễn Ngọc Thúy Diễm

Trên trang Facebook diễn viên Nguyễn Ngọc Thúy Diễm, Ngọc Lan, Lê Bê La... đều bày tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Bác Nguyễn Phú Trọng mới vừa qua đời, xin cúi đầu tiễn biệt bác! Đây là tin buồn chung của người dân Việt Nam chúng ta", Thúy Diễm viết.

Facebook của nghệ sĩ Đặng Thụy Mỹ Uyên cũng đăng hình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và viết: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thích câu nói này của ông và quý ông vì điều ấy. Kính tiễn ông, người cộng sản đúng nghĩa!".

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Mỹ Uyên nói đang xúc động, cảm thấy như mất mát một điều gì đó rất quan trọng.

“Khi thông tin bác mất được đưa ra, tôi đang mua ít đồ của mấy chị bán hàng rong. Nghe tin các chị cũng hốt hoảng, bày tỏ sự buồn bã và chia sẻ suy nghĩ về bác. Tôi nghĩ người quý bác Trọng nhiều lắm, nhất là những người lao động”.

Chị nói thêm: “Bác Trọng được nhiều tín nhiệm của người dân. Bác gieo trong tim mọi người, trong đó có tôi, một niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Bác Trọng là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Cả một cuộc đời bác học hoài học mãi không ngừng, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân đến hơi thở cuối cùng”.

HOÀNG LÊ

Tác giả: DANH TRỌNG - TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH - TẤN LỰC - HÀ THANH - KIM ANH - NGUYỄN HOÀNG - TRẦN HOÀI - THẢO LÊ - ĐÔNG HÀ - THANH HUYỀN - CHÍ QUỐC - ĐẬU DUNG - KHƯƠNG XUÂN - CẨM NƯƠNG - TIẾN LONG - HOÀNG LÊ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ